Xuất hiện "cứu tinh” cho nạn nhân của “tín dụng đen”

(PLO) - Hồ sơ đơn giản, thủ tục nhanh gọn, nhiều chuyên gia nhận định, các công ty tài chính đang là “cứu cánh” cho khách hàng của nạn “tín dụng đen”…
Hồ sơ đơn giản, thủ tục nhanh gọn, các công ty tài chính đang là lựa chọn của nhiều người có nhu cầu vay tiêu dùng
Hồ sơ đơn giản, thủ tục nhanh gọn, các công ty tài chính đang là lựa chọn của nhiều người có nhu cầu vay tiêu dùng
Nhu cầu có thực
Ra trường, nhu cầu có chiếc xe để đi lại trở nên bức thiết, theo một số điện thoại quảng cáo cho vay không cần thế chấp, chị Giang (Hà Đông - Hà Nội) gọi hỏi vay tiền. Đầu dây bên kia cho biết chỉ cần hộ khẩu Hà Nội hoặc giấy tờ nhà chính chủ là được vay không hạn chế, lãi suất 10 nghìn đồng/1 triệu /ngày. Với mức lương thử việc 3 triệu đồng/tháng, chị Giang nhẩm tính nếu 10 triệu đồng thì tiền lương chỉ đủ trả lãi vay. 
Đang lúc không biết tính thế nào thì chị được một người bạn mách cho dịch vụ vay tiêu dùng của một công ty tài chính (CTTC). Với 11 triệu đồng, nếu vay trong vòng 1 năm hàng tháng Giang chỉ phải bỏ ra hơn 1,2 triệu đồng để trả cả gốc và lãi. Nếu chọn phương án vay trong 18 tháng, cả gốc và lãi hàng tháng phải trả chưa đến 1 triệu đồng.
Đã vậy, thủ tục chỉ cần bản sao Chứng minh nhân dân và hộ khẩu. Sau khi đối chiếu bản chính, chị được nhân viên làm hợp đồng và giải ngân trong vòng chưa đầy nửa tiếng… “May quá, nếu “dính” vào “tín dụng đen” không biết thế nào”- chị Giang tâm sự. Chị Giang cho biết, sau khi thanh lý xong hợp đồng này vào tháng 12 tới, chị sẽ vay tiếp để “lên đời” chiếc điện thoại.
Lãi suất không phải vấn đề
Điều khiến không ít khách hàng còn băn khoăn là lãi suất. Theo khảo sát mới đây của Cty CP StoxPlus, lãi suất cho vay tiêu dùng được các CTTC áp dụng từ 13%/năm lên tới 63-70%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. Lý giải cho mức lãi suất này, ông Friedrich Weiss, Tổng Giám đốc Home Credit, một trong số các CTTC hiện có mức lãi suất lên tới 70%/năm cho biết, chi phí vốn của CTTC khá cao do CTTC không có chức năng huy động vốn; bên cạnh đó, giá trị của khoản vay nhỏ, kỳ hạn ngắn (khoảng 6 - 18 tháng) dẫn đến các chi phí thu hồi nợ, quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường. Mặt khác, ngành tài chính tiêu dùng có rủi ro cao nên mặt bằng lãi suất sẽ cao hơn so với ngân hàng bán lẻ hay ngân hàng thương mại.
“Con số khách hàng vay với lãi suất 70% ở Home Credit chiếm tỷ lệ rất nhỏ, phần lớn khách hàng đang vay ở mức lãi suất 40% (cả mặt hàng xe máy và kim khí điện máy), so với lãi suất cho vay qua thẻ (với điều kiện rất khó đáp ứng- hợp đồng lao động, sao kê lương…) của một số ngân hàng hiện tại dao động từ 25 – 35%, chưa kể vô số các loại phí khác; tôi cho rằng đó là mức lãi suất hợp lý…”- Tổng Giám đốc Home Credit khẳng định. 
Ông Friedrich Weiss cũng cho biết, lãi suất cho vay trung bình tại Home Credit hiện so với năm 2013 đã giảm từ 16 – 20% tùy vào sản phẩm vay. Thậm chí, Cty đang dẫn đầu thị phần cho vay tiêu dùng này đang triển khai nhiều sản phẩm ưu đãi dành cho khách hàng với mức lãi suất thấp, thậm chí có cả những sản phẩm với mức lãi suất 0% trong suốt thời hạn vay. Ngoài ra tại Home Credit, trong vòng 14 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, khách hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng vay, hoàn lại vốn vay mà không phải trả bất kỳ khoản lãi và phí nào…
“Nên hiểu rằng, rủi ro cao sẽ song hành với lãi suất cao là chuyện đương nhiên. Cao ở đây là so với các khoản vay giá trị lớn, thời gian dài và có tài sản đảm bảo, chứ nếu so với những rủi ro tiềm ẩn của loại hình vay tiêu dùng tín chấp thì lãi suất này mới chỉ đủ bù cho các chi phí vận hành...”- chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích. Theo ông, chính các CTTC là một “cứu cánh” cho những khách hàng của nạn “tín dụng đen”. 
Thị trường tiềm năng
Có thể điểm qua một số CTTC đang cho vay tiêu dùng như: Home Credit, FE Credit, HD Saison Finance, Prudiential Finance, ACS Trading, JACCS... Theo khảo sát của Cty CP StoxPlus, các CTTC hiện nay đều tăng trưởng cho vay rất nhanh và chiếm tới 10% thị phần tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Xét về quy mô, thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam trong năm 2015 ước đạt khoảng 10,4 tỷ USD. Theo dự báo, thị trường tài chính tiêu dùng đang có nhiều nhiều cơ hội, nhất là ở  khu vực nông thôn. 
“Khi các dịch vụ tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh, mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhiều nhóm đối tượng, nhất là nhóm thu nhập thấp thì cũng đồng thời làm giảm mạnh nhu cầu vay tín dụng phi chính thức (tín dụng đen), góp phần ổn định đời sống xã hội, ngăn chặn từ xa những vụ việc đáng tiếc với mỗi gia đình…”- chuyên gia kinh tế, TS. Trần Hoàng Ngân khẳng định.

Đọc thêm