Vaccine vẫn là chiến lược “mấu chốt” chống dịch hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Y tế khẳng định số lượng vaccine mua, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, đã cam kết trong năm 2021 đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, chưa phải xem xét tiếp việc xin, mua thêm.
Phấn đấu năm 2022 tiêm xong mũi 3 cho người trưởng thành.
Phấn đấu năm 2022 tiêm xong mũi 3 cho người trưởng thành.

Đến nay, Việt Nam đã cơ bản đảm bảo được số lượng vaccine COVID-19 tiêm đủ 2 mũi, mũi tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tiếp cận nguồn vaccine COVID-19 để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi; tiếp cận các loại thuốc điều trị COVID-19...

Thực tế cho thấy chiến lược vaccine của Việt Nam là phù hợp tình hình, kịp thời, đạt kết quả tốt, đến nay tỷ lệ người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 95,6%, tiêm mũi 2 đạt 74,2%. Các loại thuốc nhập khẩu, thuốc được sử dụng theo đề cương thử nghiệm lâm sàng điều trị COVID-19 đã được Bộ Y tế phân bổ theo đề xuất của các đơn vị, địa phương, tuy nhiên, Bộ Y tế còn bị động trong chuẩn bị và phân bổ; việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 tiếp tục được Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tích cực, quyết liệt, quan tâm nghiên cứu thúc đẩy, hỗ trợ triển khai…

Bộ Y tế cũng đã khẳng định số lượng vaccine mua, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, đã cam kết trong năm 2021 đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, chưa phải xem xét tiếp việc xin, mua thêm. Các trường hợp tài trợ miễn phí hoặc cho, tặng vaccine vẫn tiếp tục được khuyến khích, ghi nhận, hoan nghênh.

Tuy nhiên, trước diễn biến mới, phức tạp của dịch bệnh trong nước và trên thế giới, đặc biệt là đối với biến chủng mới Omicron, Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện Chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 báo cáo xin ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, kế hoạch bảo đảm vaccine phòng COVID-19 cần chi tiết về số lượng, chủng loại, độ tuổi tiêm, thời gian tiêm, phương án tiêm, việc tiêm trộn giữa các loại vaccine, tiêm tăng cường, bổ sung, nhắc lại, kế hoạch bảo quản, chú ý hạn sử dụng. Đồng thời tích cực tiêm mũi 3 và đề xuất lộ trình xã hội hóa việc tiêm vaccine phòng COVID-19, báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo quyết liệt toàn ngành thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, chậm nhất đến 31/12/2021 phải cơ bản hoàn thành 100% việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên, nhất là những người 50 tuổi trở lên và người có bệnh nền; địa phương nào không hoàn thành mục tiêu này đồng chí Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc tiêm mũi 1, đang tiếp tục tiêm mũi 2, phấn đấu trong năm nay cơ bản tiêm xong mũi 2 cho người trưởng thành. Hiện nay, Việt Nam cũng bắt đầu lên kế hoạch tiêm mũi bổ sung, tăng cường cho các đối tượng đã đủ thời gian.

Về kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 năm 2022, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu ra 4 điểm. Thứ nhất, chúng ta đang tập trung tiêm mũi nhắc lại cho người trưởng thành từ 18 trở lên. Thứ hai là tiêm bổ sung, tiêm vét cho các đối tượng trong quá trình triển khai tiêm chủng vì lý do chống chỉ định, tạm hoãn hoặc lý do khác chưa được tiêm. Thứ ba, tiếp tục tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. Thứ tư, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tiếp cận nguồn vaccine COVID-19 để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi, sau khi có vaccine và hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Riêng đối với tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh, đồng thời tiếp tục lắng nghe và tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn về việc tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, nhằm chủ động nguồn vaccine, Bộ Y tế đang đàm phán với các nhà sản xuất, cung ứng vaccine để có vaccine tiêm cho trẻ 5-11 tuổi…

Bên cạnh đó, để hạn chế tối đa người mắc COVID-19 tử vong, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nêu chiến lược giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân COVID-19. Đó là, tiếp cận các loại thuốc điều trị COVID-19 đang nghiên cứu và đã lưu hành trên thế giới để đưa lượng thuốc điều trị về Việt Nam với tỉ lệ cao nhất, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân nặng.

Liên quan đến vấn đề đánh giá kháng thể sau tiêm vaccine để đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định ngay từ đầu khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Y tế đã giao các viện nghiên cứu đánh giá vấn đề này. Hiện các viện đang nghiên cứu và Bộ Y tế cũng đã đề nghị các viện sớm công bố nghiên cứu, báo cáo kết quả về các trường hợp đã tiêm vaccine hoặc nhiễm SARS-CoV-2…

Đọc thêm