Luân chuyển tạo điều kiện cho cán bộ tiếp xúc, trải nghiệm thực tế và bổ sung kinh nghiệm lãnh đạo trên địa bàn, có cái nhìn thực tế, gần cuộc sống. Vì thế, thường cán bộ được luân chuyển là từ Trung ương về các địa phương đảm nhận những chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại địa phương để sau đó trở về giữ những cương vị cao hơn ở nơi mình từng công tác.
Cán bộ được luân chuyển là đã trong quy hoạch với khả năng thăng tiến rất rõ. Trên thực tế, sau khi luân chuyển về địa phương các cán bộ quay lại đơn vị mình và trở thành người đứng đầu rất phổ biến. Hiện tại, có nhiều Bộ trưởng đã kinh qua giai đoạn luân chuyển, từng được thử thách bản lĩnh và trau dồi kinh nghiệm tại địa phương.
Tuy nhiên, chủ trương luân chuyển rất tốt này đã bị lạm dụng trong một số trường hợp cụ thể. Đặc biệt lưu ý là những trường hợp được điều động từ các cơ quan quản lý chuyên ngành từ trung ương về các đơn vị kinh doanh béo bở để rồi sau đó về giữ các chức vụ cao hơn, được luân chuyển về địa phương giữ chức vụ chủ chốt, tham gia vào Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, cấp ủy ở địa phương đó, rộng đường thăng tiến, đủ các điều kiện để giữ các chức vụ chủ chốt tại trung ương.
Điển hình là trường hợp mới bị phanh phui tại Hậu Giang, từ anh làm doanh nghiệp trở thành công chức ở bộ, điều động về giữ chức vụ cao ở doanh nghiệp, thua lỗ lại trở về bộ với chức vụ cao hơn và tìm con đường luân chuyển để tiếp tục leo cao.
Từ trường hợp này mà những người có trách nhiệm với đất nước đòi hỏi phải làm rõ các cán bộ làm sai, làm hỏng, làm thất thoát ở các đơn vị, công trình, giờ luân chuyển đi đâu. Như vậy, luân chuyển cũng là cách lợi dụng để chạy trách nhiệm, chạy tội. Và, từ cái chạy này mới sinh ra một thứ văn hóa mới là “chạy luân chuyển”, chiêu “kim thiền thoát xác” này đã biến bại thành thắng, biến một kẻ bất tài, yếu đức có thể trở thành yếu nhân!
Cũng như nhiều trường hợp khác khi những sai trái bị phát hiện thì “người trong cuộc” thường bao biện là những việc làm đó đều “đúng quy trình” và những người được “bổ nhiệm”, “luân chuyển”, điều động” này cũng không là ngoại lệ. Một ý kiến của chuyên gia đầu ngành đã sổ toẹt sự bao biện này: “Sai luật thì đúng quy trình cái gì!”. Một vị cán bộ lãnh đạo lão thành thì đề nghị phải làm rõ cái quy trình “chạy luân chuyển” này.
Luân chuyển, cũng như các động thái ứng xử khác trong lĩnh vực quản lý nhà nước, tổ chức cán bộ, rất cần một trạng thái văn hóa là minh bạch, tức công khai, rõ ràng và dân chủ. Không thể có một sự mập mờ hay dùng tiểu xảo “do lãnh đạo công ty tha thiết xin Bộ một người có năng lực về lãnh đạo công ty”. Hoặc, không trong diện quy hoạch cán bộ nhưng “tỉnh trực tiếp xin Bộ cho người về làm lãnh đạo địa phương” và Bộ đồng ý luân chuyển cán bộ của mình về “cũng không sai luật, chấp nhận được”(?!).
Còn một thứ “văn hóa” khá phổ biến hiện nay, không sai luật, chẳng theo quy trình nào như “bố bổ nhiệm con”, “bố hưu để con lên chức”, “con quan rồi lại làm quan”,... mà có người coi đó là “hạnh phúc của dân tộc”. Nhưng, đại đa số nhân dân thì cho là không, thậm chí còn coi đó là hành vi “cướp” mất cơ hội của những người xứng đáng. Hành vi này không bị xử lý theo pháp luật nhưng dư luận thì không đồng tình mà chê trách hoặc cười ngao ngán.
Hạnh phúc cho dân tộc là có những người đứng đầu tài đức. Mong mỏi của nhân dân là có đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, ‘có tâm, có tầm”, “dĩ công vi thượng”, điều đó cũng là chủ trương của Nhà nước ta, song để trở thành hiện thực sao mà khó thế! Luân chuyển là một biện pháp tốt để có một đội ngũ lãnh đạo tài đức mà còn bị lợi dụng làm xấu đi rất nhiều chủ trương tốt đẹp này, huống hồ chuyện khác./.