Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới” vừa diễn ra, các tham luận và ý kiến phát biểu đã làm rõ những vấn đề này.
Lĩnh vực quan trọng được Đảng đặc biệt quan tâm
Từ khi thực hiện đường lối đổi mới đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác xây dựng Đảng, trong đó có những nội dung định hướng, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, nội dung “xây dựng Đảng về đạo đức” là một nội dung độc lập, đặt ngang hàng với “xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ”. Bởi vậy, trong thời gian qua, Đảng ta đã ban hành các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Điều đó cho thấy, công tác xây dựng Đảng về đạo đức là lĩnh vực quan trọng được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Xây dựng Đảng về đạo đức là xây “cái gốc”, bảo đảm cho xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ đi đúng hướng và có hiệu quả.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai khẳng định, cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ, xây dựng Đảng về đạo đức được xác định có vai trò quan trọng; nhằm giữ vững và làm cho mỗi cán bộ, đảng viên luôn suốt đời phấn đấu hy sinh vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, hiện thực hóa bản chất cách mạng chân chính của Đảng.
Về mặt nhận thức, trong thời kỳ đổi mới, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngày càng được Đảng ta coi trọng và nhấn mạnh. Nhiệm kỳ Đại hội XII, lần đầu tiên cụm từ “Xây dựng Đảng về đạo đức” chính thức được đưa vào Văn kiện và khẳng định mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Về mặt thực tiễn, Đảng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động, kết hợp việc tổ chức học tập nâng cao nhận thức, rèn luyện và thực hành đạo đức, coi trọng việc nêu gương. Đồng thời, kiên trì, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong Đảng. Từ năm 2003 đến nay, Đảng ta đã ban hành 06 chỉ thị, kết luận về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; 03 quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên...
Trong thời gian qua, công tác xây dựng Đảng về đạo đức tuy đã có bước phát triển về nhận thức và thực tiễn nhưng trên thực tế chưa có sự thống nhất về khái niệm, nội dung. Có người cho rằng, xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng môi trường trong sạch, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện những quy định, chuẩn mực đạo đức; đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội, gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng cũng có quan niệm, xây dựng Đảng về đạo đức là hoạt động chủ động của Đảng về mặt giáo dục, rèn luyện, hành động thực tiễn để bồi đắp, củng cố những phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng với vai trò đội tiên phong, người lãnh đạo, Đảng cầm quyền.
Nhận thức đúng để tự giác tu dưỡng
Nội dung của công tác xây dựng Đảng về đạo đức được thể hiện trên hai phương diện: Đạo đức của Đảng, của tổ chức đảng; Đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đối với phương diện thứ nhất, phải xây dựng, chỉnh đốn để Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”. Muốn thực hiện được điều này cần giữ vững bản chất của Đảng, xây dựng các quy định, quy chế trong Đảng, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên để cán bộ, đảng viên có cơ sở, căn cứ thực hiện.
Phân tích khái niệm “công tác xây dựng Đảng về đạo đức”, tham luận của một số đại biểu đã chỉ ra rằng, đây chính là toàn bộ hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên nhằm hình thành, củng cố và phát triển những giá trị đạo đức tốt đẹp, thái độ, hành vi chuẩn mực của mỗi tổ chức đảng và đảng viên, phù hợp với những giá trị đạo đức tiến bộ của dân tộc và nhân loại, để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiền phong ưu tú nhất của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.
Cùng với đó, phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh; có lối sống trong sáng, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí; thật sự là “đày tớ” trung thành của nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý trọng. Nội bộ Đảng phải dân chủ, đoàn kết thống nhất, thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm túc, không nể nang, bao che khuyết điểm của nhau, thường xuyên tự soi, tự sửa. Ngoài ra, Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng, lắng nghe nhân dân. Tổ chức đảng và đảng viên thực hiện đúng nguyên tắc Đảng, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Đối với vấn đề xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên: trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần phân định giải quyết phù hợp mối quan hệ biện chứng giữa các lợi ích và xác định các tầng mức ưu tiên đối với cán bộ, đảng viên trong cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp chung và cho bản thân. Theo đó, lợi ích quốc gia, dân tộc cần phải đặt lên hàng đầu, tiếp sau đó là lợi ích của tập thể, cơ quan, đơn vị và cuối cùng là lợi ích của cá nhân cán bộ, đảng viên.
Đồng thời, tăng cường nêu gương trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần thật sự tiên phong, gương mẫu thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; nói đi đôi với làm; không tham nhũng, lãng phí; dũng cảm bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai. Xây dựng tác phong, lối sống giản dị, quan tâm, gần gũi với quần chúng, thường xuyên liên hệ mật thiết với nhân dân.
Bên cạnh việc phân tích làm rõ kết quả đạt được (như việc triển khai các chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, nhất là về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên tham gia và có những kết quả tích cực; xuất hiện những mô hình hay, cách làm sáng tạo, điển hình người tốt, việc tốt có sức lan tỏa...), Hội thảo cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức trong thời gian qua. Điển hình là việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. Thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao...
Thực tiễn cách mạng những năm qua và công cuộc đổi mới hiện nay cho thấy, sự nghiệp cách mạng muốn giành thắng lợi đòi hỏi phải có những con người có đức, có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Riêng về khía cạnh đạo đức, đó phải là những người có tinh thần yêu nước, thương dân; đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết, trước hết. Sự phát triển đất nước hiện nay còn đòi hỏi những con người trong xã hội - trước hết là cán bộ nắm giữ các cương vị trong hệ thống chính trị - phải là những người không để các “căn bệnh” quan liêu, tham nhũng, tiêu cực... xâm nhập, khống chế; đồng thời dám đấu tranh chống lại các tiêu cực đó.
Để hình thành được các chuẩn mực đạo đức, không phải diễn ra trong “một sớm, một chiều” mà phải trải qua một quá trình tu dưỡng lâu dài, bền bỉ. Xét đến cùng thì việc nhận thức đúng để từ đó tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là yếu tố quan trọng nhất hình thành nên chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Nói cách khác, một nền đạo đức mới chỉ có thể xây dựng trên cơ sở sự tự giác tu dưỡng đạo đức của mỗi người. Đây cũng là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt chú trọng trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Cho đến nay, những tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có giá trị vô cùng to lớn đối với sự nghiệp đổi mới đất nước; vẫn vẹn nguyên ý nghĩa và giá trị thời sự trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Bởi vậy, rèn luyện và thấm nhuần văn hóa đạo đức cho cán bộ, đảng viên đang trở thành vấn đề cấp bách, quyết định sức mạnh của Đảng trong giai đoạn mới.