Hôm qua, ông Trịnh Việt Long, Tham tán phụ trách cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, cho biết, có 8 người Việt bị thiệt mạng trong vụ chen lấn trên cầu ở Phnom Penh, tối 22/11.
Cũng theo ông Long, trong số 8 người Việt bị thiệt mạng có một bé trai là Nguyễn Văn Cu, 12 tuổi. Ngoài số người Việt bị thiệt mạng, có 5 người Việt khác đang mất tích, 8 người khác bị thương.
|
Người chết được đưa vào dưới tấm lều màu trắng. |
Theo Hội Người Việt Nam tại Campuchia, các nạn nhân là người sống ở Phnom Penh và tỉnh Kan Dal. Người thân đã đưa các nạn nhân xấu số này về nhà để mai táng.
Ông Long cho biết thêm, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia dự kiến hôm nay đến thăm hỏi các gia đình có người bị nạn. Ưu tiên lớn nhất hiện nay vẫn là tìm người và xác minh danh tính nạn nhân. Sáng qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cũng đã tổ chức cuộc họp để nắm bắt tình hình.
|
Nhiều thứ còn vương vãi trên Cầu Vồng. |
Theo tin mới nhất từ CNN, số người chết trong vụ giẫm đạp lên nhau trên cây cầu treo mang tên Cầu Vồng ở Phnom Penh, Campuchia, trong Hội té nước truyền thống đã lên tới gần 375 người và số người bị thương được thống kê là 755 người. Chính quyền Campuchia lập tức mở cuộc điều tra tìm nguyên nhân và để quốc tang một ngày (25/11).
Hôm qua, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi Điện chia buồn đến Quốc vương Campuchia Norodom Shihamoni. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi Điện chia buồn đến Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Samdech Hunsen; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gửi Điện chia buồn đến Chủ tịch Thượng viện Samdech Chea Sim và Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin ngay sau khi được tin tối 22/11 tại Lễ hội nước diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia. Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cũng đã gửi Điện chia buồn đến Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Hor Namhong. Trong các bức điện, các vị lãnh đạo Việt Nam đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến lãnh đạo, nhân dân Campuchia và gia quyến những người bị nạn và tin tưởng nhân dân Campuchia anh em sẽ vượt qua đau thương to lớn này. A.B |
Phát ngôn viên của Chính phủ Campuchia Khieu Kanharith sáng qua cho biết, 347 người đã thiệt mạng và 410 người khác bị thương trong thảm họa này, trong đó đa số là phụ nữ trẻ đến từ các tỉnh. “Phần lớn là những người chết ngạt hoặc bị thương bên trong cơ thể”, ông Khieu Kanharith nói. Trước đó, Thủ tướng Hun Sen thông báo 339 người được xác định đã chết trong thảm họa.
Nhưng theo ông Nhim Vanda – Phó Giám đốc Sở quản lý thảm họa, con số này là 349. Tuy nhiên, con số thương vong đã tăng lên, theo đó, số người thiệt mạng đã lên tới 375 người và số người bị thương là 755 người.
Những hình ảnh trên truyền hình cho thấy hàng chục người chen lấn, giẫm đạp lên nhau, trong đó một vài người còn sống và cố chen lấn để thoát ra khỏi đám đông, còn một số người khác thì bất tỉnh.
“Chúng tôi đang vượt qua cây cầu hướng tới đảo Kim cương thì người ta bắt đầu đẩy từ bên cạnh. Có rất nhiều tiếng kêu gào thảm thiết trong cảnh hỗn hoạn”, thanh niên 23 tuổi Kruon Hay kể lại. Kruon Hay cũng nói thêm: “Mọi người bắt đầu chạy và người này ngã lên người khác. Tôi cũng bị ngã. Tôi sống sót được là vì những người khác đã kéo tôi lên. Nhiều người còn nhảy cả xuống nước”.
Lễ hội té nước (Bon Om Thook) được tổ chức ở Campuchia có ý nghĩa bày tỏ lòng cảm tạ đối với dòng sông Mê Kông đã nuôi dưỡng đất và cung cấp cá cho Campuchia. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất và bắt nguồn từ lâu trong lịch sử ở nước này.
Lễ hội này được tổ chức vào đúng lúc nước sông Mê Kông bắt đầu chu kỳ cạn, thường diễn ra vào tháng 11 và kéo dài trong 3 ngày với nhiều hoạt động như đua thuyền, đốt pháo hoa, trình diễn thuyền đăng trên sông...
Hàng triệu người Campuchia đã tập trung tại thủ đô Phnom Penh để tham dự lễ hội này.
Thủy Thu (tổng hợp)