Vai trò của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nam Định trong xây dựng nông thôn mới - Kỳ 2: Những hoạt động tiêu biểu của các tổ chức tôn giáo trong tỉnh Nam Định

(PLVN) - Nam Định là tỉnh có nhiều tôn giáo và đa tín ngưỡng, tỉnh luôn tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo; thực hiện đúng định hướng Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.
Thượng tọa Thích Giác Vũ tại Lễ tôn vinh “Gương sáng Pháp luật” năm 2023 do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức.

Đồng hành trong xây dựng quê hương

Tỉnh Nam Định có 3 tôn giáo chính là: Phật giáo, Công giáo, Tin lành. Phật giáo có khoảng 893 tăng ni và khoảng 30 vạn tín đồ (nếu kể cả những người chịu ảnh hưởng của giáo lý Phật giáo, số lượng khoảng 60% dân số của tỉnh); Phật giáo cấp tỉnh có Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định và 10 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện, thành phố.

Về cơ sở đào tạo, hiện nay ở Nam Định có 1 trường trung cấp Phật học tại Trúc Lâm Thiên Trường - Trung tâm Phật giáo tỉnh, hằng năm Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh còn tổ chức lớp An cư kiết hạ cho tăng ni trong và ngoài tỉnh tại 08 cơ sở khác trên địa bàn.

Công giáo có trọn vẹn một giáo phận Bùi Chu là cấp Giáo hội địa phương và cấp cơ sở gồm 172 giáo xứ, trong đó có một phần giáo xứ thuộc Giáo phận Hà Nội, với 490 nhà thờ họ, 1 giám mục, 252 linh mục, 47 vạn giáo dân (chiếm gần 25% dân số toàn tỉnh); có 6 dòng tu nữ (trong đó có 5 dòng tu thuộc giáo phận Bùi Chu) tổng toàn tỉnh có 35 cơ sở dòng với khoảng 1.000 nữ tu, có Toà Giám mục Bùi Chu và Đại chủng viện Đức mẹ vô nhiễm Bùi Chu.

Hội Thánh Tin Lành Hoành Nhị, xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. (Ảnh: NVCC)

Tin lành có 2 Hội Thánh thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) gồm Hội Thánh Tin lành Hoành Nhị ở xã Giao Hà, huyện Giao Thủy và Hội Thánh Tin Lành thành phố Nam Định, gồm 2 mục sư quản nhiệm với hơn 800 tín đồ. Cộng với 02 điểm nhóm Phúc Âm toàn vẹn Việt Nam tại xã Lộc An, thành phố Nam Định và điểm nhóm ở xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy có khoảng 100 tín đồ.

Mục sư Nguyễn Ngọc Thành, Quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Hoành Nhị, xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cho biết: Nhờ công tác vận động của MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở, nhiều năm qua Hội Thánh Tin Lành Hoành Nhị đã có những việc làm thiết thực trong công tác thiện nguyện, đem lại những hiệu quả tích cực tới các tín đồ, giáo dân cũng như các bà con Nhân dân trong vùng. Hàng năm, Hội Thánh liên tục mở các lớp dạy tiếng Anh cho con em các gia đình trên địa bàn, thu hút đông đảo các học viên không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo. Mới đây, nhân dịp hè, Hội Thánh cũng khai giảng thêm lớp dạy âm nhạc cho các em học sinh và những người yêu nhạc. Mục đích tạo ra môi trường tốt để các em vừa sinh hoạt, vừa học tập.

Ngoài ra, Hội Thánh cũng đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, trong các dịp lễ, Tết đến thăm hỏi, động viên nhằm giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đặc biệt cùng với chính quyền địa phương, vận động kêu gọi các bà con tiểu thương tại thị trấn Ngô Đồng ủng hộ quần áo, nhu yếu phẩm để mang đi làm từ thiện tại các vùng xa xôi miền núi.

Mặc dù với số lượng tín đồ trong Hội Thánh Tin Lành Hoành Nhị còn hạn chế (khoảng 800 tín đồ) nhưng những việc làm của Hội Thánh và Mục sư Nguyễn Ngọc Thành đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong khu dân cư và các vùng lân cận. Với những thành tích đã đạt được, Mục sư Nguyễn Ngọc Thành được Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tặng Bằng khen năm 2022 và Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh Nam Định năm 2023.

Mục sư Nguyễn Ngọc Thành (người ngồi thứ 3, hàng thứ 2 từ trái qua) chụp cùng các thầy giáo và các em học sinh nhân buổi khai giảng lớp Âm nhạc hè 2024 tại Hội Thánh Tin Lành Hoành Nhị. (Ảnh: NVCC).

Cùng với đó, theo Niên giám giáo hội Công giáo cho biết, tại Giáo phận Bùi Chu, các cơ sở giáo dục và đào tạo như nhà trẻ, mẫu giáo, lớp tình thương có tới 27 cơ sở; Trung tâm văn hóa có 04 cơ sở. Các cơ sở từ thiện xã hội gồm có 01 Trung tâm dạy nghề; có 08 Trạm xá, bệnh viện; có 01 Trại Phong, tâm thần, HIV - Ma túy; có 10 cơ sở Khuyết tật, Cô nhi viện, Dưỡng lão và có 01 Trung tâm Di dân Sinh viên Gia đình đã có mặt ở khắp trong Giáo phận Bùi Chu, trong đó chiếm số lượng lớn nhất là các nhà trẻ, mẫu giáo và tiếp đến là cơ sở khuyết tật, trạm xá, bệnh viện...

Ủy ban Bác ái Tòa Giám mục Bùi Chu cho biết: Đồng bào Công giáo tỉnh Nam Định đã giúp đỡ kinh phí thay thủy tinh thể cho trên 1.000 bệnh nhân. Dòng nữ tu Mẹ thăm viếng và Dòng nữ tu Trinh Vương (huyện Xuân Trường) đang nuôi dưỡng trên 100 người già cả neo đơn không nơi nương tựa. Hội dòng Mến Thánh giá Kiên Lao và Tu viện nữ tu Đa Minh - Phú Nhai hàng năm vào dịp Tết thường tổ chức gặp mặt người nghèo dự bữa cơm tất niên và tặng mỗi người 10kg gạo không phân biệt tôn giáo, cùng các hoạt động từ thiện khác.

Tham gia tích cực phong trào thi đua yêu nước

Ước tính trong 5 năm qua, đồng bào Công giáo tỉnh Nam Định đã ủng hộ hơn 18 tỷ đồng, hàng trăm tấn gạo và nhiều đồ dùng vào các hoạt động từ thiện, bác ái,... Ngoài ra, việc nhân rộng các mô hình hay để xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa địa phương. Đặc biệt, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định đã gắn phong trào "3 an toàn", "Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ" vào các phong trào: "Xứ họ đạo không có ma túy, không tội phạm", "Xứ họ đạo bình yên", "Bình yên làng nghề", "Gia đình hòa thuận", với những nội dung cụ thể, thiết thực: không vận chuyển, mua bán và đốt pháo, không ma túy, không cờ bạc, không mại dâm... góp phần vào việc ổn định xã hội, bảo đảm trật tự an ninh cho thôn xóm.

Trúc Lâm Thiên Trường - Trung tâm Phật giáo tỉnh Nam Định tại đường 10, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

Đặc biệt, 4 năm trở lại đây, đồng bào Công giáo ở Nam Định tích cực hưởng ứng phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng" do Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh phát động, thiết thực góp phần đưa Nam Định trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về kết quả xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, ở xứ Lạc Đạo, xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng), có 170 gia đình giáo dân tham gia hiến đất mở rộng đường. Ở xứ Kiên Chính, xã Hải Chính (Hải Hậu), gia đình ông Vũ Ngọc Lân đã sẵn sàng hiến đến 200m2 đất thổ cư, không nhận dù chỉ một đồng tiền đền bù để phục vụ việc mở rộng đường giao thông theo quy hoạch nông thôn mới của xã.

Trở lại với Phật giáo tỉnh Nam Định, với phương châm: “Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra, các tăng ni, phật tử trên địa bàn tỉnh Nam Định đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “xây dựng chùa tinh tiến” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phát huy tinh thần đoàn kết, làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”, nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội. Hoạt động Phật sự đã có những đóng góp tích cực trong việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động Nhân dân, phật tử thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nổi bật trong số đó có Thượng tọa Thích Giác Vũ cùng các phật tử chùa Vọng Cung đã rất tích cực trong những hoạt động từ thiện, nỗ lực tạo sự đoàn kết, sống “tốt đời - đẹp đạo” cùng với chính quyền và Nhân dân địa phương chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Với thành tích của mình, Thượng tọa Thích Giác Vũ - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố Nam Định, Phó Trụ trì kiêm Trưởng Ban Từ thiện chùa Vọng Cung đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2019 và vinh dự được bình chọn là một trong 50 Gương sáng Pháp luật năm 2023 do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức.

Từ những hoạt động tiêu biểu của các tổ chức tôn giáo trên, cùng với sự vào cuộc vận động tích cực của MTTQ các cấp tỉnh Nam Định, tạo ra mối quan hệ hài hòa - tôn trọng lẫn nhau giữa hệ thống chính quyền với các tôn giáo, chức sắc, chức việc. Thực hiện phương châm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước do chính quyền địa phương phát động.

Đọc thêm