Ứng xử thế nào với sự trở lại của nghệ sĩ?

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Chuyện nghệ sĩ vướng scandal rồi nhanh chóng quay lại với làng giải trí đã không còn xa lạ với công chúng. Từng có những nghệ sĩ vướng lùm xùm dàn dựng chuyện tình cảm để lừa khán giả, “câu khách” cho phim, có nghệ sĩ bạo hành với gia đình, có người vướng scandal ngoại tình, khoe thân, thậm chí vi phạm pháp luật với tội ấu dâm tại nước ngoài...

Ứng xử thế nào với sự trở lại của nghệ sĩ?

Tuy nhiên, sau đó, đa số đều quay trở lại với làng nghệ thuật, thậm chí có người còn “nổi tiếng” hơn xưa. Có những trường hợp ít tiếng tăm, nhờ tạo ra các scandal sau đó nổi lên trong làng giải trí, cát xê cao hơn.

Chính vì những “tiền lệ” như thế, khán giả không ủng hộ với các trường hợp gây tai tiếng rồi quay trở lại, hoạt động mạnh mẽ trong làng giải trí. Đơn cử các trường hợp nói trên, cả Hoài Linh, Phạm Anh Khoa, Jack... đang gặp phải nhiều phản ứng, đòi tẩy chay từ cộng đồng khán giả.

Và mới đây nhất, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 vừa kết thúc và trao huy chương. Cụ thể, liên hoan có khoảng 105 huy chương được trao đi và trong đó, một huy chương bạc đã được trao cho Minh Béo với vai Khánh trong vở “Thi thể thứ tư”, đơn vị biểu diễn là sân khấu Sao Minh Béo. Sau khi Minh Béo chia sẻ giải thưởng này lên mạng xã hội đã nhận phản ứng dữ dội từ dư luận xã hội. Cụ thể, trên các diễn đàn, khán giả bày tỏ sự bất ngờ khi một nghệ sĩ từng vi phạm pháp luật nhưng vẫn được trao giải thưởng. Thêm nữa, nhiều khán giả bức xúc vì cho rằng sau khi phạm tội ấu dâm, Minh Béo đã mất đi hình ảnh một nghệ sĩ với công chúng, nên việc trao một giải thưởng nghệ thuật uy tín là không tôn trọng khán giả.

Một luồng ý kiến cho rằng, nghệ sĩ cũng là con người, cũng có lỗi lầm, khán giả cũng nên cho nghệ sĩ cơ hội để chuộc lại lỗi lầm, phục thiện và tiếp tục đem tài năng cống hiến khán giả. Ngược lại, một luồng dư luận khác đưa những trường hợp nghệ sĩ bị tẩy chay, cấm sóng triệt để ở các thị trường giải trí như Trung Quốc, Hàn Quốc sau những lỗi lầm đã phạm. Đó cũng là cách khán giả và cơ quan quản lý các nước này răn đe nghệ sĩ để buộc họ phải sống chuẩn mực, vì bản thân người nghệ sĩ sức ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, lối sống của người hâm mộ.

Trở lại câu chuyện tẩy chay hay cho cơ hội ở làng giải trí Việt, có lẽ không có công thức chung nào cho các trường hợp. Nghệ sĩ đúng là cần được tạo điều kiện để sửa chữa sai lầm, phục thiện, chứ không nên bị chấm dứt sự nghiệp chỉ sau một hành xử không hay. Tuy nhiên, cần xem xét mức độ sai lầm của mỗi người dừng ở lỗi lầm hay lệch chuẩn đạo đức, vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, việc nghệ sĩ trở lại như thế nào, cả nghệ sĩ và người sản xuất chương trình cũng cần cân nhắc. Nếu là tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật với chuyên môn của mình thì không vấn đề, nhưng nếu những nghệ sĩ có vấn đề về đạo đức, ở ranh giới phạm pháp, nhưng lại xuất hiện với vị thế giám khảo, huấn luyện viên để hướng dẫn, chỉ bảo người khác hay đoạt những giải thưởng lớn do các hiệp hội nghệ thuật trao tặng thì không ổn chút nào.

Thời gian qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chính thức ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Có lẽ, các nhà sản xuất cũng nên lấy đó làm “kim chỉ nam” để cân nhắc việc có để nghệ sĩ trở lại với nghệ thuật hay không, trở lại với vị thế nào, cũng như khán giả có hướng để hành xử với các nghệ sĩ sau những vụ tai tiếng của họ.

Đọc thêm