Người đứng đầu, trước hết là vị trí “đứng mũi, chịu sào”, chịu trách nhiệm tất tật mọi vấn đề trong đơn vị của mình quản lý. Thế nhưng, trên thực tế, khi xảy ra sự cố gì đó thì rất ít khi thấy người đứng đầu xuất hiện mà chỉ có cấp phó. Chẳng hạn, khi xin lỗi công khai một công dân bị oan do cơ quan mình gây ra, chỉ thấy đa phần là cấp phó. Có những việc thuộc quy định hẳn hoi như buộc thủ trưởng cơ quan phải tiếp dân theo định kỳ nhưng toàn cho cấp dưới tiếp thay, thậm chí là nhân viên. Nếu xảy ra chuyện gì đó hệ trọng, cần tiếp xúc với báo chí, truyền thông để giải thích mọi chuyện, thường chỉ là cấp phó đứng ra “giơ đầu chịu báng”. Thứ “văn hóa đùn đẩy” này rất thịnh hành, bất cứ ở lĩnh vực nào cũng có thể bắt gặp.
Một cách ứng xử khác cũng rất phổ biến, là trong đơn vị thuộc quyền quản lý xảy ra chuyện tai tiếng thì khi được hỏi đến, người đứng đầu trả lời “việc này tôi chưa biết”, hoặc “chưa nghe anh em báo cáo”, hoặc nữa, “mới biết thông tin qua báo chí”,... Nếu thực sự là người đứng đầu có trách nhiệm thì không có câu trả lời như thế.
Vừa rồi, một bác sỹ bị khởi tố, tạm giam trong vụ chạy thận làm chết bệnh nhân ở Hòa Bình, dư luận ồn lên câu hỏi: Trách nhiệm của những người đứng đầu bệnh viện đâu, tại sao lại chỉ nhắm vào một nhân viên chẳng có chức vụ gì? Những vụ nhân viên phải “thế mạng” không phải là trường hợp hiếm gặp, nhiều khi cả “ê-kíp” bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự, song người đứng đầu lại không hề hấn gì. Nếu cư xử một cách có văn hóa thì người đứng đầu nên từ chức.
Ngược lại, nếu cơ quan, đơn vị có thành tích gì đó thì người đứng đầu sẽ đứng đầu danh sách khen thưởng, danh hiệu thi đua và tranh hết phần anh em. Có nhiều trường hợp người đứng đầu khi hết nhiệm kỳ, để lại rất nhiều bê bối nhưng vẫn nhận huân chương này nọ, điềm nhiên hạ cánh an toàn, để lại hậu quả cho người kế nhiệm và nỗi bức xúc cho nhân dân.
Cần phải xây dựng văn hóa người đứng đầu, trong đó, sự mẫu mực là cần thiết nhất, sau đó là những phẩm chất liêm sỉ, công bằng và biết chịu trách nhiệm!