Theo “Hợp đồng thuê lại đất” số 59/2010/HĐTLĐ/IZI ngày 3/9/2010 thì Bên A (Cty CP Đầu tư Khu công nghiệp Hòa Cầm - KCN Hòa Cầm) đồng ý cho Bên B (Cty CP Cơ điện miền Trung - Cty CĐMT) thuê lại lô đất có diện tích 39.505m2 trong KCN Hòa Cầm để sản xuất thiết bị điện và dây cáp điện, cơ khí, xây dựng và kho chứa vật tư thiết bị. Thời hạn thuê đất là 40 năm kể từ ngày 1/1/2006 đến ngày 1/1/2046. Phương thức thanh toán tiền thuê lại đất là trả hàng năm.
Cty CP Cơ điện miền Trung đang bị áp đặt mức giá thuê đất |
Hai bên thống nhất áp dụng đơn giá 4.200 đồng/m2/năm (chưa bao gồm thuế VAT), được giữ ổn định trong vòng 5 năm, kể từ ngày 1/1/2006 và tăng 15% sau 5 năm. Thời gian thuê lại đất kể từ ngày 1/1/2006… Thế nhưng chưa đầy nửa năm sau ngày ký hợp đồng, thay vì thực hiện đúng như cam kết, Bên A đột ngột tăng giá thuê đất lên gần 6 lần.
Để thực hiện việc tăng giá, ngày 18/9/2012 một “kịch bản” đã được hoạch định. Đầu tiên, Ban Quản lý các KCN và chế xuất Đà Nẵng (Ban Quản lý KCN-CX) có Công văn số 580/BQL-DN kiến nghị đơn giá thuê lại đất đối với Cty CĐMT tại KCN Hòa Cầm. Tiếp đó, ngày 26/10/2012 UBND TP.Đà Nẵng có Văn bản số 8927/UBND-KTN đồng ý theo đề xuất của Ban này đối với việc thuê lại đất của Cty CĐMT tại KCN Hòa Cầm. Theo đó, từ ngày 1/1/2006 đến ngày 1/1/2011, đơn giá thuê đất là 4.200 đồng/m2/năm, nhưng từ ngày 2/1/2011 trở về sau đơn giá thuê lại đất là 24.150 đồng/m2/năm…
Theo luật sư của Bên B, trước hết, việc nâng giá của Bên A đã vi phạm nghiêm trọng hợp đồng đã ký kết giữa hai bên. Việc gửi văn bản kiến nghị UBND TP.Đà Nẵng ra văn bản quy định mức giá thuê đất mới đối với Cty CĐMT là “mượn” quyền lực hành chính để áp đặt và vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Dân sự.
“Hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất giữa KCN Hòa Cầm và Cty CĐMT là một hợp đồng dân sự, được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự, cho dù còn phải chịu sự chi phối của pháp luật về đất đai nhưng trước hết phải được điều chỉnh trực tiếp bằng pháp luật dân sự, đó là nguyên tắc tự nguyện cam kết, thỏa thuận, mọi phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng đều phải được bàn bạc, thỏa thuận và thống nhất, không ai có quyền áp đặt ý chí vào quan hệ này” – vị này nhấn mạnh.
“Luật của nguyên đơn”
Vì không chấp nhận bị áp đặt mức giá thuê đất mới, Cty CĐMT bị KCN Hòa Cầm khởi kiện yêu cầu TAND quận Cẩm Lệ buộc trả gần 2,66 tỷ đồng tiền thuê đất và tiền lãi chậm thanh toán. Trong phiên tòa ngày 30/9/2013, TAND quận Cẩm Lệ tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của KCN Hòa Cầm đối với Cty CĐMT.
“Tòa xử dựa vào Văn bản số 8927 của UBND TP.Đà Nẵng, nhưng văn bản này lại được ban hành từ chính kiến nghị của Ban quản lý KCN-CX Đà Nẵng, là “mẹ” của nguyên đơn, như vậy có trớ trêu không?. Không những thế, Văn bản 8927 còn không căn cứ vào Quyết định 6211/QĐ-UBND ngày 8/8/2007 quy định về giá thuê đất do chính UBND TP.Đà Nẵng ban hành trước đó” – đại diện pháp lý của bên bị bức xúc.
Theo vị này, ngay kể cả khi UBND TP.Đà Nẵng ra quyết định về đơn giá cho thuê lại đất đi nữa thì hai bên cũng phải thỏa thuận và thống nhất. Bởi Hợp đồng số 59 đã dự liệu: “Trong quá trình thực hiện hợp đồng, khi có ý kiến bằng văn bản của UBND TP.Đà Nẵng về đơn giá thuê lại đất tại KCN Hòa Cầm thì hai bên bàn bạc, thỏa thuận để thống nhất”. Trong quá trình thực hiện hợp đồng cũng như khi xảy ra tranh chấp, nếu hai bên vẫn không thỏa thuận được về đơn giá mới thì cần phải căn cứ vào đơn giá đã thỏa thuận trong hợp đồng để xem xét giải quyết.
Chính vì có nhiều điểm bất hợp lý, không chỉ phía bị đơn là Cty CĐMT kháng cáo mà ngày 14/10/2013, VKSND quận Cẩm Lệ cũng đã quyết định kháng nghị Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 38/2013/KDTM-ST ngày 30/9/2013 của TAND quận Cẩm Lệ theo thủ tục phúc thẩm.