Mù mắt nhưng trí nhớ siêu phàm
Ông David Blunkett sinh trong một gia đình nghèo ở South Yorkshire, Anh. Ngay từ khi sinh ra ông đã bị mù bẩm sinh do một rối loạn gen hiếm gặp. Hoàn cảnh gia đình càng trở nên bi đát khi vào năm Blunkett 2 tuổi, cha của ông không may bị ngã vào thùng nước sôi tại Nhà máy East Midlands và qua đời sau đó một tháng.
Vụ việc rõ ràng là tai nạn lao động nhưng công ty vẫn từ chối trả tiền bồi thường với lý do ông Blunkett đã quá tuổi nghỉ hưu và công ty do thương tình cho gia cảnh nghèo khó của ông mới cho ông đi làm thêm nên không phải chịu trách nhiệm. Mất đi nguồn thu nhập chính, gia đình Blunkett càng túng quẫn hơn.
Đến tuổi đi học, ban đầu, Blunkett được cho học ở trường dành cho trẻ khiếm thị Sheffield. Biết hoàn cảnh của ông, một số người khuyên ông nên đi học một khóa sửa đàn piano để lấy kế sinh nhai nhưng ông đã từ chối để theo đuổi việc học hành. Hoàn thành bậc trung học, ông theo học Cao đẳng cho người mù ở Hereford và đạt thành tích xuất sắc, đủ điều kiện theo học tiếp ở trường Đại học Sheffield, chuyên ngành chính trị.
Bất chấp khiếm khuyết từ khi sinh ra, Blunkett vẫn không từ bỏ đam mê hoạt động chính trị. Năm 1970, ông ra tranh cử vào hội đồng thành phố Sheffield và bất ngờ giành chiến thắng ở tuổi 22. Không những thế, ông còn là thành viên hội đồng trẻ nhất trong lịch sử của thành phố và cũng là của cả nước Anh. Trong cùng thời gian đó, ông gia nhập đảng Lao động và sớm trở thành một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất của đảng này.
Năm 1987, Blunkett đắc cử nghị sỹ Quốc hội và sau chiến thắng vang dội của đảng Lao động tại cuộc tổng tuyển cử năm 1997, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và việc làm của Anh, trở thành bộ trưởng mù đầu tiên của nước này.
Vai trò của Bộ trưởng giáo dục trong nội các Anh lúc đó được đánh giá là một trong những vị trí quan trọng nhất bởi một trong những ưu tiên của Thủ tướng Anh khi bắt đầu nhiệm kỳ là “giáo dục, giáo dục và giáo dục”. Lãnh trách nhiệm nặng nề đó, ông Blunkett đã theo đuổi nhiều cải cách đối với hệ thống giáo dục của Anh, trong đó có việc tích cực giảm sỹ số các lớp học, tăng số lượng giáo viên, đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục đại học…
Khi chính phủ của đảng Lao động bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2001, nhờ thành tích ấn tượng khi làm Bộ trưởng Giáo dục, Blunkett được Thủ tướng Tony Blair bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ.
Nhiệm kỳ của ông bắt đầu trong bối cảnh đầy nhiễu nhương sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ còn ở Anh là tình trạng người nhập cư trái phép đã tăng đến mức cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, công việc của ông diễn ra trôi chảy với việc cho ra đời được Đạo luật chống khủng bố mới với nhiều thay đổi quan trọng, đồng thời thi hành các chính sách an ninh nội địa giúp giảm đến 30% số vụ phạm tội ở Anh, là mức thấp nhất từ trước đến lúc bấy giờ.
Nhiều người sẽ thắc mắc David Blunkett sẽ làm việc ra sao khi ông bị mù?. Trên thực tế, ông trời cướp đi của ông đôi mắt nhưng lại ban cho ông một trí nhớ và khả năng làm việc siêu phàm. Mỗi ngày, ông thường dành ra từ 16 đến 18 tiếng đồng hồ để làm việc.
Ở văn phòng, ông nghe các báo cáo và những ý kiến của cấp dưới hay những chuyên gia về các vấn đề thuộc thẩm quyền xử lý rồi tổng hợp và phân tích kỹ. Buổi tối, ông tiếp tục ngồi nghe những đoạn băng tổng hợp các thông tin từ báo chí, từ các cơ quan, đơn vị trên cả nước để đưa ra những đề xuất chính sách phù hợp trong lĩnh vực do ông quản lý. Bạn đồng hành của ông trên mỗi bước đường khi đó chính là chú chó dẫn đường trung thành có tên Lucy.
Sự mới mẻ, nghị lực phi thường và nhất là khả năng làm việc hiệu quả của Blunkett khi đó đã khiến nhiều nhà quan sát nhận định ông sẽ là đối thủ chính của Bộ trưởng tài chính Gordon Brown tại cuộc đua trở thành người kế vị ông Blair.
Bê bối bất ngờ
Ấy thế nhưng, một sự kiện bất ngờ đã xảy đến, đánh sập những nỗ lực của vị bộ trưởng đáng kính. Tháng 8/2004, tờ News of the World đăng tải một thông tin “bom tấn”, theo đó tiết lộ Bộ trưởng Nội vụ đã có quan hệ ngoài luồng với một phụ nữ đang có chồng.
Trước thông tin này, ban đầu ông Blunkett từ chối phát biểu. Nhưng đến ngày 15/8, tờ The Sun chỉ đích danh người phụ nữ mà ông Blunkett qua lại tên Kimberly Fortier hay Kimberly Quinn – cựu tổng biên tập tờ The Spectator, khi đó đang là vợ của ông Stefen Quinn – tổng biên tập tờ Vogue.
Đến ngày 23/11 cùng năm, báo chí Anh tiết lộ ông Blunkett đã yêu cầu Kimberly tiến hành xét nghiệm ADN để xem ông có phải là cha của cậu con trai 2 tuổi của Kimberly hay không. Giữa lúc những thông tin về vụ ngoại tình đang râm ran dư luận, Kimberly bất ngờ tố giác ông Blunkett đã can thiệp để giúp người giúp việc của bà ta được gia hạn thời gian lao động tại Anh sớm hơn so với thông thường.
Khi bê bối bùng nổ, Thủ tướng Anh Blair luôn khẳng định tin tưởng và ủng hộ ông Blunkett. Nhưng, đến ngày 15/12/2004, vị bộ trưởng bất ngờ tuyên bố từ chức để khép lại cuộc khủng hoảng do ông gây ra, đồng thời để bắt đầu vào cuộc chiến pháp lý để giành lại con trai mà Kimberly đã sinh ra sau khi kết quả thử ADN cho thấy ông thực sự là cha của đứa trẻ.
Dư luận Anh khi đó thay vì bỉ bai lại tỏ ra khá thích thú, thậm chí khâm phục tình cảm cha con mãnh liệt của ông. Đặc biệt, có những thông tin khi đó cho biết việc ông qua lại với Kimberly là do bị bà ta dụ dỗ vì “muốn thử cảm giác quan hệ tình dục với người mù ra sao”! và rằng người phụ nữ này là một kẻ khá trăng hoa và lắm chiêu trò.
Thêm một lần ngã ngựa
Năm 2005, đảng Lao động tiếp tục chiến thắng tại cuộc tổng tuyển cử diễn ra cùng năm. Do vẫn đánh giá cao Blunkett nên Thủ tướng Blair tiếp tục chọn ông làm Bộ trưởng Lao động và phúc lợi với hy vọng ông có thể đưa ra được những quyết sách có thể giúp xử lý cuộc khủng hoảng hưu trí lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi Blunkett nhậm chức, các đối thủ chính trị của ông công bố thông tin cho biết, 2 tuần trước bầu cử, ông đã được bầu vào ban giám đốc của một công ty có tên DNA Bioscience và đã mua 15.000 bảng Anh cổ phần của công ty.
Dù ông Blunkett đã từ chức tại công ty trên ngay sau khi được bổ nhiệm nhưng các đối thủ của ông cho rằng ông đã vi phạm quy định yêu cầu các bộ trưởng phải tham vấn một ủy ban độc lập về việc có nhận một công việc nào đó trong vòng 2 năm sau khi rời nhiệm sở hay không để tránh nguy cơ xung đột lợi ích.
Số cổ phần của công ty vốn đã được ông bàn giao cho một quỹ tín thác độc lập quản lý để sau này cho cho 3 người con trai từ cuộc hôn nhân trước cũng đã được bán đi nhưng các đối thủ chính trị của ông vẫn cho rằng vẫn có khả năng xảy ra xung đột lợi ích bởi công ty DNA Bioscience đang nộp hồ sơ đấu thầu các hợp đồng cung cấp dịch vụ xét nghiệm cho một cơ quan của chính phủ.
Trước những chỉ trích từ dư luận, ngày 2/11/2005, ông Blunkett đã bị triệu tập tới trụ sở chính phủ và ít giờ sau đó, người phát ngôn của Thủ tướng Blair thông báo ông Blunkett đã từ chức tại cuộc họp.
Tuy nhiên, Ủy ban điều tra của Anh sau đó khẳng định ông Blunket không vi phạm các quy định về đạo đức bộ trưởng và cũng không có xung đột lợi ích liên quan đến số cổ phần hay thời gian ngắn ông làm việc trong ban giám đốc của DNA Bioscience.
Kể từ khi từ chức cho đến nay, ông Blunkett vẫn tiếp tục hoạt động chính trị, trở thành một diễn giả có tiếng trên khắp nước Anh. Ngoài ra, ông cũng tham gia giảng dạy ở một số trường đại học và có nhiều hoạt động thiện nguyện đáng chú ý. Năm 2015, ông tuyên bố không ra tranh cử nghị sỹ quốc hội để dành cơ hội cho các nghị sỹ trẻ.