Ung thư có thể tự khỏi, nhưng…
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cho hay, y văn thế giới ghi nhận một số trường hợp ung thư có thể tự khỏi.
Từ hàng trăm năm trước, phương Tây đã ghi chép về bệnh nhân mang một khối u ở chân, nhưng khối u bất ngờ biến mất sau một đêm. Đến thế kỷ 19, một bệnh nhân tại Mỹ có khối u ác tính gò má, tái phát nhiều lần, gây nhiễm trùng. Sau một đợt nhiễm trùng nặng, người này hồi phục tốt và khối u biến mất.
Một số trường hợp ung thư hy hữu được ghi nhận đã tự khỏi.
Trải dài theo thời gian, y văn thế giới thỉnh thoảng ghi nhận một vài trường hợp ung thư máu, u mô mềm ác tính, sau một thời gian đã tự hết.
Nhận định về hiện tượng đặc biệt trên, bác sĩ Vũ cho hay, thời điểm đó, phương tiện xét nghiệm, chẩn đoán chưa phát triển. Dân gian cũng nhầm lẫn ung thư với u nhọt hay bướu lành.
Trong khi ung thư là một khối u ác tính, xâm lấn, di căn sang các cơ quan khác thì u nhọt là tình trạng nhiễm trùng do vi trùng, ký sinh trùng gây ra. Khi bị u nhọt, người dân đắp thuốc lá, cắt lể, ổ áp xe vỡ ra rồi lành lại, và người ta ngộ nhận ung thư đã khỏi.
“Những trường hợp ung thư tự hết trên thế giới là có, nhưng cực kỳ hiếm. Cơ chế chính xác chưa ai biết, nhưng các nhà nghiên cứu cũng đưa ra giả thuyết, khi hệ miễn dịch của cơ thể được kích thích sẽ bắt được tế bào ung thư để tiêu diệt. Đó vẫn là giả thuyết”, ông nói.
Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của y khoa hiện nay, nhiều bệnh ung thư phát hiện sớm hoàn toàn có thể điều trị ổn định. Thời gian sống còn kéo dài 5 năm, 10 năm thậm chí 20 năm.
Trước đây, bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối chỉ có thể sống từ 3 đến 6 tháng. Nhưng nay, nhờ loại thuốc mới, bệnh nhân có thể sống từ 2-5 năm hoặc đến 7 năm như một trường hợp tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức.
Bác sĩ Vũ chia sẻ, trên mạng xã hội thỉnh thoảng lan truyền các clip nhân vật tự chữa lành ung thư bằng cách ăn uống tiết chế, ăn thảo dược, ngồi thiền, các bài thuốc….
“Cá nhân tôi không bài trừ, nếu phương pháp không quá khắc nghiệt mà người bệnh vẫn thấy thoải mái, thì có thể thực hiện nhưng phải kết hợp với phác đồ điều trị y khoa của bác sĩ”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh, khó có thể xác định những nhân vật trên mạng xã hội có bị bệnh và khỏi bệnh thật hay không, hay nhầm ung thư với u nhọt khiến người bệnh hiểu lầm, bỏ qua cơ hội chữa trị.
“Bà con không nên trông chờ một phép màu không biết khi nào sẽ đến, nếu đến cũng cực kỳ hiếm mà nên đi đến bệnh viện ngay từ sớm”, bác sĩ Vũ trăn trở.
Ung thư vẫn có thể sống khỏe, nếu…
Ung thư da là bệnh diễn tiến chậm, có thể nhận biết dấu hiệu từ vết lở loét, nốt ruồi biến dạng bị chảy dịch, chảy máu… Nếu phát hiện sớm, cắt bỏ khối u đúng mức, bệnh nhân có khả năng khỏi bệnh rất cao, không tái phát.
Ung thư cổ tử cung, ung thư vú hay ung thư tuyến giáp cũng sẽ điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, can thiệp đúng. Tỷ lệ sống còn trên 5 năm khi đó lên đến trên 90%. Do đó, ung thư không có nghĩa là mang án tử như quan niệm nhiều năm trước.
Bệnh nhân ung thư phụ khoa tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM)
Tuy nhiên, một thực tế đang xảy ra là khi bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt, ổn định nên ngộ nhận đã khỏi và bỏ tái khám. Đến khi tế bào ung thư di căn khắp cơ thể, cơ hội can thiệp hoàn toàn không còn mới quay lại tìm bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ cho rằng, cũng có thể do bác sĩ giải thích không đầy đủ hoặc dùng từ không chính xác nên bệnh nhân hiểu lầm. Ung thư dù có ổn định vẫn phải duy trì tái khám từ 3-6 tháng hoặc 1 năm để đánh giá tình trạng.
Bác sĩ Hồng Công Danh, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ tâm sự, khoa Ung bướu phụ khoa cũng đã chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng khi người bệnh từ chối điều trị.
“Rất nhiều chị em, cô bác đang điều trị ổn, về nhà nghe hàng xóm nói uống thuốc thuốc dân gian hết bệnh liền nghe theo, bỏ bệnh viện 8-9 tháng. Đến khi quay lại thì khối u buồng trứng đã di căn lên phổi và ra đi trong đau đớn”, ông nói.
Ung thư là bệnh điều trị kéo dài, khiến người bệnh lâm vào kiệt quệ kinh tế, chịu nhiều đau đớn, do đó tinh thần lạc quan rất quan trọng. Ngoài ra, các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân cần đặc biệt chú ý đến dinh dương, ăn đủ chất vì sau khi mổ, xạ trị, hóa trị, cơ thể rất mất sức, dễ suy kiệt.
Ung thư đã và đang là gánh nặng trên toàn cầu, với hơn 19,2 triệu ca mắc mới, gần 10 triệu ca tử vong năm 2020. Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có 182.000 ca mắc mới, gần 123.000 ca tử vong.
Tuy nhiên, “ung thư biết sớm trị lành”, đây là chìa khóa quan trọng nhất để người bệnh vượt qua căn bệnh ác tính này.