Uống cà phê bị trộn pin nguy hiểm ra sao?

(PLO) - Chủ cơ sở mua pin con ó đập vỡ, lấy bột màu đen rồi trộn với vỏ, phế phẩm từ hạt cà phê để sản xuất thành cà phê bột.

Sáng 17/4, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49 - Công an tỉnh Đắk Nông) vừa cho biết đơn vị vừa phối hợp với lực lượng chức năng bắt quả tang một cơ sở chế biến cà phê bằng cách trộn với bột màu đen trong lõi pin.

Nguyên liệu trộn cà phê bẩn được chủ cơ sở thu mua trên thị trường. Ảnh:Trần Lộc.

Chia sẻ với Zing.vn, PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, lõi pin chủ yếu là bột mangan dioxit, chất tạo ra màu đen. Việc trộn với bột cà phê, sau đó trong quá trình pha cà phê, mangan dioxit sẽ thôi ra nước cà phê. Người uống phải lượng mangan này sẽ có thể bị ngộ độc.

“Nếu hàm lượng mangan cao vượt quá 0,5 mg/lít sẽ gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể”, PGS Côn cho hay.

Theo chuyên gia này, mangan không có khả năng gây đột biến cũng như hình thành các bệnh nguy hiểm như ung thư, cũng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nó có liên quan mật thiết đến hệ thần kinh, gây ra các độc tố hình thành hội chứng manganism với các triệu chứng tương tự bệnh Parkinson. Nếu lượng mangan hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch.

Đặc biệt, chuyên gia khuyến cáo phụ nữ đang mang thai và trẻ em tuyệt đối tránh tiếp xúc và sử dụng nguồn nước nhiễm mangan.

Đọc thêm