Theo đó, Ban Thường trực UBMTTQVN thành phố đã nhận được 98 ý kiến từ 9 tổ chức thành viên và mặt trận các cấp; tập trung vào 7 nhóm vấn đề. Cử tri bày tỏ nguyện vọng, mong muốn thành phố tập trung tạo đột phá trong thu hút đầu tư để phát triển kinh tế- xã hội; cải thiện thu nhập và đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp và đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững…
Đặc biệt, cử tri TP Đà Nẵng bày tỏ sự hoan nghênh sự kiện Tòa Trọng tài ra phán quyết tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển của “đường chín đoạn”.
“Nhân dân TP rất vui mừng vì thấy công lý đang được thực thi và tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, nước ta sẽ có phương pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả để bảo vệ chủ quyền và mọi quyền lợi hợp pháp của mình ở biển Đông”, bà Liên cho biết.
Theo bà Liên, qua các buổi tiếp xúc cử tri, hầu hết người dân Đà Nẵng đều bày tỏ tin tưởng về HĐND và các cấp chính quyền TP. “Vì vậy cử tri mong muốn nhiệm kỳ này HĐND TP. Đà Nẵng nói chung và đại biểu huyện Hoàng Sa nói riêng sẽ góp phần tích cực hơn nữa vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, bà Liên truyền đạt lại ý kiến của cử tri.
Trong báo cáo, cử tri Đà Nẵng còn bày tỏ sự quan tâm đối với “thương hiệu” du lịch của thành phố. Cụ thể, thương hiệu du lịch của TP sớm được khẳng định và Đà Nẵng nhiều năm nay đã trở thành điểm đến thân thiện đối với du khách trong và ngoài nước.
Cử tri cho rằng, việc thành lập Sở Du lịch sẽ góp phấn tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước đối với ngành công nghiệp không khói này. Tuy nhiên, cử tri đòi hỏi lãnh đạo TP cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa nhằm khôi phục hình ảnh du lịch Đà Nẵng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức.
Cũng ở lĩnh vực du lịch, hiện dư luận rất quan tâm đến việc hướng dẫn viên du lịch “chui” người Trung Quốc hoạt động trái phép tại các điểm du lịch nổi tiếng tại một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng.
“Các đối tượng này cung cấp cho du khách những thông tin sai lệch, không chính xác về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Điều đáng lo lắng hơn chính là do chạy theo lợi nhuận hoặc do thiếu ý thức dân tộc mà có sự tiếp tay của các công ty du lịch, lữ hành trong nước cũng như của một số hướng dẫn viên người Việt. Sai phạm này đã được TP xử phạt, tuy nhiên để làm trong sạch môi trường du lịch, cử tri mong muốn chính quyền cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, xúc phạm lịch sử và văn hóa Việt Nam”, báo cáo nêu.
Bên cạnh đó, sự cố Công ty Fomosa xả thải làm cá chết hàng loạt và tiếp đến vụ chôn lấp 267 tấn chất thải cũng của Fomosa…, khiến cử tri lo lắng về vấn đề môi trường sinh thái, về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Tại Đà Nẵng, báo cáo nêu, những năm vừa qua, tuy chính quyền đã có nhiều cố gắng trong giải quyết các vấn đề môi trường, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, nhân dân một số nơi như Khu công nghiệp Hòa Khánh, Khu công nghiệp Liên Chiểu, kênh Phú Lộc, âu thuyền Thọ Quang… vẫn sống chung với ô nhiễm; Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, nơi sinh sống của loài Vooc Chà vá chân nâu liên tiếp bị xâm hại. Cử tri mong muốn lãnh đạo thành phố nên xem thảm họa Fomosa như bài học đắt giá của chính mình trong việc quản lý Nhà nước về lĩnh vực này…