Văn hóa bóng đá

(PLO) - Bóng đá không chỉ là một trò chơi, một môn thể thao đơn thuần mà còn là biểu trưng cho ý chí quyết thắng, tinh thần đồng đội, biểu tượng màu cờ, sắc áo của mỗi quốc gia. Bóng đá ngày càng thâm nhập vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và tác động nhiều mặt, kể cả ngoại giao, pháp lý, kinh tế,... và có bản sắc riêng có thể gọi là văn hóa bóng đá.
Vé bán qua mạng hết vèo trong 10 phút khiến bao người ngỡ ngàng. Ảnh báo Tuổi trẻ
Vé bán qua mạng hết vèo trong 10 phút khiến bao người ngỡ ngàng. Ảnh báo Tuổi trẻ

Mới nhất, công dân của 3 thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng được cấp visa đến Hàn Quốc với thời hạn 5 năm. Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam gọi đây là “visa Park Sang Ho”, vừa ghi nhận sự đóng góp của ông thầy bóng đá Hàn Quốc với Việt Nam, vừa tỏ lòng cảm mến những cổ động viên Việt Nam đã hết lòng ủng hộ ông Park. Bóng đá và tình hữu nghị, mối bang giao, đúng là một nét văn hóa đáng trân trọng.

Ngày Chủ nhật này khá dài đối với nhiều người, bởi tối nay (2/12) diễn ra trận bán kết lượt đi AFF Cup giữa Philippines và Việt Nam rất được mong đợi. Đội tuyển của chúng ta đến Philippines và phải ngồi chờ 3 tiếng trong máy bay, bị thu hộ chiếu để kiểm tra.

Đó là văn hóa ứng xử của nước chủ nhà trước một trận bóng đá, gây tâm lý mệt mỏi cho đội quân chuẩn bị xung trận, âu đó cũng là thể hiện văn hóa với bóng đá, thuộc về bóng đá.

Trong khi đó, tại Việt Nam đang sôi sùng sục cơn sốt vé trận bán kết lượt về tại Mỹ Đình. 2.500 vé bán qua mạng hết vèo trong 10 phút khiến bao người ngỡ ngàng thất vọng. Thế mà, vé “chợ đen” mua bao nhiêu cũng có.

Vì thế, dân tình tập trung lại để hỏi VFF cho ra nhẽ. Văn hóa bóng đá của những người “làm” bóng đá là ở đây chứ đâu. Không ít kẻ đã ăn theo bóng đá một cách trơ trẽn và đã từng bị dư luận vạch mặt, chỉ tên và phản ứng dữ dội.

Bóng đá chuộng lẽ công bằng. Chỉ một tiếng còi “méo” của trọng tài đã khiến triệu người phẫn nộ. Những thói ăn vạ, câu giờ, chơi xấu,... đều bị nhận diện ngay và tiếng la ó chế giễu, thể hiện sự bất bình cất lên. Còn một bàn thắng đẹp, dù của đội nào cũng được tán thưởng. Cái đẹp của bóng đá là vậy và văn hóa là vậy. 

Bóng đá có một sức hút kỳ lạ với nhiều người nên kinh doanh bóng đá có thể “hái ra tiền”. Bán cờ, biểu ngữ, vẽ mặt, băng rôn,... cũng kiếm bội tiền và quảng cáo truyền hình lên tới 600 triệu/30 giây khi phát trực tiếp bóng đá.

Cơ hội kinh doanh do bóng đá mang lại cho rất nhiều người từ giàu như các ông chủ đến những người nghèo buôn thúng, bán bưng. Niềm vui do bóng đá tạo ra đâu chỉ dành riêng cho người hâm mộ.

Thái độ ứng xử với bóng đá cũng thể hiện “trình” văn hóa của mỗi người. Có cơ quan truyền thông sống bằng tiền dân, lúc nào cũng “vì người hâm mộ” nhưng so kè chuyện mua bản quyền khiến cả nước phải xem lậu.

Có rất nhiều điều để nói về văn hóa bóng đá nhưng tối nay, ngồi trước màn hình là niềm vui khôn tả của nhiều người. Tạm quên đi tất cả phiền muộn, bức xúc để hòa chung vào niềm hồi hộp và vỡ tung trong tiếng hô vang dội: “Vào rồi!”. 

Đọc thêm