Vạch trần những góc khuất trong ngành dược phẩm: Kì 1 - Bé gái ung thư và đế chế của “ông trùm” Đông dược

(PLVN) - Sau 14 năm gây xôn xao dư luận với những quảng cáo lót giày kỳ diệu có thể chữa được nhiều bệnh khác nhau hay những miếng băng vệ sinh “sạch đến mức có thể ăn được”, Tập đoàn Quanjian của Trung Quốc đang lâm vào cảnh lao đao khi bị điều tra toàn bộ các hoạt động. Diễn biến này diễn ra sau làn sóng phẫn nộ của dư luận Trung Quốc liên quan đến cái chết của một bệnh nhi ung thư có liên quan đến Tập đoàn này.
Shu Yuhui - CEO của Quanjian

Tiền mất tật mang

Năm 2012, bé gái Zhou Yang, 4 tuổi, được chẩn đoán bị mắc bệnh u quái cùng cụt, hay nói một cách dễ hiểu là có một khối u ở xương cùng cụt - một chứng bệnh hiếm gặp. Ngay sau khi biết được bệnh tình của con gái, gia đình Yang đã tích cực chạy chữa cho con. Tổng cộng, chỉ trong một thời gian ngắn, bé gái đã trải qua 4 ca phẫu thuật và 23 đợt hóa trị tại Bệnh viện Nhi Bắc Kinh. Tuy nhiên, tình trạng của bé diễn tiến rất chậm chạp. 

Câu chuyện về bé gái xinh xắn lạc quan chiến đấu với bệnh tật đã được đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV dựng thành phóng sự. Sau khi câu chuyện được phát sóng, ông Zhou Erli - cha của Yang – bất ngờ nhận được điện thoại của một người đàn ông, tự xưng là nhân viên của Tập đoàn Quanjian chuyên về chăm sóc sức khỏe bằng các thuốc y học cổ truyền.

Sau cuộc điện thoại, ông Zhou được đưa tới gặp Giám đốc điều hành của Tập đoàn Quanjian tên Shu Yuhui. Trong cuộc nói chuyện diễn ra sau đó, Shu Yuhui ra sức  thuyết phục ông Zhou rằng các phương thuốc hiện đại sẽ không giúp cứu được tính mạng của con gái ông, chỉ phương thuốc bí truyền của công ty có thể chữa được ung thư. 

Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, lại sốt ruột khi thấy tình trạng của con gái không có nhiều tiến triển sau nhiều đợt phẫu thuật và hóa trị đau đớn, ông Zhou sau cùng đã bị người của Tập đoàn Quanjian thuyết phục, đồng ý mua một số gói thuốc bột và nước uống thảo dược của Quanjian với giá 5.000 nhân dân tệ (tương đương 730 USD). Tất cả các loại thuốc đều được để trong những túi nhỏ, không có nhãn mác, không hướng dẫn sử dụng và cũng không ghi rõ thành phần.

Trở về bệnh viện, ông Zhou quyết định cho con từ bỏ tất cả các phương pháp điều trị khác, chỉ tập trung vào điều trị bằng thảo dược của Quanjian. “Họ nói rằng con bé sẽ khỏi bệnh”, ông Zhou kể lại. 

Tuy nhiên, lời nói là một chuyện, còn thực tế lại là chuyện khác. Trái với những cam kết chắc nịch của Quanjian, chỉ vài tháng sau khi dừng điều trị bằng Tây y để chuyển sang uống thuốc của Quanjian, sức khỏe của bé Zhou Yang xấu đi trông thấy. Chỉ ít lâu sau, bệnh ung thư di căn và bé gái đã được đưa trở lại bệnh viện tái điều trị nhưng đã quá muộn. Yang qua đời vào năm 2015. 

Bé gái xấu số Zhou Yang

Trong suốt thời gian cô bé vật vã với những cơn đau đớn trên giường bệnh, Quanjian không hề có trách nhiệm. Ngược lại, công ty này vẫn tiếp tục sử dụng hình ảnh của bé để quảng cáo cho những phương thuốc “cổ truyền” chữa trị ung thư của họ. Việc này thậm chí còn tiếp tục ngay cả khi Yang đã yên nghỉ.

Sau khi lo xong hậu sự cho con, ông Zhou đã khởi kiện Quanjian tại tòa án địa phương, cáo buộc công ty này đã khiến con ông phải chết oan. Tuy nhiên, tòa án sau đó đã ra phán quyết cho rằng những bằng chứng do ông Zhou cung cấp không đủ để chứng minh rằng Quanjian phải chịu trách nhiệm về cái chết của con gái ông do đã quảng cáo sai sự thật về tác dụng của thuốc do công ty này bào chế.

Thậm chí, ngay cả yêu cầu Quanjian gỡ bỏ những hình ảnh của Yang khỏi các trang web, tài liệu của tập đoàn này do ông Zhou đưa ra cũng không được họ thực hiện. 

Ôm nỗi đau mất con, đến nay, ông Zhou vẫn nói rằng khoảnh khắc đưa con xuất viện và để bé sử dụng thuốc của Quanjian là khoảnh khắc khiến ông hối hận nhất trong cuộc đời mình. Đầu năm 2019, ông Zhou tiếp tục đâm đơn kiện, yêu cầu Quanjian phải chịu trách nhiệm về cái chết của con gái ông cũng như thừa nhận quảng cáo sai sự thật. 

Công ty của những tai tiếng

Tập đoàn Quanjian được thành lập vào năm 2004, ban đầu tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bằng các phương thuốc y học cổ truyền. Sau hơn 14 năm hoạt động, Tập đoàn này bành trướng thành một đế chế trị giá hàng tỷ nhân dân tệ với phạm vi hoạt động rộng khắp từ bán thuốc và chữa bệnh bằng y học cổ truyền, chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm tới thể thao và tài chính...

Báo chí Trung Quốc cho hay, Tập đoàn này đang có 600 phòng khám trên cả nước, 7.000 cơ sở điều trị bệnh sử dụng phương áp “hỏa liệu pháp”, 8.000 cơ sở chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp cho phụ nữ. Quanjian cũng sở hữu một câu lạc bộ bóng đá và một câu lạc bộ cưỡi ngựa. Tập đoàn này tuyên bố đang sở hữu hơn 600 phương thuốc y học cổ truyền bí mật. 

Trụ sở chính của Quanjian đặt tại thành phố Thiên Tân ở phía bắc Trung Quốc. Còn tại thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô – trụ sở chi nhánh của Quanjian ở phía đông Trung Quốc – tập đoàn này sở hữu một khách sạn vô cùng sang trọng cùng hàng loạt những khách sạn nhỏ hơn, các công viên, sân tập và trung tâm triển lãm nằm dọc các tuyến phố. Tại đây thậm chí còn có một nhà hàng chỉ để phục vụ cho những nhân viên của Quanjian. 

Trước khi vụ bê bối bùng nổ, Quanjian cũng đã đầu tư xây dựng Bệnh viện ung thư Diêm Thành với tổng số vốn đầu tư lên tới 2 tỉ nhân dân tệ (gần 291 triệu USD) tọa lạc trên một diện tích lên tới 200.000m2, bao gồm 1 tòa nhà chính có diện tích 177.000m2, một trung tâm phục hồi chức năng cho bệnh nhân và các tòa nhà phụ trợ được xây dựng trên diện tích 23.000m2.

Bệnh viện này dự định đầu tư 2.000 giường bệnh với các trang thiết bị chẩn đoán và điều trị ung thư hàng đầu thế giới với tổng số vốn là 400 triệu nhân dân tệ. Đơn vị xây dựng được cho là có tham vọng đưa đây trở thành bệnh viện ung thư hàng đầu ở khu vực phía đông Trung Quốc. 

Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển, Quanjian cũng dính không ít tai tiếng. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc, trong vòng 5 năm qua, Hiệp hội này đã nhận được đến 36.600 khiếu nại liên quan đến các sản phẩm của tập đoàn này. Trong đó, đa số các khiếu nại phản ánh về chất lượng sản phẩm, về những thông tin quảng cáo “vống” công năng của sản phẩm…

 Ngoài trường hợp bé Yang, Quanjian cũng từng bị kiện nhiều lần vì hỏa liệu pháp - phương pháp điều trị da bằng cách dùng cồn đốt trên da bệnh nhân mà theo quảng cáo của tập đoàn này thì có thể chữa bách bệnh. Đây cũng chính là phương pháp điều trị đã giúp Quanjian trở nên nổi tiếng. 

Ngoài ra, Quanjian còn bị tố cáo sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để tăng doanh số, trong đó có việc quảng cáo láo để bán được nhiều hàng. Điển hình trong số này có thể kể đến việc Tập đoàn này quảng cáo sản phẩm miếng lót giày thần kì có giá 1.068 tệ (155 USD) của họ có thể giúp cân bằng hệ xương khớp, chữa được viêm khớp cổ, chân vòng kiềng, thậm chí các bệnh tim mạch.

Băng vệ sinh do hãng sản xuất thì được tuyên bố có công nghệ khử trùng khử khuẩn, “sạch đến mức ăn được”, còn nước rửa mặt thì có thể uống được! 

Quanjian còn gây “bão” dư luận khi bán những miếng dán ion hóa được quảng cáo là có thể chữa các bệnh phụ khoa. Tuy nhiên, với sản phẩm miếng lót giày, những người tiêu dùng sau khi đã trải nghiệm khẳng định không thấy có những tác dụng như quảng cáo còn với những sản phẩm như băng vệ sinh thì không ai dám tin vào những tuyên bố của Quanjian.

Miếng mồi béo bở

Y học cổ truyền đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong chính sách của Trung Quốc nhằm hướng tới xây dựng một Trung Quốc khỏe mạnh và tăng cường cải cách y tế ở nước này.

Tuy nhiên, đi kèm với những đơn vị hoạt động có trách nhiệm, tại Trung Quốc – được cho là cái nôi của nền y học cổ truyền – cũng đã có không ít những tổ chức và cá nhân lợi dụng lòng tin của người dân, lợi dụng những đặc tính của thuốc y học cổ truyền để quảng cáo láo về công dụng, chức năng, thậm chí là bày bán sản phẩm có hại, ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh và cả sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực này. 

Trước vụ việc của Quanjian, người dân Trung Quốc cũng từng sôi sục tức giận vì vụ việc một nam sinh viên mắc một bệnh ung thư hiếm gặp nhưng vì tin vào những quảng cáo sai lệch trên mạng internet nên đã nhất quyết không điều trị bằng Tây y mà mua thuốc Đông y về uống. Chàng trai trẻ qua đời chỉ một thời gian ngắn sau khi được phát hiện bệnh vào năm 2016.

Là đất nước đông dân nhất thế giới, lại đang trải qua quá trình phát triển mạnh mẽ kéo theo không ít những mặt trái, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đang được xem như “miếng bánh” ngon cho các công ty ở nước này. 

Điều này thể hiện ở việc báo cáo do Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc công bố hồi năm ngoái cho thấy, chỉ trong năm 2017 đã có thêm 2.317 công ty được cấp phép sản xuất và bán mặt hàng chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến các loại sản phẩm này cũng thường xuyên được ghi nhận. Trong năm 2016, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc đã nhận được kỷ lục 26.966 đơn khiếu nại về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, trong đó đã xử lý 705 vụ việc. 

Ở Trung Quốc, truyền thông nước này vẫn thường đưa tin về những trường hợp người già chắt chiu, dành dụm tiền cả đời nhưng cuối cùng lại mất trắng vào những sản phẩm không rõ nguồn gốc chỉ vì tin vào lời đường mật của những người bán táng tận lương tâm.

Có rất nhiều trường hợp bị mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư nhưng vẫn nhất quyết không đi đến bệnh viện vì tin rằng “vào đó chỉ tổ tốn tiền” và ở nhà điều trị bằng những phương thuốc không rõ nguồn gốc, công dụng để rồi tiền mất tật mang. 

Các nhà phân tích cho rằng, trên thực tế, ngoài việc trong số các công ty kinh doanh các sản phẩm thuốc y học cổ truyền và thực phẩm chức năng không đúng quy định, lĩnh vực này cũng đang có lỗ hổng pháp lý do sự chồng chéo trong hoạt động giám sát của các cơ quan chức năng. Cụ thể, tại Trung Quốc, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc có thẩm quyền quản lý các hoạt động liên quan đến các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng. 

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại quản lý về việc phát hành quảng cáo ở những nơi công cộng, ví dụ như tại các hiệu thuốc. Trong trường hợp sản phẩm được quảng cáo trên TV hoặc phương tiện truyền thông xã hội thì Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin sẽ điều chỉnh. Như vậy, trong thực tế, sự chồng chéo và cũng có thể có kẽ hở trong hoạt động của các cơ quan này.

Cũng có nhiều công ty kinh doanh các sản phẩm này theo mô hình đa cấp, khuyến khích người dùng chèo kéo người thân, họ hàng, làng xóm cùng tham gia. Trong một số trường hợp, theo truyền thông Trung Quốc, các công ty này còn gom các thành viên về một địa điểm, cho họ tham dự các lớp học tuyên truyền về sản phẩm, ăn, ngủ dưới sự giám sát của công ty.

Trong thời gian này, điện thoại di động của họ bị tịch thu và các thành viên của mạng lưới sẽ bị cấm liên lạc với người nhà hoặc đi lang thang một mình. Sau những khóa tập trung như vậy, nhiều người trở nên mê muội, tin tưởng vào các công ty này đến mụ mị.

Công lý phải được thực thi

Dù đang nằm trên giường bệnh nhưng bà He Xiaolan – sống tại Hàng Châu – vẫn ra sức bênh vực Quanjian. Bản thân bị bệnh và sử dụng sản phẩm của công ty trên không có tác dụng nhưng bà He vẫn cho rằng “phải có lý do nào đó thì sản phẩm của Quanjian không chữa khỏi bệnh”. “Các sản phẩm có thể có tác dụng khác nhau đối với những người có thể trạng và bệnh tình khác nhau”, bà nói. 

5 năm trước, bà He được chẩn đoán mắc một bệnh tự miễn có tên hội chứng Sjogren. Các bác sĩ đã kê đơn cho bà điều trị nội tiết tố, nhưng sau khi tham khảo ý kiến của một nhân viên của Quanjian, bà He đã quyết định mua bột nấm Linh Chi của công ty để uống thay vì uống thuốc do bác sỹ kê. Tình trạng của bà He sau đó ngày càng trở nên tồi tệ.

Đến cuối năm 2018, những người bạn của bà này đã buộc phải dùng biện pháp mạnh để đưa bà đến bệnh viện. Một người bạn của He tên Shen cho biết, trong suốt thời gian qua, bà He đã chi hàng ngàn nhân dân tệ mỗi tháng cho các sản phẩm của Quanjian nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. “Quanjian đã hủy hoại nhiều cuộc đời”, ông Shen nói.

Sự giận dữ của ông Shen cũng là thái độ chung của nhiều người khác sau khi bê bối liên quan đến bé Yang bùng nổ từ cuối tháng 12 năm ngoái. Dư luận Trung Quốc sôi sục với những hành vi kinh doanh vô đạo đức của Quanjian. Chỉ trong ít ngày, trên mạng internet tại Trung Quốc tràn ngập những chia sẻ của người dùng về những trải nghiệm xấu mà họ đã gặp phải khi sử dụng các sản phẩm của Tập đoàn này. 

Trước làn sóng phẫn nộ của dư luận, giới chức Trung Quốc hôm đầu tháng 1 vừa qua thông báo mở một cuộc điều tra toàn diện nhằm vào các hoạt động của Quanjian, tập trung vào nghi vấn công ty này có những hành vi quảng cáo sai sự thật, kinh doanh đa cấp trái phép cũng như về mức độ an toàn của các sản phẩm do họ cung cấp. 

Ít ngày sau đó, cảnh sát Trung Quốc thông báo đã bắt giữ người sáng lập Quanjian cùng 17 nhân viên của tập đoàn. Theo Phó thị trưởng thành phố Thiên Tân - người phụ trách hoạt động điều tra – việc bắt giữ diễn ra sau khi kết quả điều tra sơ bộ khẳng định Tập đoàn này đã thổi phồng hiệu quả trị liệu của một số sản phẩm họ sản xuất cùng nhiều vi phạm khác. 

Cùng với những bê bối về chất lượng sản phẩm, người sáng lập tập đoàn này Shu Yuhui còn bị tố cáo làm giả bằng cấp. Nhiều trang web bán hàng trực tuyến sau đó đã gỡ bỏ các sản phẩm do Quanjian sản xuất. Khu bệnh viện ung bướu mà Quanjian đang xây dựng dở ở Diêm Thành cũng đã bị đình chỉ triển khai xây dựng. Giới chức Trung Quốc cho biết sẽ không cấp phép hoạt động khám chữa bệnh cho bệnh viện này.

Sau vụ việc của Quanjian, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra toàn diện và loại bỏ các vấn đề liên quan đến việc quảng cáo sai sự thật về các sản phẩm y dược cổ truyền và các dịch chăm sóc sức khỏe ở nước này.

“Tôi hy vọng lần này những kẻ lừa đảo ở Quanjian sẽ phải nhận hình phạt mà họ đáng phải chịu. Có như vậy Zhou Yang mới có thể yên nghỉ, công lý cũng sẽ đến với hàng trăm ngàn nạn nhân của công ty”, ông Zhou nói. 

Đọc thêm