(PLVN) - Vải thiều Thanh Hà nổi tiếng với “hương thơm, vị đậm” đặc trưng đang trở thành đặc sản được yêu thích không chỉ trong thị trường nội địa mà vươn ra cả những thị trường quốc tế khó tính, khẳng định hướng đi đúng đắn của Hải Dương khi phát triển nông nghiệp và nâng tầm giá trị nông sản địa phương.
Trong nhiều năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Hải Dương đã phát triển theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng và số lượng của sản phẩm. Từ những kết quả đạt được của nông nghiệp, Hải Dương đang đi đúng hướng khi có nông sản phong phú, đa dạng, chất lượng và sản lượng cao. Đặc biệt là sản phẩm vải thiều Thanh Hà nổi tiếng với “hương thơm, vị đậm” rất đặc trưng cho văn hóa của người Hải Dương và mảnh đất Xứ Đông văn hiến, anh hùng.
|
Nói đến Hải Dương, nhiều người thường gọi với cái tên xứ Ðông, bởi nơi đây vốn là trấn phên dậu phía Ðông của kinh thành Thăng Long xưa. Với truyền thống văn hiến từ ngàn xưa chính là niềm tự hào, đồng thời là cội nguồn tạo nên sức sống mãnh liệt, sức bật mạnh mẽ của mảnh đất này trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc. |
|
Người Hải Dương không những giỏi làm ra hạt lúa, hạt đậu, hoa thơm trái ngọt như vải thiều, gạo nếp cái hoa vàng, na dai, chuối mật, mà còn biết chế biến nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng khắp trong và ngoài nước như bánh đậu xanh, bánh khảo, bánh cuốn, bánh gai, mắm rươi, mắm cáy, chả rươi... |
|
Bên cạnh những đặc sản đó, Hải Dương còn nổi tiếng bởi sản phẩm vải thiều Thanh Hà. Đây cũng chính là một trong những đặc sản nức tiếng của đất Hải Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung. |
|
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, hiện nay địa phương có 45 vùng sản vải xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và theo quy trình GlobalGAP với diện tích 450 ha, sản lượng dự kiến 2.500 tấn; diện tích sản xuất theo VietGAP là 6.300 ha; diện tích được cấp chứng nhận GAP là 1.000 ha. |
|
Cùng với đó, diện tích được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, tổng diện tích khoảng 8.000 ha. Hiện tại, vải thiều trà sớm (U trứng, U hồng) đang thu hoạch. Dự kiến trà vải sớm khoảng 30.000 tấn, trà vải thiều chính vụ khoảng 25.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với niên vụ năm 2020. |
|
Vải được tiêu thụ chủ yếu trong nước khoảng 33.000 tấn (chiếm 60%) và xuất khẩu khoảng 22.000 tấn (chiếm 40%). Các thị trường xuất khẩu đó là Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, Thái Lan, EU, Trung Quốc. |
|
Trong đó, xác định thị trường xuất khẩu chính vẫn là thị trường Trung Quốc nên năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương tiếp tục duy trì 47 mã số vùng trồng (đi Trung Quốc) với gần 8.000ha, tổng sản lượng vải ước đạt 40.000-45.000 tấn. |
|
Năm nay, tuy dịch COVID-19 vẫn diễn ra phức tạp nhưng vải thiều tại Hải Dương vẫn cho năng suất và chất lượng cao. Để đồng hành cùng người trồng vải trong bối cảnh đặc biệt này, tỉnh Hải Dương đã mời gọi được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia thu mua và xuất khẩu vải thiều. |
|
Mới đây, vào sáng ngày 18/5, lễ mở vườn đưa vải xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Singapore được UBND tỉnh Hải Dương tổ chức cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản. |
|
Nhiều doanh nghiệp đã tham dự và cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ, đưa vải thiều của Hải Dương xuất khẩu sang thị trường quốc tế. |
|
Người nông dân Hải Dương từ chỗ chỉ biết lao động cần cù chăm chỉ theo hình thức tự phát “lấy công làm lãi. Giờ đây họ đã được hướng dẫn bài bản, chăm sóc cây vải đúng khoa học, kỹ thuật, đảm bảo đầu ra thu mua, tiêu thụ hơn. |
|
Cuộc sống của người dân Hải Dương đã và đang ngày được ổn định dần. Rồi đây, đặc sản vải thiều nức tiếng của họ sẽ được bạn bè quốc tế biết đến và yêu thích ngày một nhiều hơn. |