Ưu tiên sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005

(PLO) - Chiều 24/2, phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác năm 2014 của Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng yêu cầu cần xác định nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là tập trung hoàn thiện 2 dự án luật mà Vụ được giao chủ trì, trong đó ưu tiên Dự án Bộ luật Dân sự năm 2005 (sửa đổi) với nhiều phần nội dung quan trọng. 
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Xây dựng, thẩm định, góp ý hàng trăm văn bản
Báo cáo tổng kết công tác của Vụ cho biết, trong năm 2013 Vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng Dự án Bộ luật Dân sự năm 2005 (sửa đổi) và Dự án Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (sửa đổi) theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 
Trong đó, Dự án Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (sửa đổi) đã trình Quốc hội lấy ý kiến lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ 6 và đang trong giai đoạn phối hợp với cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý Dự thảo luật để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, còn việc sửa đổi Bộ luật Dân sự thì đã báo cáo Chính phủ về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm và những định hướng sửa đổi lớn tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật. 
Ngoài ra, thực hiện sự phân công của lãnh đạo Bộ, Vụ tham gia trực tiếp cùng với TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tài chính xây dựng và đã được lãnh đạo các Bộ, ngành ký ban hành hai thông tư liên tịch hướng dẫn chi tiết Điều 32a và Điều 92 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Vụ cũng tham gia xây dựng hơn 20 dự án luật, thẩm định 153 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, góp ý 495 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản công tác thẩm định, góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tiến độ về thời gian, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. 
Bên cạnh đó, Vụ đã triển khai các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt là giải đáp nhiều vướng mắc pháp lý qua điện thoại và văn bản cho doanh nghiệp; thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014; quản lý, theo dõi và hướng dẫn hoạt động của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp…
Tăng cường quản lý nhà nước theo hướng mở
Trong năm 2014, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế Dương Đăng Huệ cho biết, Vụ sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch xây dựng Dự án Bộ luật Dân sự năm 2005 (sửa đổi); phối hợp với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nghiên cứu, chỉnh lý Dự án Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (sửa đổi) cũng như tổ chức thực hiện tốt công tác thẩm định, góp ý văn bản và tăng cường hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra các hoạt động của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp. 
Đối với công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, Vụ sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66, triển khai các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp…
Phát biểu kết luận hội nghị, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong năm 2013 của Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, đồng thời cơ bản nhất trí với những phương hướng nhiệm vụ đề ra trong năm 2014, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng yêu cầu cần xác định nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là tập trung hoàn thiện 2 dự án luật mà Vụ được giao chủ trì, trong đó ưu tiên Dự án Bộ luật Dân sự năm 2005 (sửa đổi) với nhiều phần nội dung quan trọng như nghĩa vụ và hợp đồng, sở hữu, thừa kế… 
Về công tác thẩm định, Thứ trưởng đề nghị phải tham gia vào quá trình xây dựng văn bản ngay từ đầu để nắm được các vấn đề cần thẩm định, phát huy trí tuệ chuyên gia, tăng cường cơ chế tư vấn thẩm định và quan trọng nữa là “theo đến cùng” để xem ý kiến thẩm định được tiếp thu ra sao. 
Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng, cũng cần chú trọng công tác quản lý nhà nước mà lãnh đạo Bộ đã giao phó theo hướng mở đối với các lĩnh vực như hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, tổ chức cán bộ…, “chứ không chỉ tập trung mỗi công tác chuyên môn”.

Đọc thêm