Gặp Huệ tại Hà Nội, tôi đã thực sự bị lôi cuốn bởi khuôn mặt thông minh, trong trẻo, đậm nét hồn nhiên của một cô nữ sinh miền núi.
Từng viết về rất nhiều thủ khoa, đặc biệt là thủ khoa của các trường Công an, có một điều khiến tôi luôn ngạc nhiên và thán phục là các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng đều vươn lên một cách mạnh mẽ giống như những búp măng nơi vùng đất rừng núi cao. Theo quy định của Bộ Công an và Học viện Cảnh sát nhân dân, Huệ sẽ được cộng 3 điểm. Và Huệ cũng là thí sinh khu vực miền núi, em được thêm 1,5 điểm ưu tiên khu vực. Như vậy, quỹ điểm mà Huệ sở hữu là 31,75 điểm và tính đến thời điểm này, em là thí sinh có tổng điểm thi và ưu tiên cao nhất cả nước.
Nguyễn Thị Huệ sinh ra trong một gia đình nghèo, không có truyền thống học hành. Bố em chỉ học hết lớp 6, mẹ học hết lớp 3. Mười hai năm đi học phổ thông là mười hai năm Huệ cần mẫn tự trau dồi kiến thức từ sách vở tham khảo và bài giảng của thầy cô. Huệ tâm sự: “Nhà em ít ruộng lắm, bố phải kiếm sống bằng nghề gánh sỏi thuê từ bến sông Hồng lên bãi. Mẹ em trước đây đi gom phế liệu, cả ngày lượm lặt chắt chiu được vài chục ngàn đồng, cuộc sống gia đình rất khốn khó. Mới đây mẹ em may mắn xin được vào làm ở một công ty may, lương tháng 2,6 triệu đồng”.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đam mê, ước mơ về màu xanh hy vọng đã giúp cho em có thêm động lực. Đồng hành cùng em là sự động viên của bạn bè, thầy cô và nhà trường, Huệ cũng là một trong ba học sinh của lớp chuyên Văn Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) được nhà trường miễn giảm học phí.
Thầy Đỗ Lê Nam, giáo viên chủ nhiệm của em khi nhắc về cô học trò ưu tú của mình đã dành cho Huệ những tình cảm mến thương: “Huệ là học trò khiêm tốn, cầu thị, chăm chỉ, thông minh, nghị lực và sống có lý tưởng”. Huệ chưa bao giờ cảm thấy phiền lòng về sự nghèo túng của gia đình. Em luôn lạc quan, luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp phía trước để phấn đấu vươn lên. Và cách mà Huệ nuôi ý chí “thoát nghèo” chính là học và học.
Dù là dân chuyên văn nhưng phương pháp học tập của em khá khoa học. Với đề Văn hay Sử, Địa đều được Huệ “sơ đồ hóa” để rèn tư duy logic. Thầy Đỗ Lê Nam còn kể về sự cầu thị trong học tập ở Huệ. Đó là những lần làm bài chưa tốt, điểm hơi đuối là Huệ xin làm lại bài một cách nghiêm túc, chỉn chu...
Mười hai năm đèn sách, sẵn trí thông minh trời phú cùng với sự cần mẫn, miệt mài như con tằm nhả tơ, Huệ đã xứng đáng giành được những giải thưởng lớn. Em đã bốn lần tham dự cuộc thi học sinh giỏi khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc bộ và trung du miền núi phía Bắc do các trường chuyên tổ chức, lần nào em cũng đoạt huy chương.
Năm lớp 11, em đi thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý và giành giải khuyến khích. Năm lớp 12, Huệ lại ngoạn mục giành giải nhì quốc gia môn Địa. Và hạnh phúc nhất đối với Nguyễn Thị Huệ lúc này có lẽ là ước mơ trở thành nữ sỹ quan cảnh sát tương lai trong em đã thành hiện thực.