Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới

(PLVN) - Hôm qua (3/8), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới”.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: TA - Tạp chí Tuyên giáo)
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: TA - Tạp chí Tuyên giáo)

Phát biểu dẫn đề Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho biết, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; góp phần làm nên sức mạnh và sự thành công của một Đảng chính trị trong công cuộc giành chính quyền, giữ chính quyền và củng cố chính quyền. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ: “... phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.

“Trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Cùng với đó, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó đoán định và xuất hiện những vấn đề mới chưa có tiền lệ đang tác động ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng, làm thay đổi tư duy, nhận thức, lối sống, phương thức hoạt động của con người và xã hội Việt Nam, đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức cả phương diện lý luận và thực tiễn, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định.

Ông Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng được xác định là nhân tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa tiền đề, quyết định đối với các nội dung khác. Xây dựng Đảng về chính trị là xây dựng cương lĩnh, đường lối lâu dài cũng như chủ trương cụ thể của Đảng qua từng giai đoạn cách mạng, phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm lịch sử của đất nước trong từng giai đoạn phát triển và tổ chức thực hiện thắng lợi cương lĩnh, đường lối đó trong thực tiễn. Xây dựng được cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn là cơ sở quan trọng để bảo đảm cho sự thành công của cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước sau khi cách mạng thành công.

Xây dựng Đảng về tư tưởng là xác định, truyền bá, vận dụng, bổ sung, phát triển, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nghiên cứu hoạch định, tuyên truyền tạo sự thống nhất nhận thức, cổ vũ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các ý kiến, tham luận tại Hội thảo đã khẳng định, làm rõ được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Trong đó, xây dựng Đảng về chính trị có vị trí quyết định cho các nội dung xây dựng Đảng trên các mặt như xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng Đảng về chính trị thể hiện bản chất, bản lĩnh chính trị của Đảng, đồng thời là căn cứ hàng đầu để xác định vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong đời sống chính trị.

Hội thảo cũng đi sâu làm rõ các khái niệm đối với xây dựng Đảng về chính trị, xây dựng Đảng về tư tưởng; các định nghĩa hiện nay đã phù hợp chưa, có cần bổ sung hoặc lược bỏ những nội dung nào? Đồng thời làm rõ những nhận thức mới đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng; vấn đề đổi mới phương thức công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng trong tình hình mới...

Đọc thêm