'Vaccine' nào phòng ngừa ma túy cho học sinh?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Linh, thống kê mới nhất của Bộ Công an cho thấy nước ta có khoảng 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. 60% số người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu ở độ tuổi từ 15 đến 25 tuổi, trong đó nhiều người đang là học sinh, sinh viên…
4 học sinh tại Hải Dương bị phát hiện sử dụng chất ma túy mới tại quán trà đá vỉa hè vào tháng 4/2021.
4 học sinh tại Hải Dương bị phát hiện sử dụng chất ma túy mới tại quán trà đá vỉa hè vào tháng 4/2021.

Dùng ma túy để “lấy le”

Hiện nay trên cả nước xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới, gây ảo giác, hoang tưởng, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Trong khi đó, đối tượng sử dụng là học sinh, sinh viên ngày càng nhiều, gây ra nỗi đau, nỗi ám ảnh cho nhiều gia đình, hệ lụy kéo dài nhiều năm.

Những vụ việc gần đây như: 4 học sinh một trường THPT ở tỉnh Hải Dương bị Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hải Dương bắt quả tang khi đang tẩm ma túy vào thuốc lào và dùng điếu cày để hút; “nữ quái” trộn cần sa vào trà sữa đóng chai bán cho học sinh, sinh viên tại Lâm Đồng... khiến dư luận lo lắng về tình trạng ma túy xâm nhập học đường.

Tháng 4/2020, Công an tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện một quán karaoke tại thành phố Phúc Yên hoạt động trong thời gian cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Trong số 43 người ca hát, nhảy múa ở 4 phòng karaoke có 37 người đa số là thanh niên dương tính với chất ma túy. Tại Hà Nội, tháng 9/2019, 7 học sinh, sinh viên, thanh niên tử vong tại lễ hội âm nhạc điện tử “Trip to the Moon” diễn ra tại Công viên nước hồ Tây (Hà Nội) do sử dụng ma túy tổng hợp. Tại TP Hồ Chí Minh, hàng trăm quán bar, vũ trường, quán bia, các loại hình câu lạc bộ... đều có thể trở thành tụ điểm sử dụng trái phép chất ma túy. Qua điều tra ban đầu, thanh, thiếu niên có độ tuổi từ 16 - 28 chiếm 80% lượng khách thường xuyên đến các vũ trường, quán bar và nhiều người trong số đó sử dụng ma túy.

Cũng trong thời gian qua, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc chất kích thích, trong đó có cả cần sa, ma túy tổng hợp được trộn trong thuốc lá điện tử. Đáng báo động là tên gọi, chủng loại ma túy đang thay đổi hằng ngày, với hàng trăm hoạt chất khác nhau mà cả các phòng xét nghiệm chuyên sâu cũng khó tìm ra hết. Độc tính của ma túy phá hoại trẻ em, có trường hợp chỉ 13 tuổi, 14 tuổi nhưng thường xuyên rối loạn tâm thần, hoang tưởng, rối loạn nhịp tim… như người nghiện lâu năm.

Theo một điều tra xã hội học của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy (Viện PSD), trong số những người sử dụng ma túy có 65% dùng do tò mò, 27% do bạn bè rủ rê, 8% do bị lừa dùng, một bộ phận thanh, thiếu niên, học sinh do đua đòi, hưởng thụ, chểnh mảng học hành, lấy sử dụng ma túy làm thước đo “thời thượng” của sự ăn chơi, thể hiện với bạn bè…

Tội phạm ma túy sử dụng “vệ tinh” đến khu vực trường học quan sát để phát hiện các học sinh chơi bời, sống buông thả, gia đình khá giả hoặc có vấn đề trục trặc, thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý… để lôi kéo, dụ dỗ các em sử dụng ma túy. Sau đó thông qua các học sinh đã nghiện, dụ dỗ, lôi kéo bạn bè khác đến với ma túy, càng nhiều người càng được thưởng nhiều ma túy theo kiểu “bán hàng đa cấp”, khiến nhiều người trẻ trở thành nạn nhân.

Sẽ lấp những “lỗ hổng”

Nói về tác hại ma túy, ông Lê Trung Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện PSD kể về chính cuộc đời mình với những chia sẻ thấm thía khi ông vừa là nạn nhân, người chứng kiến, nhà nghiên cứu về sự hủy hoại khốc liệt của ma túy. 26 năm trước, khi đang là lớp trưởng của lớp Quản trị kinh doanh Trường Cao đẳng Quản trị Kinh doanh, ông bị bạn bè rủ rê, cùng sự ngông cuồng của tuổi trẻ, ông đã sử dụng ma túy.

Thời gian đó kéo dài 6 năm, là những ngày, mà theo ông là chìm trong đớn đau tột cùng, chết đi sống lại vì ma túy. “Ma túy là sự ám ảnh khủng khiếp mà tôi đã trải qua và cầu mong đừng ai bị nó hủy hoại nữa”, ông Tuấn nói. Sau khi thoát khỏi nỗi ám ảnh ấy, bằng sự nỗ lực phi thường của bản thân, ông đã quyết tâm tìm các giải pháp để làm sao ngăn ngừa tệ nạn này. Viện PSD ra đời, hiện đang đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai các giải pháp để phòng chống ma túy trong trường học, ngăn không cho ma túy xâm nhập học đường.

Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cho biết, một trong những điểm mới đáng chú ý trong công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội trong trường học năm 2021 là học sinh được tiếp cận bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy. Tài liệu gồm 4 cuốn, dành cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo viên và phụ huynh. Đây là lần đầu tiên học sinh trên cả nước có một bộ tài liệu mang tính chuyên sâu, giúp các em không chỉ nhận thức rõ tác hại của ma túy mà còn được hướng dẫn chi tiết về kỹ năng phòng ngừa các nguy cơ, tình huống không an toàn.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với một số địa phương tổ chức thí điểm xét nghiệm chất ma túy cho học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; triển khai dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” từ nay tới năm 2025 và kế hoạch can thiệp phòng ngừa nghiện ma túy cho học sinh, sinh viên…

Mặt khác, theo các chuyên gia, ở nhiều nơi, việc phân công, phân cấp kiểm tra, giám sát nhà hàng của cơ quan chức năng chưa thường xuyên và hiệu quả, chế tài xử lý chưa đủ mạnh dẫn đến tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng sử dụng ma túy, giảm người nghiện trước hết phải ngăn chặn và cắt đứt được nguồn cung ma túy xâm nhập vào nước ta, các mắt xích buôn bán nội địa, làm vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn sử dụng và tổ chức sử dụng ma túy trong nhà hàng.

PGS. TS Mai Văn Hưng, Viện trưởng Viện PSD: Học sinh sẽ có “tấm khiên” phòng ngừa

Việc trang bị kỹ năng phòng ngừa ma túy là hết sức cần thiết, là chìa khóa để bảo vệ giới trẻ trước hiểm họa ma túy. Hiện nay mạng Internet rất phát triển, các em mới đi học đã có thể sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, máy tính, tiếp cận những thông tin hay và cả những thông tin độc hại. Nhiều em nghiện game và quán game cũng như nhà hàng, quán bar, vũ trường, karaoke… phát triển mạnh, là nơi các em hay tụ tập trong các cuộc vui, sinh nhật, nhưng khó kiểm soát, nhiều nơi thành các tụ điểm sử dụng ma túy tập thể.

Với mục tiêu hình thành “vaccine” để phòng ngừa ma túy cho học sinh, sinh viên, chúng tôi sẽ cùng ngành Giáo dục thực hiện nhiều giải pháp. Thời gian tới, Viện PSD cũng sẽ tổ chức các chương trình tập huấn, tuyên truyền giáo dục kỹ năng phòng chống ma túy cho học sinh trong trường học. Phối hợp thí điểm tại một số địa phương xét nghiệm ma túy có trong nước tiểu của học sinh và triển khai bộ tài liệu kỹ năng phòng chống ma túy, tập huấn cho học sinh, giáo viên, phụ huynh. Hàng triệu học sinh Việt Nam sẽ được trang bị “tấm khiên” vững chắc để các em tự bảo vệ trước hiểm họa ma túy.

Đọc thêm