Chuyện phi thường về người Việt trẻ

(PLO) - Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu là phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn nhằm tôn vinh những cá nhân có thành tích đặc biệt trên nhiều lĩnh vực. 

Và trong 21 năm qua, đã có 220 thanh niên được nhận giải Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và tiếp tục trưởng thành, trở thành những tấm gương đầy đam mê và khát vọng…

“Không bao giờ hối hận”

Trong trang phục đồng bào Mông, Giàng Seo Châu – một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu vừa được tôn vinh - Chủ tịch xã Mản Thẩn (Si Ma Cai, Lào Cai) chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, không có tài năng gì đặc biệt mà chỉ có sự nỗ lực vươn lên từng ngày để đạt được những thành quả như ngày hôm nay”.

Giọng rưng rưng, anh Châu kể: “Khi thi đỗ đại học bản thân vui đến trào nước mắt. Nhưng khi về báo tin vui với bố mẹ, bố gạt tay: “Người ta đi làm nương, làm rẫy mới có tiền, chẳng ai đi học mà có tiền cả. Nhà mình không có tiền để đi học đại học đâu”. Tôi lại khóc lần nữa. Nhưng dù thế, tôi vẫn quyết tâm đi học đại học và nay đã có bằng thạc sĩ” - Giàng Seo Châu nói. Hiện Phó Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, chàng thạc sĩ “của hiếm” của núi rừng Si Ma Cai đã biến xã Mản Thẩn nghèo nàn, lạc hậu phát triển đạt đủ 19 tiêu chí của nông thôn mới.

Còn chủ nhân của sản phẩm Monkey Junior- tiếng Anh cho trẻ em (hiện đã thu hút hơn 2 triệu lượt tải về), Đào Xuân Hoàng, từng là du học sinh tại Úc, theo học bổng của Chính phủ Úc. Bỏ qua công việc và mức lương hấp dẫn về nước khởi nghiệp với không ít chông gai nhưng anh Hoàng nói: “Đến giờ phút này, tôi chưa bao giờ hối hận”. Về nước, anh khởi nghiệp thành công với Vietbao.vn, nhưng không bằng lòng, anh khởi nghiệp lần hai với Monkey Junior.

Và nhà sáng chế chân đất Tạ Đình Huy không có trong tay một tấm bằng nào nhưng đã sáng chế ra chiếc máy nông nghiệp đa năng với 15 chức năng giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất cho người nông dân. Huy cũng sinh ra từ gia đình nghèo, không có điều kiện học đại học nhưng có niềm đam mê đặc biệt với cơ khí. Anh vừa lăn lộn kiếm sống vừa mày mò sáng chế máy nông nghiệp đa năng. “Tôi sáng chế máy nông nghiệp 15 trong 1 không phải để làm thành kỳ tích mà vì để phục vụ công việc thực tế của bà con nông dân” - Tạ Đình Huy nói.

“Thần đồng” Violin 14 tuổi

Cao 1m74  và khuôn mặt có phần già dặn so với tuổi 15, Trần Lê Quang Tiến gây ấn tượng ngay khi gặp mặt. Tiến kể, em học piano từ lúc 5 tuổi. Ngày đó, vừa học đàn và được chị gái Trần Lê Bảo Quyên dẫn dắt nên Tiến học rất nhanh. Sau thời gian học piano, Tiến bắt đầu tìm kiếm học violin chỉ với lý do duy nhất là muốn khác biệt với âm nhạc của chị gái.

Trần Lê Quang Tiến (ảnh tư liệu)
Trần Lê Quang Tiến (ảnh tư liệu)

Sự thay đổi có tính chất bước ngoặt này khá hợp thời khi đúng thời gian NSƯT Bùi Công Duy về nước. Học Violin được nửa năm thì Tiến nản vì học đàn khó quá. Sau 3 năm loay hoay học vẽ, múa, Tiến quyết định trở lại với violin và vẫn học thầy Duy. Thời gian trở lại này, Tiến gặp áp lực khác, so với mức tuổi để học đàn (trung bình từ 5-6 tuổi), thì Tiến đã bước sang tuổi thứ 9, ở độ tuổi được cho là khá muộn để học đàn.

Chính điều này khiến thầy Duy phải có phương pháp dạy học trò ở một chế độ “tăng tốc” nhất có thể. Được thầy giỏi, có nền tảng gia đình hỗ trợ nên hai năm sau, Tiến bất ngờ giành giải Nhất cuộc thi Violon quốc tế Mozart tổ chức tại Thái Lan (2014) và tháng 10/2016, đoạt giải nhất cuộc thi VI International Violin Competition Kazakhasatan, bảng Junior (dành cho thí sinh từ 10 -17 tuổi), cuộc thi âm nhạc cổ điển uy tín của châu Âu.

Nói về cuộc thi Violon quốc tế tại Kazakhasatan, Trần Lê Quang Tiến cho biết, em cảm thấy vui và bất ngờ khi được xướng tên trao giải Nhất. Đó không chỉ có ý nghĩa trong quá trình học tập của em mà kể từ khi nghệ sĩ Bùi Công Duy đoạt giải Nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ tại S.Peterbourg năm 1997 thì em là người thứ hai đã ghi dấu về thành tích đào tạo tiêu biểu của lứa tuổi trẻ đầu tiên của Học viện Âm nhạc quốc gia tại cuộc thi Violin quốc tế theo tiêu chuẩn chuyên nghiệp của châu Âu và quốc tế. Từ những thành tích đạt được, Tiến đã được Học viện Âm nhạc Quốc gia quyết định cho nhảy lớp từ lớp Sơ cấp 1 lên Sơ cấp 3 để rút ngắn thời gian đào tạo tài năng trẻ. 

Sắp tới đây, hai thầy trò Bùi Công Duy và Trần Lê Quang Tiến tiếp tục chinh phục cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ vào mùa tới. Theo thầy Duy, đây là cuộc thi uy tín về âm nhạc cổ điển mà Việt Nam suốt gần 20 năm  qua hoàn toàn vắng bóng. Bởi thế, hiện nay, hai thầy trò đang dành thời gian cho việc tập luyện với chế độ khắt khe nhất.

“Nhìn về lá cờ, tôi nghĩ về Tổ quốc”

Nhanh nhẹn di chuyển trên chiếc xe lăn, gương mặt hồ hởi cùng giọng nói đặc quánh vùng biển miền Trung, khó ai có thể nhận ra một điều lạ từ một người đàn ông khuyết tật từ nhỏ đã sử dụng đôi tay làm thay công việc của đôi chân.

VĐV Lê Văn Công với chiến thắng lịch sử tại Paralympic RiO 2016 (ảnh tư liệu)
VĐV Lê Văn Công với chiến thắng lịch sử tại Paralympic RiO 2016 (ảnh tư liệu)

Trước đây, mọi người biết đến Lê Văn Công là VĐV khuyết tật giành nhiều huy chương giải đấu khu vực và quốc tế, song tên tuổi anh đã nổi rần rần từ tấm HCV đầu tiên cho Việt Nam tại Thế vận hội Paralympics RIO 2016. Chiến thắng kỳ tích này cũng là tấm HCV đầu tiên trong lịch sử Thể thao người khuyết tật Việt Nam sau 5 kỳ tham dự Paralympics.

Ấp ủ giấc mơ giành HCV, Lê Văn Công nỗ lực tập luyện để có tên trong danh sách thi đấu Paralympics RIO 2016. Tuy nhiên, trước ngày thi đấu 2 ngày, Lê Văn Công tiếp tục gặp chấn thương rạn cơ vai. Thế nên, trước giờ thi đấu, Lê Văn Công phải xịt thuốc tê liều cao. May mắn là mọi cố gắng của anh cũng được đền đáp xứng đáng với tấm huy chương vàng lịch sử.

Nhớ lại khoảnh khắc lá quốc kỳ được kéo lên tại Paralympics RIO 2016, anh không khỏi xúc động. Lê Văn Công tâm sự: “Lúc nhận HCV, nhìn về lá cờ Tổ quốc, tôi nhớ về Tổ quốc, quê hương và những người giúp tôi vượt qua khó khăn. Tôi xin dành tặng tấm huy chương đó cho những người đã luôn sát cánh bên tôi trong suốt quá trình vừa qua”.

Năm 2017, Lê Văn Công sẽ tham gia 2 giải đấu lớn là Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) và giải vô địch cử tạ thế giới. Theo Lê Văn Công, vì hai giải này cận kề thời gian thi đấu nên anh sẽ chỉ tập trung thi đấu hết sức một trong hai giải, với mục tiêu bảo toàn tấm huy chương và giữ vững kỷ lục thi đấu của ASEAN Para Games là 178kg và  kỷ lục thế giới là 183kg.

Đọc thêm