Ước mơ của nghệ sỹ kịch đang chật vật mưu sinh

(PLO) - Sân khấu phía Bắc dù rất nỗ lực nhưng vẫn đìu hiu, sân khấu phía Nam thì sáng đèn trong… “cơn bão”, trước những “nghịch cảnh” như vậy, những người làm nghề đã chia sẻ cùng phóng viên Báo PLVN những ước mơ rất thật.
Ước mơ của nghệ sỹ kịch đang chật vật mưu sinh
Có được sự ủng hộ, được “bờ vai” của các nhà quản lý 
“Nếu được, tôi sẽ đầu tư về con người” là mơ ước của nghệ sĩ Ái Như của sân khấu Hoàng Thái Thanh, TP.HCM. Theo nghệ sĩ Ái Như: “Tôi vẫn nhớ mãi hồi đầu, những năm sân khấu mới ra mắt. Lúc ấy, tuổi thọ mỗi vở diễn dài lắm, mỗi vở ra mắt là đông khách suốt năm. Hồi ấy, các diễn viên, đạo diễn đầy tâm huyết. Họ đặt hết tâm huyết vào mỗi vở kịch, vai diễn như đứa con thực sự của mình. Sân khấu đã thành nơi ươm tài năng, bệ phóng cho nhiều nghệ sĩ trẻ. Nhưng giờ đây, trong hoàn cảnh khó khăn thì những điều đó hầu như không còn nữa. Nghệ sĩ cũng cần phải mưu sinh. 
Trong khi cát xê mỗi đêm diễn có vài trăm ngàn, nếu dành hết cho sân khấu thì lấy gì mà sống. Sân khấu vẫn là chỗ để diễn viên trau dồi nghề nghiệp, nhưng dường như không phải là nơi để cống hiến hết mình nữa. Trở về từ những show, những sự kiện miệt mài, đến sân khấu thì đã mệt nhoài, còn hơi sức nữa đâu mà sáng tạo?.
Ngay từ khi bắt đầu ra đời sân khấu Hoàng Thái Thanh, tôi và anh Thành Hội đều xác định là sẽ gian nan chứ không “đẹp như mơ” đâu. Nhưng đến những lúc gian khó này, mình cũng nhiều lúc hoang mang, không biết là còn níu được bao lâu nữa. Biết là bất lực nhưng mà không nỡ buông tay, chỉ vì thương yêu và quý trọng cái đẹp mà mình đang cố mang lại”. 
Theo nghệ sĩ Ái Như, nếu được đầu tư, diễn viên sẽ bớt được một phần gánh nặng cơm áo. Có lương ổn định, mọi thứ sẽ đi vào nền nếp hơn, nghệ sĩ nhận được xứng đáng với công sức, sẽ tập trung cho diễn xuất, sáng tạo và hết lòng hơn. Như thế, vở kịch cũng được nâng cao chất lượng, khán giả sẽ thoả mãn hơn, rồi mọi thứ sẽ dần đi lên từ đấy… “Nhưng, đó dường như chỉ là một giấc mơ đẹp đẽ, và những nghệ sĩ vẫn ở đây, cố gắng bám trụ với sân khấu trong cơn sóng gió, để nuôi dưỡng những giấc mơ nghệ thuật đẹp đẽ của mình” - nghệ sĩ Ái Như chia sẻ.
Ước mơ của nghệ sĩ Minh Béo từ sân khấu Sao Minh béo thì rất chi giản dị, đó là: “Được làm nghệ thuật một cách thoải mái”. Theo nghệ sĩ Minh Béo, cái khó thì nói hoài mà không hết. Nào là khủng hoảng diễn viên, thiếu khán giả, mặt bằng giá cao và không ổn định. Có những đêm diễn vắng khách, diễn viên còn phải xin giảm hoặc không lấy cát xê để đồng hành cùng sân khấu. Có than thì cũng chẳng được gì, nên người nghệ sĩ đành tự tìm lối ra cho sân khấu của mình, bằng cách bôn ba, kết nối khắp nơi. Được biết, nghệ sĩ Minh Béo vừa xin được giấy phép lập hãng phim vì kịch tuy là niềm đam mê nhưng không có tiền thì không theo đuổi đam mê được. Hãng phim chính là nơi nương theo thị hiếu đáp ứng nhu cầu của thị trường, kiếm tiền để nuôi sân khấu. 
“Liệu cơm gắp mắm” cái từ nghe bình thường nhưng với người nghệ sĩ là cả một sự bất lực. Có bao nhiêu làm bấy nhiêu thì không thoả hết khao khát, hết tâm tư của mình. Sản phẩm nghệ thuật mình làm ra và đem đến cho khán giả cũng chỉ tương đối chứ không trọn vẹn như ý. Tôi còn quá nhiều dự định để phát triển dòng kịch thiếu nhi, đem đến cho các em những giá trị tốt đẹp nhất. 
Những nghệ sĩ như chúng tôi cũng chỉ ao ước được sự ủng hộ, được “bờ vai” của các nhà quản lý mà dựa vào, để an tâm đi qua nỗi gian khó này. Có sự kết nối giữa cơ sở nhà nước và xã hội hoá, được xem xét, đầu tư những dự án nghệ thuật giá trị, khả thi, có chốn an cư để không còn lo lắng chạy xuôi ngược tìm mặt bằng… Nhưng mơ ước ấy, với chúng tôi còn quá xa vời” – nghệ sĩ Minh Béo chia sẻ.
Đừng nên đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan
Nhận định về thực trạng sân khấu khủng hoảng khán giả trẻ, PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng: “Những người làm sân khấu hôm nay đừng nên đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan như sân khấu bị cạnh tranh bởi các loại hình nghệ thuật như ca nhạc, điện ảnh, hay cho rằng thị hiếu của lớp trẻ đang bị lệch lạc… Hãy nhìn thẳng vào sự thật, đó là sân khấu đang đánh mất đi chức năng và ưu thế của mình bởi nhiều chương trình nghệ thuật, vở diễn “mắc bệnh” giáo điều và không thuyết phục. 
Sân khấu có nhiều ưu thế hơn các loại hình nghệ thuật khác đó là có thể đồng hành với khán giả bằng cách đối thoại và gửi tới những thông điệp cuộc sống. Đa phần các vở diễn thời gian gần đây đã đánh mất đi ưu thế này. Các vở diễn không hề có tác động mỹ học với người xem, khiến họ phải quan tâm, phải suy nghĩ”.
Đồng quan điểm, đạo diễn, NSƯT Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam bộc bạch: “Bản thân tôi cũng thấy mình có lỗi khi đã lãng quên tới việc xây dựng các tác phẩm sân khấu có tính giáo dục và định hướng dành cho lớp trẻ. Hãy đi từ những vấn đề bình dị trong cuộc sống, giáo dục cho lớp trẻ biết yêu thương, biết trân trọng những điều tốt đẹp và căm ghét tránh xa cái xấu. 
Theo tôi, cũng đừng phân chia quá rạch ròi giữa tính giáo dục và tính giải trí. Việc bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua một chiếc vé vào nhà hát là điều quá xa xỉ đối với một sinh viên đang đi học. Tôi cho rằng đã tới lúc các đơn vị nghệ thuật cần dành một số lượng vé trong đêm diễn để tài trợ cho khán giả trẻ tới xem. Các nhà làm sân khấu cần nghiên cứu thị trường biểu diễn và kêu gọi tài trợ cho khán giả trẻ”.
Dưới góc nhìn nghệ sĩ, nghệ sĩ tuồng Hán Văn Tình mong mỏi: “Hơn ai hết chúng tôi mong muốn kéo được khán giả đến với nghệ thuật của mình. Chúng tôi đã nỗ lực đưa tuồng đến với các trường phổ thông và đại học khu vực Hà Nội và sẽ đưa sân khấu học đường của những tỉnh vùng sâu, vùng xa; đồng thời cũng mở rộng, hướng tới bà con đồng bào khu vực biên giới, bộ đội, hải đảo. 
Mục tiêu vẫn như định hướng ban đầu là hướng tới tầm đối tượng khán giả đông nhất, hùng hậu nhất là giới trẻ. Còn đổi mới sẽ còn trông chờ bởi nhiều yếu tố kịch bản, kinh phí... đặc biệt là những diễn viên giỏi, có tâm và thực sự muốn lăn lộn với nghề. Nhưng chỉ có tình yêu cho nghệ thuật truyền thống mới kéo các bạn lại được gần với sân khấu”.