Sau gần 30 năm sinh sống và hoạt động nghệ thuật ở nhiều nước, chị trở về quê hương, thực hiện ước mơ giúp những bà mẹ có chung nỗi đau đáu với mình. Đó là xây dựng SFORA (Sunrise for Arts), những ngôi trường đầu tiên ở Việt Nam sử dụng âm nhạc và nghệ thuật để trị liệu chứng tự kỷ ở trẻ em.
Không chỉ có hoa hồng
Những ngày cuối tháng ba, đầu tháng tư vừa qua, nghệ sỹ viola Nguyệt Thu cùng dàn nhạc quốc tế của mình đã có ba đêm nhạc ngập tràn cảm xúc, đồng hành cùng trẻ tự kỉ. Đêm đầu, Ngày trở về, chị dành tặng người thầy đầu tiên, chính là cha của mình, người đã đưa chị đến với nghệ thuật từ ngày ấu thơ 3, 4 tuổi…
Nghệ sĩ viola Nguyệt Thu (SN 1973), trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, bố chị là Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Thưởng, người khai sinh bộ môn Viola tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ngày đó, bé lắm, mẹ đi học ở nước ngoài, cha đã đọc, đã kể cho chị nghe về những nhạc sỹ lớn trên thế giới. Và rồi những món quà của mẹ từ xứ tuyết, những búp bê, công chúa… càng làm cho trí tưởng tượng của cô bé xa xôi hơn tới những nền âm nhạc kinh điển.
Năm 6 tuổi, chị đã bắt đầu chơi violin và 7 tuổi đỗ đầu hệ sơ cấp Nhạc viện Hà Nội. Và năm 1989 chị đã thi đỗ điểm xuất sắc và nhận học bổng du học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Nga Gnesin tại Moscow. Năm 1994, chị tốt nghiệp xuất sắc trung cấp âm nhạc và tiếp tục thi vào Nhạc viện Tchaikovsky với số điểm cao nhất, chị tốt nghiệp loại xuất sắc. Chị ở lại Liên Xô và tham gia biểu diễn nghệ thuật ở nhiều nước trên thế giới và trở thành nghệ sĩ viola quốc tế.
Rồi duyên số đến, chị kết hôn với một người chồng hơn chị 8 tuổi, một kỹ sư điện do sự quen biết của hai gia đình. Chồng chị là Việt kiều làm việc ở Hà Lan nên chị theo chồng sang Hà Lan. Rồi chị có bầu và sinh một cậu con trai bé bỏng, dễ thương trong niềm vui của cả gia đình.
Thế rồi, cuộc sống gia đình với những khác biệt về văn hóa, vợ chồng chị đã chia tay trong im lặng, chỉ sau hơn một năm con trai bé bỏng chào đời. Chị đã đưa con trở về Tây Ban Nha, nơi chị định cư trước khi lấy chồng để sinh sống và biểu diễn.
Đó là những thời gian khủng khiếp vì bận rộn, vất vả và đầy lo toan khi chị một mình bươn chải ở xứ người nuôi con nhỏ. Có những đêm diễn trong giá lạnh mùa đông, hai mẹ con co ro chăn áo cho đủ ấm mà ứa nước mắt vì thương con. Rồi một ngày, chị giật mình thấy những biểu hiện khác lạ của con, khi con ngồi thẫn thờ một mình chơi đồ chơi nhưng đầy vô cảm với những món đồ đầy xung quanh. Trong số những đồ chơi của con, chị thấy con thích duy nhất màu xanh da trời, áo mặc cũng phải là màu xanh da trời, mặc màu khác là con khóc, đòi cởi ra. Sau này chị mới biết, màu xanh da trời là màu đặc trưng của trẻ tự kỷ…
Cho đến năm 4 tuổi, vào học trường Tây dành cho trẻ bình thường, các thầy cô giáo đã gặp và khuyên chị nên đưa con đến những môi trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ. Lúc đó, nghệ sĩ Nguyệt Thu thấy như đất trời đổ sụp trước mắt, chân tay rụng rời…Chị bắt đầu kết nối lại tất cả sự việc, con trai chị suốt nhiều năm trời chỉ thích ăn một món và chỉ ngủ khi được ôm chiếc gối của mình...
Chị bị khủng hoảng tuyệt vọng, nhưng rồi chính trong sự dằn vặt, bế tắc, chị bỗng nhận ra rằng, tất cả không phải là quá muộn. Chính chị, với trái tim người mẹ sẽ cứu con chứ không ai khác. Chị bắt đầu lắng nghe con, đồng hành cùng con. Chị lao vào tìm hiểu tất cả những thông tin liên quan đến trẻ tự kỷ và biết rằng, tự kỷ không phải là một căn bệnh mà nó là một hội chứng. Chị không còn khắt khe với con mà chị đã thay đổi lựa theo thế giới của con. Chị nhớ, ngày ở Hà Lan, cậu bé thường ngồi bên cửa sổ, rất lâu chỉ để chờ đợi một âm thanh quen thuộc lặp lại hàng ngày. Và khi những tia nắng hiếm hoi hắt qua cửa sổ, cậu bé 4 tuổi đã giơ bàn tay bé nhỏ đón nắng. Cậu ngắm nhìn nắng trong bàn tay, và nâng niu… ngửi nắng. Chị nhận ra, có một thế giới trong trẻo vô ngần mà cậu con trai của mình có được. Không hoàn toàn “bỏ đi” như chị nghĩ…
Một ngày, khi đang chơi đàn, chị để ý con không thích tiếng đàn của chị, khó chịu và thậm chí còn khóc. Con không thích nhạc viola, nhưng khi bạn của chị chơi piano thì con lại rất thích. Con thậm chí còn chui xuống đàn để nghe âm thanh rõ hơn. Rồi thỉnh thoảng, con còn tự gõ tay vào bàn phím, lắng nghe từng âm thanh phát ra, rồi tự đọc theo những âm thanh đó.
Và chị bỗng nhận ra sự kỳ diệu của âm nhạc, môn nghệ thuật ấy không chỉ kéo con người đến với nhau trong sự giao hòa của cái đẹp mà nó còn là một phương pháp trị liệu tuyệt vời cho những đứa trẻ tự kỷ. Chị bắt đầu cho con nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, du dương với tiết tấu chậm rãi, êm đềm. Khi nghe những bản nhạc đó, cậu bé đã có những chuyển biến rõ ràng trong nhận thức…
Những giấc mơ… số phận
Bây giờ, con trai chị Nguyệt Thu đã 15 tuổi, cậu bé đã có đủ nhận thức và sự kiên trì để làm một điều gì đó. Cậu bé không biết viết nhưng có thể nói được 4 thứ tiếng: Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Việt Nam. Cậu có thể lên mạng vào Google để tìm hiểu một điều gì đó cậu cần, có thể chơi piano dù không phải là xuất sắc, có thể thổi được kèn acmonica...
Cậu nhận biết về thế giới xung quanh, về chiến tranh (những hình ảnh cậu tiếp nhận trên ti vi)… sâu sắc tới bất ngờ. Chẳng hạn, trước đây, do bị gia đình bên nội lôi kéo, cậu không thích về Việt Nam với mẹ. Dù cậu yêu mẹ hơn tất cả, nhớ mẹ trong khắc khoải. Cậu biết gọi mẹ: “Sao Thu không về sống ở ngôi nhà xưa bên Hà Lan?”. Cậu nhắc về những món ăn, những kỉ niệm của hai mẹ con… Nhưng cậu cũng biết chia sẻ khi ở Việt Nam, mẹ có các em bé tự kỉ, có em gái và niềm đam mê của mẹ… Bằng một cách nào đó, cậu cũng biết về cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam, cậu tự hào vì đó là quê hương, xứ sở của mình…
Và quan trọng nhất, theo chị Thu, cậu bé đã trở về bình thường là một con người biết yêu thương, vâng lời người lớn và sống được cùng thế giới, không quá tách biệt hay trở nên sợ hãi khi gặp mọi người. Chị hối hận một điều, nếu chị biết được bệnh tình của con sớm hơn và biết được những phương pháp dạy con sớm hơn, một trong những phương pháp nuôi dạy trẻ tự kỷ bằng âm nhạc mà chị đã áp dụng với con sau này thì con chị sẽ không bệnh nặng như thế, và biết đâu con sẽ trở thành người bình thường như bao bạn nhỏ khác.
Chị bảo, trời chỉ cho đến thế thôi, âu cũng là số phận. Cũng là số phận đã đưa chị đến với những công việc nhọc nhằn và không mấy khi nhàn nhã là dạy đàn cho những đứa bé tự kỷ. Với mong muốn mang đến cho các con bị tự kỷ một môi trường tốt để cùng học tập, giao tiếp, chị đã ấp ủ và đến tháng 6/2015, mới hiện thực hóa được mong muốn đó. Ngôi trường sử dụng âm nhạc và nghệ thuật để trị liệu chứng tự kỷ ở trẻ em ra đời.
Bây giờ, ngoài âm nhạc, chị có nhiều dự định và công việc cần làm. Hơn ai hết, cũng như ngón đàn thần thánh của mình, chị muốn chia sẻ những nhận thức của mình với những phụ huynh còn đang mờ mịt chưa tìm đươc lối đi với những dứa trẻ tự kỉ của mình. Theo chị, tính chất nghề nghiệp của nghệ sỹ là cho và cống hiến. Art of Love, nghệ thuật yêu thương sẽ là một dự án lớn để thay đổi chính mình, giúp xã hội nhìn nhận cuộc sống, về những đứa trẻ tích cực, tươi đẹp hơn, khi chúng ta kiên trì tìm lại cuộc đời cho trẻ. Can thiệp càng sớm càng tốt, nhất là độ tuổi từ 3-6. Như cha chị đã từng làm với chị, gieo vào trang giấy tinh khôi là chị khi đó cái đẹp vô ngần của âm nhạc…
Chị ước mơ thành lập một dàn nhạc có đẳng cấp để những cô bé, cậu bé đang học đàn chưa có cơ hội ra nước ngoài, hoặc với những đứa trẻ có thể từ rất nhỏ đã được nuôi dưỡng mơ nghệ sỹ của mình tại chính quê hương xứ sở này. Cũng vì thế, một trung tâm tiếng Anh qua speech drama ở Singapore muốn kết hợp với chị để làm chương trình kịch nghệ để dạy ngôn ngữ vì họ cho rằng khi dạy bất cứ cái gì qua âm nhạc thì trẻ học nhanh hơn, nhớ lâu hơn và có cảm xúc nhiều hơn.
… Nhìn chị kể về cậu con trai và những việc chị đang làm, bất giác, tôi nhớ tới Forest Gump, một chàng trai tự kỉ, trong thế giới của cậu, mãi mãi là những hình ảnh tuyệt đẹp, ngọt ngào và trong trẻo. Bởi điều cậu tiếp nhận được từ cuộc sống, không gì khác ngoài tình yêu thương vô tận…