Ung thư cổ tử cung ngày càng trẻ hóa

TS Nguyễn Văn Tuyên, trưởng Khoa Ngoại phụ khoa, BV K cho biết, UT CTC rất hiếm gặp ở người dưới 20 tuổi. Mới đây, Khoa Sản, Bệnh viện (BV) Bạch Mai xác định một cô bé 15 tuổi bị UT CTC.
Theo các bác sỹ chuyên khoa, thường thì phụ nữ 40 tuổi trở lên mới có nhiều nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung (UT CTC). Tuy nhiên, gần đây độ tuổi mắc căn bệnh này đang trẻ hóa...

Cụ thể, TS Nguyễn Văn Tuyên, trưởng Khoa Ngoại phụ khoa, BV K cho biết, UT CTC rất hiếm gặp ở người dưới 20 tuổi. Trường hợp cô bé 15 tuổi được xác định bị UT CTC ở Khoa Sản, Bệnh viện (BV) Bạch Mai mới đây lại càng hiếm gặp hơn. Theo TS Tuyên, trong UT CTC có nhiều loại, phổ biến nhất là UT biểu mô CTC do virus HPV.

Trường hợp cô bé mới 15 tuổi mắc UT CTC có thể do nguyên nhân nào đó gây biến loạn chứ khó có khả năng do virus HPV, bởi về tuýp mô bệnh học, trong UT CTC, UT biểu mô vảy là chủ yếu (chiếm tới 80-85%), UT biểu mô tuyến chiếm 10%. Còn lại là UT lẫn lộn giữa tuyến và vảy. Ngoài ra, còn một số UT CTC hiếm gặp như dạng u hắc tố, sarcoma mô đệm... Với UT biểu mô tại CTC, 78-80% là do virus HPV gây ra.

Bệnh nhân 15 tuổi bị ung thư cổ tử cung đang điều trị tích cực tại Khoa Sản, BV Bạch Mai
Cũng theo TS Tuyên, từ khi nhiễm HPV đến khi virus này gây ra biến loạn là 5-7 năm. Sau đó, từ mức độ tổn thương tế bào đến khi UT tại chỗ là 10-15 năm.
Từ UT tại chỗ đến khi UT xâm lấn dẫn đến chết người cần khoảng 10 năm nữa. Như vậy, trẻ vị thành niên hay những phụ nữ trẻ khó mà mắc UT CTC được. Do đó, thường những người từ 40 tuổi trở lên mới xếp vào diện nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Mặt khác, điều kiện khiến nhiễm virus HPV là đã có sinh hoạt tình dục. Nhưng không phải ai nhiễm HPV cũng gây UT, mà chỉ có 2-7% những người nhiễm HPV bị chuyển thành UT CTC.

TS Tuyên cảnh báo, hiện nay, UT CTC đang có xu hướng trẻ hóa (thực tế tại BV K, trường hợp trẻ nhất được ghi nhận mắc bệnh này là bệnh nhân 24 tuổi, đã có gia đình. Gần đây nhất là trường hợp bệnh nhân 28 tuổi). Việc trẻ hóa này do các bạn trẻ sinh hoạt tình dục sớm và tần suất nhiều hơn. Các nghiên cứu cho thấy, việc sinh hoạt tình dục sớm, tần suất nhiều, sinh hoạt với nhiều bạn tình (hoặc bạn tình của mình sinh hoạt tình dục với nhiều người khác) thì người phụ nữ dễ mắc UT CTC.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, những người vệ sinh kém, đời sống kinh tế, văn hóa thấp, sinh hoạt với nhiều bạn tình; chồng hoặc người yêu có nhiều bạn tình… thì có nguy cơ mắc UT CTC cao bởi bệnh này lây qua đàn ông.

Tuy nhiên, TS Tuyên lưu ý: Trừ các trường hợp đặc biệt không theo quy luật, còn nói chung, UT CTC từ lúc nhiễm virus đến khi mắc bệnh cũng phải mất 10-15 năm.

Vì thế, nếu đi khám định kỳ, bệnh nhân có thể phát hiện bệnh.  Nếu phát hiện sớm ở nội biểu mô thì bệnh nhân sẽ được chữa tại chỗ và sau đó vẫn sinh nở bình thường. Muộn hơn thì bệnh nhân sẽ được đốt điện, khoét chóp...

Đáng tiếc là hiện nay, ngoài chuyện trẻ hóa, tỷ lệ không cứu được hoặc phải cắt tử cung ngày càng nhiều do bệnh nhân đến viện muộn (60-70% bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn chết người).

Như Ý (tổng hợp)

Đọc thêm