Vẫn cồn cào tiếng sóng Gạc Ma...

(PLO) - 28 năm qua, xương cốt của 64 liệt sĩ vẫn nằm tận biển sâu, nhưng khí thế chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thì vẫn còn mãi mãi. Sự kiện Gạc Ma tháng 3/1988 đã lùi vào lịch sử, song mãi là vết hằn đau thương, nhắc nhở thế hệ trẻ một điều: Tổ quốc là vĩnh cửu! Không có sự hi sinh nào cao đẹp hơn hi sinh vì Tổ quốc.
Nước mắt rơi theo tràng hoa tưởng niệm.
Nước mắt rơi theo tràng hoa tưởng niệm.

Đoàn công tác chúng tôi tới vùng biển Gạc Ma, Cô Lin vào một ngày giữa tháng 3 để làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ - vùng biển mà 28 năm trước, các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ từng tấc đảo của Tổ quốc. 

Nước mắt hòa vào biển mặn

Trong tiếng thét gào của biển khơi, chúng tôi lên tầng thượng của tàu nhìn về phía Gạc Ma cách đó chừng hơn 3 hải lý. Không ai bảo ai, tất cả đều xúc động, nước mắt rưng rưng. 64 linh hồn liệt sĩ như từ lòng biển hiện về…

Cựu binh, Đại úy Nguyễn Văn Minh là người đã gần như dành trọn thời trai trẻ của mình cho các công trình xây đảo, và Gạc Ma là một điểm đảo mà ông đã cùng đồng đội đặt viên đá đầu tiên trên nền rạn san hô 28 năm trước. Ông Minh bảo: 28 năm trước, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng và hi sinh tại đấy. Tuy đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép nhưng Gạc Ma mãi mãi thuộc chủ quyền của Việt Nam.

“Trận chiến Gạc Ma đã được ghi vào chính sử Hải quân Việt Nam. Dù thời gian có dài bao nhiêu, lịch sử có đổi thay thế nào thì trận chiến đó cũng mãi tạc vào biển xanh. 64 chiến sĩ đã hi sinh, đó là nỗi đau thương, nhưng cũng là niềm kiêu hãnh, tự hào của thế hệ trẻ Việt Nam về tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, không chịu khuất phục một lực lượng ngoại bang nào”.

Tất cả các đoàn công tác từ đất liền vượt sóng ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa đều thực hiện nghi thức thả hoa tưởng niệm 64 linh hồn liệt sĩ đã hi sinh trong trận chiến ngày ấy. Bắt đầu khi tàu thả neo, cũng là lúc chúng tôi cảm nhận được 64 liệt sĩ như hiển hiện vọng về. Mỗi lần cầm bông hoa thả xuống lòng biển cả, quên sao được quá khứ đau thương, quên sao được những người lính Gạc Ma kết đan thành “vòng tròn bất tử” để bảo vệ chủ quyền trước họng súng quân thù.

Quên sao được một “Pa-ven của Trường Sa” Trần Văn Phương trước khi ngã vào lòng biển mẹ. Trước họng súng quân thù, anh Phương hô vang: “Hãy chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, hãy đổ máu của mình tô thắm truyền thống của Quân chủng Hải quân”.

Quên sao được khí phách của người lính kiên trung Trần Thiên Phụng thét vào mặt quân thù: “Đất nước chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng”. Quên sao được người lính Gạc Ma Nguyễn Văn Lanh đã bị kẻ thù đâm xuyên vai trái trong lúc bảo vệ cờ, để rồi sau 28 năm, niềm kiêu hãnh tự hào nhất của anh là tiếp tục được đến Trường Sa làm tròn sứ mệnh của người lính biển. 

64 cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày ấy là 64 người anh hùng. Lòng biển đất mẹ đã đón các anh trong  đau thương và cả niềm kiêu hãnh. Anh hùng Nguyễn Văn Lanh đã từng nói với tôi: “Là người lính, nếu phải hi sinh thì không sự hi sinh nào cao cả, đẹp đẽ hơn hi sinh vì Tổ quốc. Nếu hi sinh để biển đảo yên bình thì không bao giờ vô nghĩa”. 

Thả cành hoa huệ xuống biển nước mênh mông, chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Dưới tầng nước biển này thôi là xương cốt của 64 đồng đội suốt 28 năm qua vẫn nằm lạnh cóng. Đại úy Nguyễn Văn Minh mắt đỏ hoe, nhìn sâu xuống biển, nói với chúng tôi mà như nói với 64 linh hồn đồng đội: “Bao giờ xương cốt các anh mới được vớt lên?”. Ông Minh khóc. Giọt nước mắt của người cựu binh chảy xuống, hòa vào sóng biển mặn mòi.

Gạc Ma trong lòng lính trẻ

Thiếu úy Nguyễn Vũ Duy Phát - một người lính trẻ ở Trung đoàn Minh Đạm  chỉ quen với núi rừng Minh Đạm và chưa bao giờ đến Trường Sa, song sự kiện Gạc Ma năm 1988 đã làm anh xúc động. Phát đưa cho tôi bài thơ do anh sáng tác viết trên điện thoại. Phát bảo: “Khi đọc báo về sự kiện Gạc Ma, em xúc động chực khóc. Hơn một tuần suy nghĩ, em quyết định sáng tác ca khúc “Tiếng sóng Gạc Ma”. Lời bài hát viết từ sự cảm phục”. 

Tôi đã nghe tiếng sóng vọng từ biển xa

Tôi đã nghe tiếng nói từ Gạc Ma

Hòn đảo nhỏ hiên ngang hình đất nước

Những trái tim che chở ngọn quốc kỳ

Giọt máu đào nhỏ xuống biển khơi

Mẹ vẫn chờ con trai của mẹ

Con ở đâu? Thẳm sâu từ biển cả

Bao năm rồi bất tử giữa đại dương

Gạc Ma, Gạc Ma, 64 linh hồn bất tử

Giọt máu đào nhuộm đá san hô

Gạc Ma, Gạc Ma, các anh nằm dưới đó

Tiếng sóng vọng về, tiếng sóng Gạc Ma.

Tháng ba về, triệu triệu trái tim người trẻ trên mọi miền Tổ quốc hướng về  ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3. Trong triệu triệu trái tim ấy còn có sự xúc động phập phồng mỗi lần nghe, kể, đọc về Gạc Ma. Có người đã đến Trường Sa, có người chưa một lần đặt chân trên bãi cát vàng mang hồn Tổ quốc, song chắc chắn một điều, trong tim họ vẫn dâng tràn cảm xúc và tự hào khi nhắc hai chữ Gạc Ma. Lịch sử đã sang trang mới, nhưng tiếng nói từ những người lính biển, từ 64 linh hồn bất tử mãi vọng về, hòa vào gió, vào sóng, thành bản tình ca, thành cồn cào tiếng sóng Gạc Ma...

Đọc thêm