Văn hóa Khmer - "báu vật" để phát triển du lịch Trà Vinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trà Vinh, một tỉnh thuộc ĐBSCL, không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên trù phú mà còn nổi bật với nền văn hóa Khmer phong phú và đa dạng. Đây là tài nguyên sẵn có mà nếu được khai thác hiệu quả, sẽ tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho du lịch và kinh tế địa phương.

Văn hóa Khmer tại Trà Vinh với nét đặc trưng trong kiến trúc, lễ hội và ẩm thực, từ lâu không chỉ là yếu tố làm phong phú đời sống tinh thần của người dân mà còn có thể xem là đòn bẩy cho du lịch văn hóa. Việc nắm bắt và phát huy các giá trị này chính là chìa khóa mở ra tương lai phát triển thịnh vượng cho địa phương.

Tài nguyên văn hóa Khmer – nguồn tài sản vô giá

Tại Trà Vinh, người Khmer chiếm hơn 30% dân số địa phương, điều này góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa, đặc biệt là thông qua hệ thống chùa chiền và các lễ hội truyền thống. Trên toàn tỉnh có hơn 140 ngôi chùa Khmer, với kiến trúc mang đậm nét văn hóa Khmer cổ, như: Chùa Âng, chùa Hang, chùa Vàm Rây hay chùa Nodol...

Những ngôi chùa này không chỉ là nơi thực hành tôn giáo của người Khmer mà còn là di sản văn hóa quý giá, thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu.

Các điệu múa dân gian của đồng bào Khmer Trà Vinh luôn được trân trọng, nâng niu và giữ gìn như một tài sản vô giá. (Ảnh: Nguyễn Thuận).

Các điệu múa dân gian của đồng bào Khmer Trà Vinh luôn được trân trọng, nâng niu và giữ gìn như một tài sản vô giá. (Ảnh: Nguyễn Thuận).

Kiến trúc chùa Khmer là một phần tài nguyên văn hóa đặc sắc. Mỗi ngôi chùa đều mang trong mình một câu chuyện lịch sử, một phong cách kiến trúc đặc trưng và chứa đựng các giá trị nghệ thuật tinh túy của người Khmer. Việc bảo tồn và phát triển du lịch chùa chiền không chỉ giúp giữ gìn di sản văn hóa mà còn tạo ra nhiều cơ hội cho ngành du lịch.

Nếu biết cách kết hợp du lịch tâm linh với khám phá văn hóa, Trà Vinh hoàn toàn có thể biến hệ thống chùa chiền Khmer thành điểm nhấn du lịch độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh kiến trúc, các lễ hội truyền thống của người Khmer tại Trà Vinh như lễ hội Ok Om Bok (lễ Cúng Trăng), Chol Chnam Thmay (Tết Khmer) và lễ Sen Dolta (lễ cúng ông bà) là những sự kiện quan trọng, gắn kết với đời sống tâm linh và văn hóa cộng đồng. Những lễ hội này là dịp để người Khmer thể hiện lòng biết ơn đối với thiên nhiên, cầu nguyện cho cuộc sống no ấm, mùa màng bội thu.

Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, lễ hội còn là sự kiện cộng đồng thu hút đông đảo du khách tham gia. Việc tổ chức các tour du lịch kết hợp với tham dự lễ hội sẽ tạo ra trải nghiệm phong phú, hấp dẫn cho du khách.

Nền ẩm thực của người Khmer Trà Vinh cũng vô cùng hấp dẫn và độc đáo. (Ảnh: Nguyễn Thuận).

Nền ẩm thực của người Khmer Trà Vinh cũng vô cùng hấp dẫn và độc đáo. (Ảnh: Nguyễn Thuận).

Ông Dương Hoàng Sum – Giám đốc Sở VHTTDL Trà Vinh cho biết: Người Khmer Nam Bộ nói chung và người Khmer tỉnh Trà Vinh nói riêng có một nền văn hóa từ lâu đời qua quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa cùng với người Việt, người Hoa tạo nên những giá trị văn hóa ngày càng phong phú và đa dạng.
Trải qua thời gian, người Khmer Trà Vinh vẫn giữ được những nét văn hóa riêng biệt qua những ngôi chùa cổ kính, nghệ thuật trình diễn, các lễ hội truyền thống đặc sắc, lâu đời, đã tạo ấn tượng sâu sắc cho khách bốn phương một lần đến thăm vùng đất này. Đây chính là điểm khác biệt so với các tỉnh bạn.

Cũng theo ông Sum, để tận dụng các tài nguyên quý giá này, trong những năm qua, đơn vị cùng các sở, ngành, địa phương thực hiện những dự án, chương trình để phát triển lĩnh vực văn hóa như mở rộng lễ hội với quy mô cấp tỉnh, các hoạt động nghệ thuật truyền thống phát triển mạnh tại các địa phương trong tỉnh như: Âm nhạc, trang phục, múa… đều tổ chức các cuộc thi để phát huy cho đội ngũ trẻ kế thừa; Đồng thời các loại hình văn hóa vật chất, ẩm thực, văn hóa tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo cũng được trình diễn, trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer và các ngôi chùa tạo thành điểm đến cho khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan tại tỉnh Trà Vinh.

Nắm bắt cơ hội từ độc đáo văn hóa

Với nguồn tài nguyên văn hóa sẵn có, Trà Vinh có cơ hội lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả, cần có sự đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng du lịch đến các chiến lược quảng bá. Việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nơi du khách có thể tham gia trực tiếp vào đời sống của người dân bản địa, sẽ tạo ra sự gắn kết giữa du khách và văn hóa địa phương, đồng thời giúp tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống của người dân.

Chùa Vàm Ray (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) – nơi có tượng Phật nhập niết bàn dài 54m và cao 20m thu hút khách du lịch bởi sự hùng vĩ và tinh xảo trong nét kiến trúc thời gian qua. (Ảnh: Nguyễn Thuận).

Chùa Vàm Ray (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) – nơi có tượng Phật nhập niết bàn dài 54m và cao 20m thu hút khách du lịch bởi sự hùng vĩ và tinh xảo trong nét kiến trúc thời gian qua. (Ảnh: Nguyễn Thuận).

Một trong những hướng đi tiềm năng là phát triển du lịch trải nghiệm văn hóa Khmer, bao gồm tham quan chùa chiền, tham dự lễ hội, học hỏi về nghệ thuật dân gian và thưởng thức ẩm thực Khmer. Những trải nghiệm này không chỉ mang đến cho du khách cái nhìn sâu sắc về văn hóa người Khmer mà còn giúp bảo tồn các giá trị truyền thống.

Đó là chưa nói, việc tổ chức các hoạt động như học nấu món ăn Khmer, làm thủ công mỹ nghệ, hoặc tham gia vào các điệu múa Rămvông (múa vòng tròn), Lămleo, Saravan… gọi chung là múa dân gian) sẽ tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt, giúp du khách không chỉ tham quan mà còn sống cùng văn hóa.

Ẩm thực Khmer cũng là một tài nguyên tiềm năng cần được khai thác triệt để. Những món ăn như bún nước lèo, bánh canh Bến Có, hay các món ăn chế biến từ dừa sáp có thể trở thành điểm nhấn trong các chương trình du lịch ẩm thực. Việc phát triển các tour ẩm thực Khmer kết hợp với tham quan văn hóa sẽ là một bước đi mới mẻ, thu hút du khách yêu thích khám phá hương vị địa phương.

Bên cạnh đó, Trà Vinh có thể tổ chức các sự kiện văn hóa lớn, như lễ hội Ok Om Bok, thành các sản phẩm du lịch thường niên, qua đó thu hút du khách đến vào những mùa lễ hội. Các sự kiện này không chỉ giúp lan tỏa giá trị văn hóa mà còn tạo cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các ngành du lịch, nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ. Đồng thời, sự kết hợp với truyền thông số, quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội cũng là một cách hiệu quả để tiếp cận du khách quốc tế và nâng cao vị thế du lịch Trà Vinh.

Hàng năm, các lễ hội như Ok Om Bok (lễ Cúng Trăng), Chol Chnam Thmay (Tết Khmer),… thu hút rất đông người xem. (Ảnh: Nguyễn Thuận).

Hàng năm, các lễ hội như Ok Om Bok (lễ Cúng Trăng), Chol Chnam Thmay (Tết Khmer),… thu hút rất đông người xem. (Ảnh: Nguyễn Thuận).

Theo Giám đốc Sở VHTTDL Trà Vinh, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp Khu Di tích Ao Bà Om và Bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer cùng liên hoàn với Chùa Âng đã được công nhận di tích quốc gia là điểm đến để kết nối tuyến du lịch, đồng thời trong thời gian sắp tới sẽ xây dựng bảo tàng sinh thái tại Chùa Ô Đùng tại xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần; Mời gọi đầu tư Làng văn hóa Dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh; Hỗ trợ các trang thiết bị nghệ thuật trình diễn của đồng bào dân tộc Khmer để nhằm đưa các hoạt động này gắn với hoạt động du lịch để thu hút khách tham quan.

Nguồn tài nguyên văn hóa Khmer độc đáo sẽ là chìa khóa để Trà Vinh phát triển du lịch bền vững. Sự giàu có về di sản văn hóa, từ kiến trúc, lễ hội đến ẩm thực, chính là nguồn lực mạnh mẽ giúp địa phương tạo ra sự khác biệt và hấp dẫn trong mắt du khách. Với chiến lược khai thác hợp lý, kết hợp giữa bảo tồn và phát triển, Trà Vinh có tiềm năng trở thành điểm đến văn hóa nổi bật của miền Tây Nam Bộ, góp phần nâng cao đời sống kinh tế và xã hội của người dân địa phương.

Đọc thêm