Ứng xử thế nào trước Omicron?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Omicron có thể là siêu biến thể nguy hiểm hơn cả Delta, biến chủng đã hoành hành ở nước ta nhiều tháng qua, lây nhiễm cho hàng trăm ngàn người, gây tử vong cho hơn 20 ngàn người.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/11 xếp biến chủng mới của SARS-Cov-2 là Omicron, mới xuất hiện ở Nam Phi vào nhóm “biến chủng đáng lo ngại”. WHO cho biết biến chủng có nguy cơ lây lan nhanh chóng, gây bệnh nặng hoặc làm giảm hiệu quả vaccine và các phương pháp điều trị. Nói cách khác đơn giản, đây có thể là siêu biến thể nguy hiểm hơn cả Delta, biến chủng đã hoành hành ở nước ta nhiều tháng qua, lây nhiễm cho hàng trăm ngàn người, gây tử vong cho hơn 20 ngàn người.

Một năm trước đây, Delta xuất hiện ở Ấn Độ. Khi đó chúng ta đã rất thành công trong đợt phòng chống SARS-Cov-2 bùng phát lần thứ nhất. Nhưng thế giới ngày nay đã khác ngày xưa. Đại dịch ngày xưa lây lan với tốc độ tàu thủy thì ngày nay lây lan với tốc độ máy bay. Không ai biết được Delta đã “du nhập” vào Việt Nam bằng cách nào, hoành hành tại nhiều tỉnh, thành và chúng ta đã phải chịu một hậu quả vô cùng nặng nề.

Tất nhiên thái độ trước COVID-19 của người dân đã khác rất nhiều so với một năm trước đây: Mọi người đều rất e dè, cảnh giác trước dịch bệnh. Điều kiện của chúng ta cũng đã khác: Tỷ lệ người dân được chích ngừa đã khác, lực lượng y tế đã có kinh nghiệm chống dịch… Nhưng còn một điều chúng ta ai cũng thấy, đó là Delta vẫn đang hoành hành tại Việt Nam, lực lượng y tế đã mệt mỏi cần thời gian dưỡng sức, hậu quả do Delta với kinh tế - xã hội vẫn hiện diện nặng nề…

Nói như vậy để mỗi người dân vẫn phải cảnh giác trước COVID-19 và cơ quan chức năng, nhà khoa học càng cần đề cao cảnh giác, có những chiến lược, biện pháp “đánh chặn từ xa” với Omicron. Thế giới ngày nay là thế giới phẳng; phòng chống dịch bệnh không phải riêng của quốc gia nào.

Tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ, phòng chống dịch, trong đó có việc sản xuất vaccine là công việc rất quan trọng, cần thiết nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm do liên quan tới tính mạng, sức khỏe người dân. Do đó, cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết để nhận thức và hành động cho đúng. “Cần hết sức tránh hai khuynh hướng là chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ, cản trở sự phát triển, bảo đảm thực chất, không chạy theo thành tích”, ông nói.

Toàn dân đã vào cuộc cùng chống dịch, nên đã đến lúc cần phát huy hơn nữa tầm nhìn chiến lược của các nhà quản lý, trí tuệ tri thức các nhà khoa học. Để phòng chống dịch hiệu quả, thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy vaccine có tính chất quyết định, cộng với ý thức người dân là rất quan trọng. Việc thúc đẩy sản xuất vaccine và thuốc điều trị sẽ giúp tăng cường năng lực y tế trong nước, góp phần phát triển ngành công nghiệp dược của Việt Nam. Vì vậy, chỉ đạo nhất quán, quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng là sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị COVID-19 dựa trên truyền thống nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc, vaccine nhiều năm qua; phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần tự lực, tự cường; là điều mà đội ngũ các nhà khoa học cần ý thức.

Đọc thêm