Văn hóa giao thông: Nhìn từ ý thức chấp hành của học sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều học sinh xem chạy xe máy phân khối lớn và vi phạm luật giao thông là “chuyện thường”. Dẫn đến tình trạng này, cần xem lại sự giáo dục học sinh về ý thức chấp hành pháp luật từ cả hai phía nhà trường và gia đình.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vi phạm giao thông phổ biến

Chiều ngày 6/10, tại khu vực chợ Thủ Đức, TP HCM, người đi đường chứng kiến cảnh một chiếc xe máy 100 phân khối “chở” 3 học sinh đang chạy với tốc độ nhanh, luồn lách trong các ngõ hẻm để tránh cảnh sát giao thông. Người đi đường phải “dạt” ra chung quanh vì sợ vạ lây.

Tiếc rằng, hình ảnh đó không phải quá hiếm hoi trong thành phố. Những buổi tan tầm dễ bắt gặp hình ảnh những thiếu niên trong đồng phục học sinh chạy xe phân khối lớn vượt quá quy định, chở 3, không đội mũ bảo hiểm, phóng “như bay” trên đường hoặc trong các con hẻm nhỏ.

Không chỉ giờ tan tầm, những buổi sáng chuẩn bị giờ vào lớp, trước các cổng trường học cũng có nhiều học sinh chạy xe gắn máy vào trường. Trong số đó có không ít em vi phạm một lúc nhiều quy định về luật giao thông.

Như mới đây, tại cổng một trường trung học trên đường Nguyễn Văn Phú, phường 5, quận 11, phóng viên đã quay được cảnh chỉ trong 10 phút đầu giờ đã có hơn chục trường hợp học sinh chở 3, không đội mũ bảo hiểm “phi” xe vào trường học. Theo những người dân khu vực chung quanh, những trường hợp này diễn ra thường xuyên.

Hiện tượng trên khá phổ biến tại nhiều trường học trong toàn thành phố. Bà Nguyễn Thị H. T, bán nước gần một trường trung học khu vực phường Bình Thọ, Thủ Đức cho biết: “Chuyện các em học sinh chạy xe máy đi học thì nhiều lắm. Có những em đi xe đạp điện, tuân thủ luật giao thông, nhưng cũng có nhiều em đã đi xe máy phân khối lớn, lại phóng nhanh vượt ẩu, gây nguy hiểm cho người đi đường. Có lần có người đi đường nhắc còn bị các em phản ứng lại”.

Không chỉ thế, còn nhiều trường hợp học sinh ngày nghỉ không mặc đồng phục điều khiển xe gắn máy trong nội thành, ra ngoại thành, đi các tỉnh. Nhiều nhóm học sinh còn tụm thành nhóm, điều khiển xe phân khối lớn, xe mô tô để “thi” tốc độ.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP HCM, trong đợt triển khai các tổ tuần tra kiểm soát, tăng cường kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn trong tháng 9 đã phát hiện nhiều trường hợp học sinh vi phạm luật giao thông.

Cụ thể, từ ngày 01 - 30/9, lực lượng CSGT thành phố đã xử lý 333 trường hợp vi phạm liên quan đến học sinh, sinh viên; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 15 trường hợp; tạm giữ 19 xe mô tô.

Nhà trường thờ ơ, phụ huynh “dung dưỡng”?

Theo quy định của Điều 60 Luật Giao thông đường bộ, người đủ 16 tuổi trở lên, được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên. Tuy nhiên, có thể thấy, tình trạng học sinh lái xe 100cm3 và trên 100cm3 là khá phổ biến. Để tình trạng này trở nên tràn lan, không thể không nhắc đến vai trò, trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh học sinh.

Về phía nhà trường, dù có nhiều nội dung tuyên truyền, nhắc nhở học sinh tuân thủ an toàn giao thông nhưng thực tế, theo quan sát của phóng viên: tại nhiều trường học, học sinh đi xe máy vi phạm quy định giao thông ngay trong trường nhưng không nhận được lời nhắc của bảo vệ lẫn giám thị. Nhiều khu gửi xe dành cho học sinh tại các trường học có đến gần 1/4 số xe là các loại xe máy đời mới.

Về phía giáo dục gia đình, nhiều phụ huynh không những không dạy con tuân thủ luật giao thông mà còn “tiếp tay” cho con vi phạm bằng cách mua xe máy cho con chạy.

Chị Lê Mỹ Tâm, phụ huynh học sinh tại một trường trung học khu vực quận 9, TP Thủ Đức, TP HCM bức xúc: “Đưa con đi học, tôi quan sát thấy trường có nhiều em học sinh đi xe gắn máy, xe có giá trị, phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm và chạy xe rất ẩu. Trong các buổi họp phụ huynh tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến về vấn đề này, nhưng một số phụ huynh có con đi xe máy lờ đi, hoặc có thái độ khó chịu vì sự “nhiều chuyện” của tôi. Các vị ấy cấp xe cho con đi nhưng có quản được con làm gì với chiếc xe ấy khi đang lưu thông trên đường hay không? Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra cũng xuất phát từ việc “chiều” con của phụ huynh như thế”.

Nhiều ý kiến cho rằng, để chấm dứt tình trạng trên, ngoài việc nghiêm khắc xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng cần kết hợp với các trường học tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền luật an toàn giao thông cho học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần phối hợp với các bậc phụ huynh nhắc nhở con em mình, không “dung dưỡng” con em mình phạm luật.

Đọc thêm