Văn hóa phi vật thể và “hành trình” tìm lại chỗ đứng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -65-70% số di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án bảo vệ và phát huy giá trị - đó là một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt.
Hát trống quân là di sản văn hóa phi vật thể.
Hát trống quân là di sản văn hóa phi vật thể.

Việc tìm lại chỗ đứng của văn hóa di sản phi vật thể trong đời sống văn hóa tinh thần người dân còn nhiều gian nan song đã có những tín hiệu khả quan.

“Thổi” sức sống mới vào di sản

Chào mừng kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình Nghệ nhân trao truyền “Ngân vang câu hát Bài Chòi,” các khán giả đã được nghe Nghệ nhân Ưu tú Hồ Thanh Châu và Nghệ nhân Huyền Tân của Câu lạc bộ Bài chòi Sông Hàn trình diễn các tiết mục hô hát Bài chòi; được giao lưu với nghệ nhân; tham gia các mini game, tập hô hát Bài chòi và làm thẻ Bài chòi.

Còn ở chương trình tour tham quan “Dạo bước sông Hàn”, người chơi ngược dòng thời gian trở về với thành phố Đà Nẵng trong quá khứ, thông qua hành trình khám phá tại Bảo tàng Đà Nẵng và các di sản ở khu vực phụ cận, được nghe những câu chuyện về Đà Nẵng từ buổi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (1858-1860), cho đến ngày Pháp chuyển giao chính quyền cho cách mạng thông qua những tư liệu, hiện vật được gìn giữ và trưng bày tại Bảo tàng cũng như qua các di sản đang còn hiện hữu.

Trước kia, vào mỗi dịp Tết Trung thu, nam thanh, nữ tú của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) lại đốt đuốc kéo nhau ra bờ sông chơi đến hết tháng 8 âm lịch và trong giai đoạn này không thể thiếu những cuộc hát trống quân.

Di sản hát Trống quân thực chất gắn với Tết Trung thu. Tuy nhiên đã từ lâu lắm, hát trống quân chỉ còn trong trí nhớ của một vài cụ già đã bước vào ngưỡng tuổi 80, 90. Điệu hát, câu thơ cũng chỉ được ghi dấu theo cách nửa nhớ, nửa quên.

Từ thực tế này, một dự án nghiên cứu, phục dựng đã được ngành văn hóa Hà Nội đặt ra. Từ năm 2017 đến nay, thực hiện công tác bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một cần bảo vệ khẩn cấp, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ nhiều lớp truyền dạy cho các di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình trình diễn dân gian tại cộng đồng như: hát trống quân, ca trù, hát dô, hát chèo tàu, hát xẩm, múa rối, múa cồng chiêng, hát chèo...

Đặc biệt, dự án “Giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh phổ thông tại Hà Nội” với sự tham gia của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Sở GD-ĐT Hà Nội đã thành công trong việc đưa 4 loại hình di sản văn hóa phi vật thể (đèn kéo quân, rối nước, tục ăn trầu cau và gốm Bát Tràng) lồng ghép vào các môn Vật lý và Hóa học lớp 8, lớp 9. Các di sản sau khi được hỗ trợ truyền dạy đã nhân cấy được người thực hành di sản. Chính quyền và cộng đồng người di sản có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Để di sản văn hóa phi vật thể có chỗ đứng

Có thể nói với số lượng 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có ba di sản được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, một di sản nằm trong Danh mục cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO, một Di sản tư liệu thế giới, 26 di sản trong Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, Hà Nội là địa phương “giàu có” về di sản văn hóa phi vật thể.

Tuy nhiên, trước thực tế nhiều di sản đang có nguy cơ mai một, thành phố Hà Nội đang rốt ráo thực hiện các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sau khi tổng kiểm kê, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di tích của các địa phương tăng lên rõ rệt.

Cạnh đó, công tác tư liệu hóa di sản phi vật thể được thành phố thực hiện từ nhiều năm nay để lưu truyền cho thế hệ sau những tư liệu quý về di sản. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được tư liệu hóa như: hát chèo tàu ở huyện Đan Phượng, múa hát Ải Lao ở quận Long Biên, hát trống quân ở huyện Thường Tín, Phú Xuyên và Phúc Thọ, kéo co ngồi đền Trấn Vũ và kéo mỏ hội Vua Bà…

Hiện nay, Hà Nội đang xây dựng Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch được ban hành sẽ là cơ sở để thực hiện bảo vệ bền vững di sản cho các thế hệ sau. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đang thực hiện tư liệu hóa nghệ thuật xẩm, xuất bản sách hát văn cổ.

Về phần mình, hoạt động của Bảo tàng Đà Nẵng thay đổi cách tiếp cận di sản văn hóa cho giới trẻ bằng các hình thức trải nghiệm thực tế mới, hấp dẫn đã góp phần đưa di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của toàn thể cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố. Đưa gia đình tham gia chương trình, chị Thu Cúc (ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ, các hoạt động tại chương trình rất hay vì là trải nghiệm thực tế. Các con chị được gặp gỡ các nghệ nhân, được hòa mình vào trong trò chơi, hiểu hơn về văn hóa cha ông để lại.

Nhiệm vụ hết sức quan trọng là bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến di sản văn hóa dân tộc. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 23/11/1945, Người đã ký kết Sắc lệnh 65 về bảo tồn tất cả các di sản văn hóa như đình chùa, đền miếu, cung điện, thành quách, bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở, kể cả những cái có tính tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử.

Năm 1951, trong lúc đang kháng chiến chống Pháp, Người cũng đã ra Chỉ thị phục hồi vốn cổ dân tộc. Nhờ vậy mà một số loại hình nghệ thuật truyền thống ở các địa phương trong nước được phục hồi để phục vụ nhu cầu tinh thần của nhân dân, động viên toàn dân, toàn quân đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết trong 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 có một nhiệm vụ hết sức quan trọng là bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Theo Bộ trưởng, di sản văn hóa là những báu vật của quốc gia và chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn. Để từ đó, các di sản kết nối con người tới quá khứ, hiện tại và tương lai, góp phần giúp chúng ta hun đúc cốt cách, hồn cốt dân tộc.