Hương liệu độc đáo và khát vọng của cô gái trẻ
Chảo San Mẩy vừa nhận được Giải Vàng trị giá 40 triệu đồng thuộc về Dự án “Trao quyền cho phụ nữ người dân tộc thiểu số bằng việc sử dụng kiến thức cổ truyền để phát triển ý tưởng kinh doanh, tạo ra các sản phẩm đặc hữu địa phương”. Đây là giải thưởng của Cuộc thi “Thách thức Sáng kiến Kinh doanh” năm 2022, nhằm khơi dậy và khuyến khích thanh niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là nữ thanh niên, xây dựng và thực hiện các sáng kiến khởi nghiệp tại địa phương.
Sản phẩm của Chảo San Mẩy và chị em trong bản làm như nến thơm, xà phòng, tinh dầu… đều được chiết xuất từ thực vật chị em trồng được quanh nhà. Ấy vậy mà sản phẩm đã vượt quan biên giới địa phương trở thành lựa chọn của nhiều khách du lịch có gu sành điệu sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ hương liệu dân gian.
Chảo San Mẩy chia sẻ: “Là một người con của cộng đồng người Dao Đỏ với nền văn hóa đa dạng và nguồn tri thức phong phú về các bài thảo dược núi đang có nguy cơ mai một, tôi luôn khao khát mình có thể duy trì, gìn giữ và phát triển tối đa giá trị của các loài dược liệu. Đặc biệt, được sinh ra và lớn lên tại một bản làng người Dao xa xôi, tôi thấu hiểu và thấy được sự nghèo khó của người dân địa phương qua bao thế hệ, do đó tôi mong muốn phát triển doanh nghiệp song hành với việc tạo điều kiện và giúp đỡ gia đình, bà con phát triển kinh tế bên cạnh làm việc đồng áng truyền thống. Ngoài ra, tôi mong muốn có thể phá tan những định kiến về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, mong muốn mình có thể trở thành một ví dụ tiêu biểu về việc phụ nữ thoát khỏi những ràng buộc cổ xưa và gây dựng nên sự nghiệp cho chính mình, bằng bàn tay của mình để có một cuộc sống tốt hơn và giúp ích cho xã hội, cho chính bản làng nghèo của mình. Cuối cùng, hiểu được nhu cầu sử dụng và mua quà tặng chất lượng, mang bản sắc địa phương của khách du lịch trong và ngoài nước. Sản phẩm của chúng tôi đáp ứng các tiêu chí: chất lượng tốt, an toàn, đẹp, sang trọng mà lại gắn kết với văn hóa địa phương, thân thiện với môi trường”.
Sống cùng với bà con ở bản làng, Chảo San Mẩy quá hiểu đời sống cơ cực của phụ nữ Dao Đỏ. Đó là những người thiệt thòi trong việc kết nối giáo dục, nghề nghiệp và không có tiếng nói trong gia đình, không có cơ hội và điều kiện để phát huy tiềm năng bản thân. Hơn nữa đời sống của họ còn nhiều khó khăn, luôn gắn liền với việc đồng áng và chăm lo gia đình, không có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống, cho nên dù có ước mơ riêng thì họ cũng không bao giờ dám nghĩ tới việc thực hiện nó. “Mục tiêu của tôi luôn hướng tới là mang đến cơ hội và điều kiện cho chị em phụ nữ người đồng bào trong cộng đồng mình để họ kết nối nhiều hơn với giáo dục, học cách làm kinh tế và có một cuộc sống tốt hơn. Tôi còn khá trẻ và chưa từng làm kinh doanh hay vận hành bất kỳ mô hình sản xuất nào, do đó tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời điểm mới bắt đầu và thậm chí là bây giờ. Nhưng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ từ bỏ dự án này, vì đây chính là “sợi dây cơ hội” giúp tôi và đồng bào mình có một tương lai tươi sáng hơn” - cô gái trẻ tâm sự.
Chảo San Mẩy cho biết, dự án của mình hiện tại mặc dù chưa đạt được quá nhiều thành tựu, nhưng từ những việc như thu mua và chiết xuất tinh dầu cùng chị em nơi cô sống, cô đã thấy chị em rất hào hứng và rất tích cực trong mọi hoạt động và thật sự họ có rất nhiều tiềm năng mà chưa có cơ hội khai thác. Đó là một dấu hiệu rất đáng mừng và tích cực cho một sự phát triển bền vững trong tương lai khi doanh nghiệp của cô phát triển hơn.
Bí quyết của người Dao sẽ tạo nên sự khác biệt
Sự nhạy bén của Chảo San Mẩy khi cô tạo một thư viện nhỏ để ghi chép lại những kiến thức cổ truyền về các loài thảo dược, các bài thuốc được truyền lại từ các bà, các mẹ người Dao Đỏ và ứng dựng làm nên các sản phẩm giá trị cao về chất lượng và hình thức, như xà phòng thảo dược, tinh dầu, nến thơm,… theo phong cách mới lạ và sang trọng.
“Nguyên liệu làm sản phẩm được thu mua từ bà con trong bản xa để tạo thêm thu nhập trang trải cuộc sống, bên cạnh đó tôi sẽ mở rộng và học cách trồng nhiều cây dược liệu quý cùng bà con để bảo tồn và tạo sự phát triển bền vững. Việc kết nối giữa thu mua đến sản xuất, tiêu thụ… tạo nên ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng về việc thay đổi tư duy, định kiến để phát triển kinh tế và thay đổi quê hương, đặc biệt là chị em phụ nữ bằng cách làm việc với họ và chia sẻ lại những trải nghiệm, kinh nghiệm qua quá trình chúng tôi đã làm việc và học tập” - Chảo San Mẩy tự tin cho biết.
Sản xuất ra một sản phẩm như hàng hóa thẩm mỹ là rất khó, bởi phải vừa bảo đảm sự an toàn, chất lượng, mẫu mã đẹp và có tính cạnh tranh… và làm cách nào để có được khách hàng ổn định cũng là việc rất khó với cô gái trẻ mới khởi nghiệp. Chảo San Mẩy cho biết cô đã dành nhiều thời gian tiếp cận thị trường với giới thiệu sản phẩm. Cô thấy có lượng lớn khách hàng đang hướng về sử dụng các dòng sản phẩm thuần chay từ thiên nhiên nhằm bảo vệ sức khỏe và thân thiện với môi trường.
“Với dòng sản phẩm xà phòng cao cấp và câu chuyện sản phẩm mà chúng tôi đã có, cho thấy dòng khách hàng cao cấp như các đại sứ quán, các công ty, khách sạn lớn, khách du lịch cũng rất quan tâm tới dòng sản phẩm này. Với các dòng sản phẩm như tinh dầu, nến thơm khi ra thị trường, chúng tôi sẽ giới thiệu với đối tượng khách hàng hiện tại, cửa hàng và phát triển trên các sàn thương mại điện tử”. Vậy là đầu ra cho sản phẩm đã có được bước đi ban đầu, dù khó khăn và vẫn nhỏ bé so với thị trường sản phẩm thiên nhiên đang phát triển ồ ạt của các doanh nghiệp lớn.
Chảo San Mẩy tự tin cho rằng, sản phẩm của cô không có hóa chất vì cô có những bí quyền lâu đời của người Dao Đỏ. “Tôi đã và đang lưu giữ, sử dụng những kiến thức lâu đời về thảo dược núi của người Dao Đỏ để làm ra các sản phẩm thuần chay từ thiên nhiên như xà phòng thảo dược, tinh dầu… Tôi tin tưởng rằng với hướng đi này sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và cộng đồng. Chúng tôi mong muốn có thể trở thành tấm gương sáng cho cộng đồng các chị em người dân tộc thiểu số trên địa bàn để cùng nhau xây dựng một xã hội vững mạnh và phát triển hơn về cả nhận thức và kinh tế”, cô cho biết.
Trong bài thuyết trình về dự án, Chảo San Mẩy đã thuyết phục được Ban giám khảo khó tính về tính độc đáo, đặc trưng của sản phẩm. Đó là sản phẩm được kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, sang trọng. Câu chuyện sản phẩm nhân văn và ý nghĩa, tạo nên một món quà chất lượng, đẹp về cả hình thức lẫn linh hồn. Cô nhấn mạnh về khát vọng những người phụ nữ dân tộc thiểu số luôn khao khát thay đổi, làm kinh tế và phát triển trên mảnh đất quê hương mình. Họ muốn thay đổi cuộc sống.
Chảo San Mẩy cho biết, dự án đã thực hiện hơn 1 năm và họ đang dần có kinh nghiệm về sản xuất, tìm hiểu thị trường. Bước đầu đã thiết lập được bộ máy hoạt động cơ bản và có những thiết bị văn phòng, công cụ sản xuất cần thiết. Nhưng công nhân theo làm với cô đã có nhu nhập ổn định theo tháng hoặc thời vụ.
Chảo San Mẩy tin tưởng với sự phát triển này, thương hiệu của cô sẽ có đời sống trong cộng đồng: “Chúng tôi sẽ là các bạn trẻ tiên phong về việc gìn giữ, lưu truyền và truyền lại cho thế hệ trẻ những kiến thức quý báu về các bài thuốc cổ truyền của người Dao Đỏ, hiện được những người già nắm giữ bí quyết. Tạo công ăn việc làm và thay đổi nhận thức cho người dân địa phương. Khơi dậy nguồn cảm hứng khởi nghiệp cho các bạn trẻ người đồng bào miền núi. Chúng tôi luôn ủng hộ sự lãnh đạo và hòa nhập của phụ nữ với sự phát triển của xã hội. Hơn nữa, doanh nghiệp của chúng tôi luôn hướng tới bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách đóng gói sản phẩm bằng các loại túi, hộp giấy cao cấp, tái chế túi đựng từ thổ cẩm cũ”.