Báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác truy nã Bộ Công an về kết quả công tác truy nã 8 tháng đầu năm 2020 nêu rõ: Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động phối hợp, rà soát số đối tượng truy nã theo hệ lực lượng, tổ chức tuyên truyền, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài lực lượng Công an áp dụng tổng hợp các biện pháp tổ chức xác minh, truy bắt đối tượng truy nã...
Công an các đơn vị, địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người bị truy nã ra đầu thú; phối hợp với VKSND, TAND cùng cấp có Thư kêu gọi đầu thú do lãnh đạo liên ngành gửi đến thân nhân của đối tượng truy nã, qua đó đã vận động được 1.206 đối tượng truy nã, chiếm gần 1/3 tổng số đối tượng truy nã đã bị bắt, vận động đầu thú, thanh loại trong 8 tháng đầu năm 2020.
Đồng thời, Công an các đơn vị, địa phương cũng đã làm tốt công tác đăng ký, quản lý cư trú, nắm hộ, nắm người, từ đó phát hiện những đối tượng truy nã đang lẩn trốn trên địa bàn dưới các thủ đoạn như thay đổi đặc điểm nhận dạng, nhân thân, sử dụng chứng minh nhân dân của người khác, làm giả giấy tờ để được cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo công tác truy nã Bộ Công an mới đây, theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, để công tác truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại đối tượng truy nã đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Công an các đơn vị, địa phương, nhất là chỉ huy các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác truy nã trong phòng, chống tội phạm để có biện pháp, giải pháp hiệu quả hơn. Tiếp tục nâng cao công tác nghiệp vụ cơ bản, phục vụ công tác truy bắt, vận động đối tượng truy nã; chú trọng công tác vận động đối tượng truy nã ra đầu thú.