Văn hóa dùng đũa độc đáo ở xứ sở hoa anh đào

(PLO) -Đôi đũa từ lâu đã trở thành một vật dụng quen thuộc không thể thiếu trong các bữa ăn của người châu Á. Riêng đối với người Nhật, đôi đũa còn là một phần trong nét văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo ở xứ sở hoa anh đào. 
 
Không và thẳng cơm vào miệng.
Không và thẳng cơm vào miệng.

Được biết, những đôi đũa khởi nguồn vào thời nhà Thương ở Trung Quốc (1766 - 1122 trước Công nguyên). Đến khoảng năm thứ 500 sau Công nguyên, đũa bắt đầu lan truyền sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… 

Nguồn gốc xa xưa

Trong những ngày đầu, Nhật Bản coi đôi đũa là thánh vật và chỉ được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.  Sau nhiều thế kỷ, đũa được sử dụng rộng rãi trong nhân dân. Hình dáng của những chiếc đũa thay đổi từ hai mảnh tre được nối liềnvới nhau đến hai thanh riêng biệt. Hồi thế kỷ 17 đũa của người Nhật chủ yếu được làm từ gỗ sơn mài, nhưng còn có nhiều đôi đũa được làm từ các vật liệu quý như ngọc bích, vàng, ngà voi và bạc... phục vụ cho giới nhà giàu và trong cung đình. 

Thời xưa, đôi đũa cũng thể hiện đẳng cấp và vị trí của mỗi người trong xã hội Nhật Bản, đặc biệt là đũa trong cung đình có sự phân biệt đẳng cấp rõ ràng. Đũa của vua và những người thuộc hoàng tộc thì ngắn, đũa của các quan lại dài hơn. Không những thế, thời xưa muốn chứng tỏ mình thuộc tầng lớp quyền quý, nên vua, quan và những người giàu có thường dùng đũa một lần sau đó đem vứt đi. 

Không cắm đũa vào bát cơm
Không cắm đũa vào bát cơm

Bắt đầu khoảng thời gian từ 1185 trở đi, đũa được dùng phổ biến trong đời sống nhân dân Nhật Bản nhưng quan niệm đũa dài, ngắn trong dân gian thì ngược lại với cung đình. Đũa của cha mẹ phải dài hơn đũa của con cái. Đũa của chồng dài hơn đũa của vợ, đũa của anh dài hơn đũa của em. Cũng  từ năm 1185 trở đi, mỗi năm cứ vào thời điểm cấy lúa (mùa xuân) và dịp thu hoạch lúa (mùa thu) người dân Nhật lại có phong tục thay đũa mới. Họ quyết định lấy ngày 4/8 hàng năm làm “ngày hội đũa” trên toàn quốc. Số 4 trong tiếng Nhật phát âm là Si (Khi), số 8 phát âm là Hachi (Hachi) khi ghép vào đọc thành HaShi và mang nghĩa là “đôi đũa”, nên ngày 4/8 được gọi là ngày hội đũa và được tổ chức ở các đền thờ Thần đạo. 

Trong  ngày lễ này, mọi người gửi những lời cầu nguyện vào đôi đũa chưa dùng, sau đó lần lượt ném vào một chảo lửa lớn đặt giữa sân đền. Nghi lễ này được gọi là “cung dưỡng đũa”, nghi lễ không chỉ là để cầu nguyện sức khỏe, may mắn, thành đạt và giải trừ ma quỷ, tai họa… đồng thời cũng thể hiện sự cảm tạ đôi đũa vì đã phục vụ con người trong cuộc sống hàng ngày. 

Nhiều nguyên liệu, nhiều cách sử dụng

Ngày nay, đũa được làm từ nhiều chất liệu như tre, gỗ, sừng, sắt... Tuy nhiên hầu hết đều được làm từ gỗ, do nó tiện dụng khi ăn đồ nóng, sử dụng cầm chắc và dễ gắp thức ăn hơn, chi phí sản xuất lại rẻ hơn so với nguyên liệu khác. 

Và ở mỗi chất liệu, mùi hương của đôi đũa lại mang một giá trị ý nghĩa khác nhau. Từ những đồ gia công sơn mài trên bề mặt, đến những loại giữ nguyên bề mặt gỗ thô sơ. Tuy nói là gỗ cây, nhưng có nhiều cái sử dụng vật liệu đa dạng như cây sồi, sakura, và tuyết tùng. Đũa cũng có khía cạnh xem như đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống. Sản phẩm được lưu thông nhiều nhất là đũa Wakasanuri, sản xuất tại tỉnh Fukui. Loại đũa này sử dụng vỏ trứng và vỏ sò để vẽ hoa văn. Bên cạnh đó, còn có loại đũa Kisonuri ứng dụng vẻ đẹp đơn sơ của cây gỗ, có nhiều loại đũa khác như đũa Edo rất dễ sử dụng.

Cách người Nhật cầm đũa gắp thức ăn
Cách người Nhật cầm đũa gắp thức ăn

Đũa của Nhật Bản được chia thành nhiều loại khá nhau, nhưng về cơ bản được thiết kế thon gọn. Phần lưng đũa hơi dày, phần mũi đũa nhỏ, nhọn, hẹp nhằm dễ dàng kẹp chặt thức ăn. Không những thế, mỗi loại đũa được người Nhật sử dụng trong những dịp khác nhau: Iwai-bashi với đầu mỏng trên cả hai đầu được sử dụng cho lễ kỷ niệm, năm mới. Wari-bashi là chỉ sử dụng một lần ăn duy nhất và thường được dụng ở mọi nơi như nhà hàng, đi picnic, ở cửa hàng tiện lợi hoặc khi đi ăn ở nhà người khác. My-hashi là những chiếc đũa dùng riêng khi mang đi và thường được đựng trong hộp. 

Chuẩn mực và cấm kỵ

Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng là một đất nước truyền thống với nhiều phong tục, lễ nghi đa dạng. Đặc biệt, văn hóa dùng đũa trong bàn ăn cũng được quy định khá nghiêm ngặt kèm nhiều điều cấm kỵ ít ai ngờ. Do đó, khi sang Nhật hoặc thường xuyên tiếp xúc với người Nhật thì bạn nên tìm hiểu trước các nguyên tắc này để không phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi ăn. 

Cách dùng đũa của người Nhật khá đặc biệt: trên bàn ăn luôn có một đôi đũa chung để gắp thức ăn từ đĩa chung vào bát của mình. Nếu không có đũa chung, họ sẽ trở ngược đầu đũa của mình để gắp thức ăn, sao đó đảo lại dùng đầu đũa cũ để ăn. Không được dùng đũa gắp thức ăn truyền cho người khác. Đây không đơn thuần là vấn đề vệ sinh mà còn gắn với phong tục trong tang lễ Nhật Bản, dùng đũa gắp xương cốt người đã khuất sau khi hỏa táng và truyền cho nhau đưa vào trong hũ trước khi đem đi chôn cất. 

Điều đầu tiến cấm kỵ nhất trong văn hóa dùng đũa của người Nhật đó là không được cắm đũa vào bát cơm, bởi cắm đũa vào bát cơm chỉ được sử dụng cho người chết cũng như trong đám tang. Ngoài việc không được cắm đũa vào bát cơm, việc cắm đũa vào thức ăn cũng không được cho phép. Người Nhật cho rằng đó là hành động bất lịch sự, thiếu tôn trọng người đã nấu ra món ăn đó. Có một tục lệ rất thú vị ở Nhật là khi bạn đi cắm trại hay picnic phải bẻ đôi đôi đũa dùng xong để tránh ma quỷ tận dụng những đôi đũa đó làm những chuyện xấu xa, mang lại tai họa cho bản thân.

Trong văn hóa của nhiều quốc gia phương Đông, hành động và cơm thẳng vào miệng là điều bình thường, nhưng ở Nhật lại là điều tối kỵ và không lịch sự. Vẫy đũa trong không khí, dùng đũa nguấy bát hoặc chỉ vào người khác cũng là hành động xấu xí và thô lỗ. 

Thói quen cắn đầu đũa sẽ bị xem là bất lịch sự khi ngồi trên mâm cơm với người Nhật. Việc cắn đầu đũa này không chỉ tạo ra âm thanh mà còn mất vệ sinh khi nước bọt của bạn dính trên đũa sau đó lại gắp vào thức ăn chung.

Cấm kỵ ngậm đũa trong bữa ăn
Cấm kỵ ngậm đũa trong bữa ăn

Trong khi ăn người Nhật cũng không bao giờ đặt đũa ngang bát cơm. Hành động này sẽ khiến người cùng ăn xung quanh nghĩ rằng bạn đã ăn no, không muốn ăn nữa hoặc thức ăn không ngon. Do vậy, khi không sử dụng đũa nữa thì nên đặt chúng trên gác đũa.

Nếu bạn muốn uống canh thì nên bỏ hẳn đũa xuống. Bởi nếu cầm theo đôi đũa sẽ gây vướng víu và có khả năng làm rơi đũa hoặc đổ bát canh. Văn hóa ăn uống của người Nhật rất từ tốn và tinh tế, do đó mọi hành động làm rơi vãi hoặc đổ thức ăn đều khiến người cùng mâm cơm không hài lòng.

Ở mỗi gia đình, mỗi người có một đôi đũa riêng, khách đến nhà sau khi dùng xong bữa thì đũa của họ ăn gia chủ sẽ vứt đi. Điều này thiể hiển sự sạch sẽ và tôn trọng khác của người dân nước này.

Có thể nói, người Nhật Bản rất cầu kỳ trong ăn uống, trong việc chế biến, nấu nướng các món ăn cũng như sử dụng các vật dụng ăn uống. Tuy đơn giản chỉ là đôi đũa bình thường sử dụng trong các bữa ăn, nhưng nó lại mang nhiều nét văn hóa đặc sắc, gắn liền với nhiều phong tục, tập quán khác nhau. Chính đôi đũa góp phần tô đậm cho nền văn hóa giàu truyền thống của xứ sở hoa anh đào..../.

Đọc thêm