Trong các tin tức đó, đáng chú ý là một người phụ nữ trung niên ở Biên Hòa (Đồng Nai) đi đường nhìn thấy một người đánh rơi cái bọc và ngay lập tức 2 người phụ nữ khác nhảy xuống xe nhặt cái bọc đó nhét vào áo.
Lập tức người phụ nữ này la lên: “Của tôi đánh rơi đó” và đuổi theo đòi lại, sau đó, chị mang bọc tiền 100 triệu đồng đó đến nộp tại trụ sở Công an phường. Người đánh rơi bọc tiền cũng đến trình báo rằng bà biết bọc tiền rơi định quay lại nhặt thì một chiếc xe chạy qua chắn lối, bà thấy người ta nhặt được bọc tiền thì đuổi theo nhưng không kịp.
Nhận lại bọc tiền đánh rơi, bà nhận ra chị phụ nữ quen mặt thường đi chùa và làm việc thiện. Chị phụ nữ này bảo đồng tiền là mồ hôi nước mắt của người ta, thấy rơi mà người khác nhặt được thì mình tìm cách đòi lại đem trả cho người mất, có phải của mình đâu mà mình lấy!
Sự chân thực, giản dị như vậy đó, không phải của mình thì không được lấy, của rơi là thuộc sở hữu của một ai đó, không phải của trên trời rơi xuống. Nhặt của rơi, tìm người đánh mất trả lại là đúng đạo lý; nếu làm ngược lại, nhặt được coi là của mình, vui sướng trên nỗi đau khổ, mất mát, không may của người khác thì là cách xử sự của lòng tham, trái đạo lý, cần lên án.
Có học sinh nghèo nhặt được 70 triệu đồng tìm người mất trả lại, có người bỏ quên cái túi 1 tỷ đồng, người nhìn thấy bảo quản kỹ chờ người đến nhận, có tài xế taxi thấy khách bỏ quên đồ trên xe thì mang về công ty trình báo và nộp lại,...
Cũng như những người làm từ thiện tự tâm thường giấu tên tuổi, danh tính, những người nhặt được của rơi tìm người đánh mất để trả lại luôn coi đó là việc bình thường, phải đạo, chứ không phải là làm để được tuyên dương, khen thưởng! Còn đối với những người có lòng tham hay thích “đánh bóng” tên tuổi thì đó lại là chuyện khác...