Quảng Bình: Tòa xử như vậy, làm sao giữ rừng?

(PLO) - Trong khi Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (VQG PN - KB) xử phạt một cán bộ y tế vận chuyển thịt sơn dương trái phép nhận được sự đồng tình của dư luận thì TAND tỉnh Quảng Bình lại có phán quyết đầy khó hiểu… 
lÔng Nguyễn Văn Toàn tại tòa
lÔng Nguyễn Văn Toàn tại tòa
Tòa lập luận khó hiểu
Sáng 26/2/2014, trên đường 20 thuộc VQG PN – KB, lực lượng kiểm lâm phát hiện ông Nguyễn Văn Toàn (SN 1970, quê xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch điều khiển xe máy chở một gói thịt bọc trong nilon. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và căn cứ vào đặc điểm thịt, da, lông, lỗ chân lông, gói thịt được xác định là 4kg thịt sơn dương.
Từ hành vi vận chuyển động vật thuộc nhóm 1B trái pháp luật, căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) 2012 và Nghị định 157/2013/NĐ-CP, Hạt Kiểm lâm (KL) VQG PN – KB đã ra quyết định xử phạt ông Toàn 15 triệu đồng. Sau đó, ông Toàn khởi kiện và ngày 21/8, TAND tỉnh Quảng Bình mở phiên sơ thẩm tuyên hủy quyết định xử phạt ông Toàn. Tuy nhiên, qua các tình tiết của vụ việc và theo dõi tại phiên tòa, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi lập luận và phán quyết của Hội đồng xét xử (HĐXX).
Theo đó, TAND tỉnh Quảng Bình cho rằng: “Tổ kiểm lâm số 6 (phát hiện vi phạm của ông Toàn) đều là kiểm lâm viên, chưa có chứng chỉ giám định chuyên ngành, lập biên bản xác nhận bằng nghiệp vụ và kinh nghiệm của mình, khẳng định đó là thịt sơn dương mà không qua biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành là không đủ cơ sở vững chắc để kết luận”; “Đồng thời, không thực hiện niêm phong tang vật trước người vi phạm trước khi đem đi bảo quản để người có thẩm quyền xử phạt trưng cầu giám định, xác minh có hay không có hành vi vi phạm là không đảm bảo tính khách quan”. 
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những lập luận này của HĐXX là không có cơ sở, bởi tại Điểm c Khoản 1 Điều 12 Nghị định 119/2006/NĐ-CP quy định công chức kiểm lâm khi thi hành công vụ có quyền hạn: “Xử phạt VPHC và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi VPHC theo quy định của pháp luật”. Mục II Quyết định 09/2006/QĐ-BNV ngày 5/10/2006 của Bộ Nội vụ quy định kiểm lâm viên có nhiệm vụ: “Kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo đúng nhiệm vụ được phân công, đúng thẩm quyền”. Và trên thực tế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình (là cơ quan quản lý về mặt chuyên môn nghiệp vụ của Hạt KL VQG PN - KB) đã có công văn trả lời TAND tỉnh Quảng Bình về việc kiểm lâm viên của hạt này có quyền xác định thịt sơn dương làm cơ sở cho việc ra quyết định xử phạt VPHC.
Thực tế cho thấy, tang vật của vụ việc là 4kg thịt bao gồm cả da và lông (hình ảnh được gửi đến tòa) nên trong vụ việc này, KL có đầy đủ cơ sở để xác định số thịt nói trên là thịt sơn dương và lập biên bản, xử phạt VPHC. Vì vậy, việc xác định được tang vật là cơ sở ban đầu để xét hành vi vi phạm trước khi lập biên bản xử phạt VPHC và điều này thuộc về chuyên môn, nghiệp vụ của các kiểm lâm viên. 
Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này không cần phải giám định tang vật vì ông Toàn đã thừa nhận hành vi của mình bằng việc ký tên vào các quyết định và biên bản từ phía KL nên đây không là trường hợp cần phải niêm phong tang vật trước mặt người vi phạm. Mặc khác, các văn bản pháp luật không hề quy định KL viên phải có chứng chỉ giám định chuyên ngành thì mới xác định được chủng loại lâm sản như tòa kết luận.
Việc tòa căn cứ vào lời khai của ông Toàn rằng ông ký vào biên bản vi phạm là do bị ép buộc lại càng không có cơ sở. Ông Toàn là Trạm trưởng Trạm Y tế nên đủ trình độ để nhận thức được hậu quả do hành vi mình gây ra, không lẽ TAND tỉnh Quảng Bình lại lấy đó làm căn cứ (!?). 
Riêng trong bản tự khai và biên bản lấy lời khai từ ông Toàn của lực lượng KL mà phóng viên Báo PLVN thu thập được, không có dấu hiệu gì của việc ông Toàn bị ép buộc ký biên bản. Trong bản tự khai do ông Toàn viết thì vị Trạm trưởng này khai nhận khi mua số thịt trên, ông hoàn toàn không biết đó là thịt gì. Nhưng tại tòa, vị Trạm trưởng này lại khẳng định là thịt bò, điều này thể hiện sự bất nhất trong khai báo của ông Toàn. Đó là chưa kể đến việc ở trước tòa, ông Toàn chưa hề chứng minh được nguồn gốc số thịt này để đủ cơ sở khẳng định đó là thịt bò(!?).
…và “đánh đố” kiểm lâm
HĐXX còn cho rằng: “Các mẫu văn bản của Hạt KL VQG PN - KB sử dụng để lập hồ sơ xử phạt hành chính đối với ông Toàn không đúng quy định của Luật Xử lý VPHC, Nghị định 81/2013/NĐ-CP”. Nhưng theo ông Đoàn Thanh Bình, cán bộ pháp chế - Thanh tra của Hạt KL VQG PN – KB, thì: “Đến thời điểm ra quyết định xử phạt của lực lượng KL VQG PN – KB toàn lực lượng ngành KL Quảng Bình vẫn đang phải áp dụng hệ thống biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định 99/2009/NĐ-CP về xử phạt VPHC theo thông báo của Chi cục KL tỉnh Quảng Bình, Hạt chúng tôi không thể tự ý ban hành để thực hiện riêng được”.
Tại Điều 61 Luật Xử lý VPHC quy định, đối với hành vi VPHC để áp dụng mức phạt tiền tối đa từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân, thì cá nhân vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt; trong vụ việc này không thuộc trường hợp giải trình (ông Toàn bị phạt ở mức 15 triệu đồng). Thêm nữa, yêu cầu giải trình cũng không hề có trong hệ thống biểu mẫu đã nói ở trên. 
Nhưng khó hiểu là bà Trần Thị Cài – Chủ tọa phiên tòa vẫn kết luận: “Trong biên bản VPHC không thể hiện quyền và thời hạn giải trình cho người vi phạm theo Điều 58 Luật Xử lý VPHC. Do đó, người vi phạm không biết để thực hiện quyền giải trình lên người có thẩm quyền xem xét trước khi ra quyết định xử phạt”.
Trong một kết luận khác, HĐXX cho rằng lực lượng KL xác định giá 250 nghìn đồng/kg thịt sơn dương theo thị trường mà không có văn bản thể hiện là áp đặt chủ quan, không đúng quy định của pháp luật. Nhưng tại thời điểm xảy ra vi phạm, Hạt KL VQG PN – KB đã làm đúng quy định tại Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý VPHC. Dù ông Toàn chỉ vận chuyển 1g thịt sơn dương thì cũng phải chịu mức hình phạt này. Tang vật của vụ việc có số lượng ít, hoàn toàn nằm trong khung hình phạt đối với hành vi vận chuyển động vật rừng thuộc nhóm 1B có giá trị dưới 7 triệu đồng (không thuộc ranh giới tranh chấp giữa hai khung hình phạt) nên ở đây, lực lượng KL không cần thiết phải lập hội đồng định giá số thịt nói trên.
“Mặt khác, trong quyết định xử phạt VPHC của chúng tôi đã chỉ rõ, việc định giá này căn cứ vào giá thị trường bởi thịt sơn dương không có trong một biểu mẫu giá niêm yết, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai nhập khẩu hoặc một thông báo của cơ quan tài chính nào thì chúng tôi lấy đâu ra văn bản để thể hiện? Chẳng khác gì tòa đánh đố lực lượng KL” – ông Bình cho biết.
Cuộc chiến bảo vệ rừng và động vật hoang dã đang được xã hội và các cấp chính quyền quan tâm, đặc biệt là tại các điểm nóng như VQG PN – KB. Thiết nghĩ, vụ việc cần được xem xét một cách khách quan, toàn diện không chỉ bởi TANDTC mà các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, Trung ương cũng cần vào cuộc mạnh mẽ… 

Đọc thêm