Khen lãnh đạo nhiều
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, qua 13 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng (Luật), các phong trào thi đua đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước và của các bộ, ngành, địa phương. Phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển sâu rộng trong cả nước. Công tác khen thưởng kịp thời động viên, biểu dương, tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích trong lao động, sản xuất.
Tuy nhiên, Luật xây dựng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng chưa phù hợp ở các cấp, nhất là cấp cơ sở. Có những trường hợp được khen thưởng nhưng tính hiệu quả, tính lan tỏa chưa cao; chưa lấy kết quả của phong trào thi đua làm căn cứ, cơ sở để đề nghị khen thưởng… Nguyên tắc trong Luật là thành tích đến đâu thì khen đến đấy, nhưng thực tiễn lại phải cứ có thấp mới có cao, dẫn đến tình trạng khen lãnh đạo nhiều.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ rõ, sau 13 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ những bất cập cần phải nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp. Đó là hiệu quả một số phong trào thi đua chưa gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị; công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Đáng chú ý, Luật có đối tượng điều chỉnh rộng, các đối tượng khác nhau nhưng điều kiện khen thưởng tập trung vào cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. “Cũng còn một số trường hợp đề xuất khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân mà việc kiểm tra, giám sát, thẩm định không đúng, dẫn đến khen thưởng không đúng. Có những trường hợp tổ chức, cá nhân có vi phạm dẫn đến dư luận không đồng tình”- Phó Thủ tướng nêu và yêu cầu khắc phục tình trạng trên để công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, hiệu quả.
Phải gắn với nâng cao đạo đức, trách nhiệm thực thi công vụ
Trên cơ sở đánh giá quá trình thực hiện Luật, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý công tác khen thưởng trong thời gian tới phải kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, đúng người, đúng việc, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn.
Chú ý vinh danh nhà khoa học nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát triển khoa học công nghệ, lao động giỏi, lao động sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; quan tâm khen thưởng doanh nghiệp có nhiều thành tích trong phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp cho cộng đồng nhằm khuyến khích phong trào khởi nghiệp. Đặc biệt, công tác thi đua, khen thưởng phải gắn với nâng cao đạo đức, thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu mỗi phong trào thi đua phải xác định được mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị. Đối với hệ thống cơ quan nhà nước, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các phong trào thi đua cần gắn với xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu”, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương (TĐKTTƯ) Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đề nghị Ban TĐKTTƯ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến góp ý vào báo cáo tổng kết 13 năm thi hành Luật và những kiến nghị về công tác thi đua, khen thưởng; tham mưu, đề xuất những nội dung cụ thể để sửa đổi Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác này trong thời gian tới.