Bắc Giang có khoảng 6.000ha vải thiều sớm, chiếm 20,6% diện tích, sản lượng khoảng 30.000 tấn. Vải thiều chính vụ khoảng 23.000ha, chiếm 79,4% diện tích, sản lượng khoảng từ 120.000-150.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến bắt đầu từ ngày 25-30/5; vải thiều chính vụ từ ngày 15/6-25/7.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, vải thiều có tính thời vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn, khó khăn nhất là khâu sơ chế, đóng gói và bảo quản. Hiện nay, cơ bản vải thiều của Bắc Giang vẫn bảo quản trong thùng xốp ướp lạnh. Do đó, việc xuất khẩu sang các thị trường xa rất khó khăn, giá thành vận chuyển cao, giảm tính cạnh tranh. Trên thị trường, ngoài vải thiều còn nhiều loại trái cây khác thay thế, cạnh tranh trực tiếp với vải thiều của Bắc Giang.
Trong khi đó, tỉnh chưa tiếp cận được nhiều doanh nghiệp lớn, có tiềm lực để xuất khẩu vải thiều. Đa số vẫn là một số đối tác truyền thống qua các năm, chủ yếu thực hiện theo phương pháp truyền thống, mua bán tiểu ngạch, chưa coi trọng hình thức kinh doanh ngoại thương thông qua hợp đồng kinh tế để thực hiện giám sát ngay từ khâu thu hoạch, đóng gói nhằm ổn định thị trường, phòng tránh rủi ro, giảm thiệt hại khi có biến động của thị trường.
Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ vải thiều, ngoài đẩy mạnh truyền thông thường xuyên, tỉnh Bắc Giang dự kiến tổ chức ba hội nghị xúc tiến: Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Bằng Tường (Trung Quốc); Diễn đàn về vải thiều và 52 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang; Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn-Bắc Giang tại Hà Nội.
Qua đây, Bắc Giang mong muốn các doanh nghiệp trong và ngoài nước xuất nhập khẩu mặt hàng rau quả trong nước đến đầu tư, ký kết hợp đồng tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm quả vải thiều của Bắc Giang, đặc biệt là vùng vải thiều xuất khẩu huyện Lục Ngạn.