Uống nhiều sữa tươi có thể tạo nguy cơ... thiếu sắt

(PLVN) - Điều tưởng là trớ trêu như thế nhưng lại có căn nguyên khoa học.
Bs. CK1. Vương Ngọc Thiên Thanh, giảng viên Bộ môn Nhi – Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Khoa Sốt xuất huyết – BV Nhi Đồng 1. Ảnh: Võ Anh Tuấn
Bs. CK1. Vương Ngọc Thiên Thanh, giảng viên Bộ môn Nhi – Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Khoa Sốt xuất huyết – BV Nhi Đồng 1. Ảnh: Võ Anh Tuấn

Với việc cung cấp protein, vitamin và khoáng chất, sữa vẫn được xem là nguồn dinh dưỡng toàn diện.

Thế nhưng, theo Bs. CK1. Vương Ngọc Thiên Thanh, giảng viên Bộ môn Nhi – Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Khoa Sốt xuất huyết – BV Nhi Đồng 1, Uống nhiều sữa tươi có thể tạo nguy cơ gây thiếu sắt. Cơ chế được BS. Thiên Thanh lý giải như sau: giữa canxi, photpho và sắt có sự cạnh tranh với nhau. Canxi, photpho trong sữa cạnh tranh hấp thụ với sắt, khiến sắt không được hấp thụ hoặc hấp thụ không đủ.

“Ngay cả những trẻ béo phì cũng có thể bị thiếu sắt nếu trẻ uống sữa tươi quá nhiều. Nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 năm 2018 cho thấy có khoảng 82% trẻ bị thiếu máu thiếu sắt (trên 12 tháng tuổi) được ghi nhận uống hơn 600 ml sữa tươi/ ngày.”, Bs. Thiên Thanh cho biết.

Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu. Căn bệnh này được gọi chung là bệnh “thiếu máu thiếu sắt”. 

Bs. CK1. Vương Ngọc Thiên Thanh giao lưu với cử tọa tại buổi tư vấn. Ảnh: Minh Nhật
Bs. CK1. Vương Ngọc Thiên Thanh giao lưu với cử tọa tại buổi tư vấn. Ảnh: Minh Nhật

Theo thông tin của Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, thiếu máu thiếu sắt là bệnh lý rất phổ biến trên thế giới, gặp ở mọi vùng miền, tuy nhiên gặp tỷ lệ cao nhiều ở các nước nghèo. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ở cả hai giới nhưng phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và trẻ em chiếm tỷ lệ cao hơn.

Đối với trẻ em thì bệnh này thường xuất hiện ở trẻ em dưới 5 tuổi. “Các nghiên cứu đã thực hiện cho thấy tỉ lệ thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em Việt Nam nằm trong khoảng 9 – 19,6%  tùy địa phương, Nghĩa là cứ 10 trẻ thì có 1-2 trẻ bị thiếu máu thiếu sắt.”, Bs. Thiên Thanh cho biết.

Tại chương trình tư vấn và tầm soát thường kỳ của Phòng khám đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, kỳ tháng 07/2019, với chuyên đề “Những Điều Cần Biết Về Các Bệnh Lý Thường Gặp Ở Trẻ Sơ Sinh Và Trẻ Nhỏ”. Bs. Thiên Thanh cho biết nguyên nhân của bệnh “thiếu máu thiếu sắt” chủ yếu là do chế độ ăn.

Nhu cầu chuẩn đối với trẻ là: Non tháng < 6 tháng tuổi: 2-4 mg/kg/ngày; Đủ tháng < 6 tháng tuổi: 0,27 mg/ngày; 7-12 tháng tuổi: 11 mg/ngày; 1- 6 tuổi: 7 mg/ngày. 

Để điều trị, theo Bs. Thiên Thanh, cần uống thuốc sắt (trung bình 3 tháng); xổ giun, điều trị khác (tùy nguyên nhân) và đặc biệt là thay đổi chế độ ăn. 

Theo đó, uống sữa thì uống đúng loại – đúng lượng; nên chọn thức ăn nhiều sắt, nhiều vitamin C và phải có cách chế biến phù hợp. Các thức ăn nên chọn như: thịt heo, bò, gà, cá, gan; ngũ cốc ăn sáng; bánh nhân thịt: pateso, bánh bao, há cảo, chả giò…; soup cua gà; bánh flan; đậu hủ nước đường; chè đậu, bánh nhân đậu; xà lách trứng, cá ngừ ngâm dầu, bông cải xanh.

Để dự phòng: trẻ đủ tháng, bú mẹ: sắt 1 mg/kg/ngày từ 4 tháng cho đến khi 6 tháng tuổi; trẻ đủ tháng, bú bình: không cần bổ sung sắt; trẻ sinh non hoặc nhẹ cân 1,5 – 2,5 kg bú mẹ: sắt 2 mg/kg sắt nguyên tố (2 tuần – 12 tháng tuổi). Nếu bú sữa công thức, không cần bổ sung siro sắt; trẻ sinh non 1-1,5 kg bú mẹ: 3 mg/kg/ngày. Nếu bú sữa công thức, không cần bổ sung siro sắt; trẻ sinh non < 1 kg: 4 mg/kg/ngày.

Bs. Thiên Thanh cũng khuyến khích phụ huynh theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ theo thời gian và xét nghiệm tìm tình trạng thiếu vi chất để kiểm soát tình trạng thiếu máu thiếu sắt của trẻ.

Khám sức khỏe miễn phí cho trẻ em dưới 16 tuổi

Nhân dịp bế giảng năm học và học sinh bước vào kì nghỉ hè, với mong muốn có thể cung cấp dịch vụ đo khúc xạ đầy đủ cho các em học sinh trước khi bước vào năm học mới, Phòng khám đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức đo khúc xạ đầy đủ và khám tổng quát sức khỏe trẻ em, đánh giá tăng trưởng cân nặng, chiều cao, tư vấn dinh dưỡng, tư vấn chủng ngừa (không bao gồm xét nghiệm, thuốc)

Chương trình được thực hiện trong 01 tháng, kể từ ngày 01/07/2019 đến hết ngày 31/07/2019 dành cho trẻ dưới 16 tuổi.

Đọc thêm