Theo nội dung vụ việc, sáng 26/2/2014, trên đường 20 thuộc địa phận Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN – KB), lực lượng kiểm lâm phát hiện ông Nguyễn Văn Toàn (SN 1970, xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch) điều khiển xe máy chở một gói thịt bọc trong nilon. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và căn cứ vào đặc điểm thịt, da, lông, lỗ chân lông, gói thịt được xác định là 4kg thịt sơn dương.
Từ hành vi vận chuyển động vật thuộc nhóm 1B trái pháp luật, căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) 2012 và Nghị định 157/2013/NĐ-CP, ông Đinh Huy Trí – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (HKL) VQG PN – KB đã ký quyết định xử phạt ông Toàn 15 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Toàn không những không chấp hành quyết định xử phạt về hành vi sai trái của mình mà còn làm đơn khởi kiện hành chính.
Ngày 21/8/2014, TAND tỉnh Quảng Bình đã mở phiên sơ thẩm tuyên hủy quyết định xử phạt ông Toàn. Tuy nhiên, qua các tình tiết của vụ việc và hoạt động xét xử của phiên tòa, dư luận đã không khỏi ngỡ ngàng bởi những lập luận, phán quyết của Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp sơ thẩm thể hiện nhiều sai sót và bất hợp lý.
Đến ngày 4/9/2014, ông Đinh Huy Trí (bị đơn của vụ kiện) đã có đơn kháng cáo gửi TAND tỉnh Quảng Bình và đề nghị xem xét lại vụ việc theo trình tự phúc thẩm. Nội dung đơn “kháng cáo toàn bộ nội dung Bản án số 02/2014/HCST ngày 21/8/2014 của TAND tỉnh Quảng Bình về việc khởi kiện Quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản”.
Đơn cũng chỉ ra những căn cứ để khẳng định, bản án của toà sơ thẩm là chưa phù hợp với thực tế khách quan, chưa đúng với các quy định pháp luật và không đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp, gây ra sự bất lợi trong việc thực thi pháp luật nói chung, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nói riêng.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 5/2, HĐXX của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng khẳng định việc ông Toàn cho rằng mình bị ép buộc để ký vào biên bản là hoàn toàn không có căn cứ. Đồng thời, theo Luật Xử lý VPHC và Nghị định 157/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì kiểm lâm viên trong khi làm nhiệm vụ có trách nhiệm phát hiện, xử lý vi phạm và có quyền lập biên bản VPHC mà không đòi hỏi chứng chỉ giám định lâm sản chuyên ngành. Việc bắt buộc phải có chứng chỉ giám định chỉ xảy ra trong giám định tư pháp.
Từ đó, HĐXX đã tuyên chấp nhận đơn kháng cáo của HKL VQG PN – KB, bác đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Toàn, hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Bình, giữ nguyên Quyết định xử phạt hành chính của HKL VQG PN – KB; đồng thời yêu cầu ông Toàn có nghĩa vụ thực hiện đúng quyết định xử lý VPHC mà HKL VQG PN – KB đã áp dụng với ông.
Trao đổi với PLVN, ông Lê Thanh Tịnh – Giám đốc Ban quản lý VQG PN – KB khẳng định: “Quảng Bình có mức độ che phủ rừng cao nhất cả nước và độ đa dạng sinh học đứng hàng đầu. Riêng VQG PN – KB là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm, có nguy cơ tuyệt diệt. Bảo vệ rừng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, lâu dài và đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức, đồng tâm hiệp lực của tất cả các cấp ngành, toàn xã hội.
Nhưng cách phán quyết thiếu hợp lý của TAND tỉnh Quảng Bình trong phiên tòa sơ phẩm mà Báo PLVN đã liên tục phản ánh có thể trở thành một tiền lệ xấu không chỉ đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Quảng Bình vốn đã gặp nhiều khó khăn mà cả với công tác bảo vệ tài nguyên rừng, thực thi lâm luật và pháp luật nói chung.
Tuy nhiên, với phán quyết công minh của Tòa Phúc thẩm TANDTC đã thực sự là động lực lớn cho những người làm công tác bảo vệ rừng tại Di sản thiên nhiên thế giới – VQG PN - KB nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ”./.