Văn hóa tâm linh sẽ là chủ lực của du lịch tỉnh Bắc Giang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vị Phó Giám đốc Sở Văn Hóa, Thể thao du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang sẽ ưu tiên tập trung xây dựng và phát triển một số sản phẩm du lịch chủ lực, trong đó số 1 là du lịch văn hóa - tâm linh gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”.
Hình ảnh du khách tham gia tour Theo dấu chân Phật Hoàng.
Hình ảnh du khách tham gia tour Theo dấu chân Phật Hoàng.

Vùng đất nhiều tiềm năng du lịch

Sáng 8/12, tại Huyện Lục Ngạn – Bắc Giang, đã diễn ra Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch Bắc Giang năm 2022.

Đến dự buổi lễ có ông Đỗ Tuấn Khoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao, Du lịch tỉnh Bắc Giang; ông Trương Văn Năm – phó chủ tịch thường trực huyện Lục Ngạn; Liên minh hành trình tâm linh, Đại diện Hiệp hội lữ hành Unessco; Cơ quan xúc tiến thương mại, du lịch một số địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đỗ Tuấn Khoa cho biết: Bắc Giang có vị trí địa lý gần thủ đô Hà Nội và các Trung tâm kinh tế lớn của vùng. Bắc Giang là phên dậu của kinh thành Thăng Long xưa. Trong những năm gần đây Bắc Giang là một điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội với nhiều chính sách thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đứng trong top đầu cả nước.

Bắc Giang đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như điểm du lịch Chùa Vĩnh Nghiêm, khu khởi nghĩa Yên Thế, chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà, điểm du lịch chiến thắng Xương Giang, khu du lịch Tây Yên Tử huyện Sơn Động… và gần đây vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn đang được biết đến như một điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng thu hút được khá nhiều du khách quan tâm.

Ông Đỗ Tuấn Khoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao, Du lịch tỉnh Bắc Giang - phát biểu khai mạc Hội nghị.

Ông Đỗ Tuấn Khoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao, Du lịch tỉnh Bắc Giang - phát biểu khai mạc Hội nghị.

Vị Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao du lịch tỉnh Bắc Giang khẳng định: Bắc Giang là địa phương có khá nhiều tiềm năng để khai thác du lịch. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 746 di tích xếp hạng các cấp, trong đó có 05 di tích và cụm di tích Quốc gia đặc biệt (với 34 điểm); 95 di tích quốc gia; 617 di tích cấp tỉnh; có 04 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Bắc Giang cùng với các địa phương khác có Quan họ, Ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và thực hành nghi lễ Then người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến nay đã có 11 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh cógần 800 lễ hội được tổ chức, trong đó có 12 lễ hội cấp huyện, còn lại là lễ hội cấp xã.

Với địa hình phong phú và đa dạng, Bắc Giang còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp có thể khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng như Hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, Rừng nguyên sinh Khe Rỗ, Bản Ven, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ. Đặc biệt hiện nay, xu hướng trải nghiệm du lịch nông nghiệp nông thôn phát triển thì vùng cây ăn quả của Bắc Giang đang là một điểm đến vô cùng hấp dẫn.

“Riêng tại huyện Lục Ngạn, nơi hôm nay chúng ta tổ chức Hội nghị, là một địa danh được nhắc đến với thương hiệu Vải thiều được xuất khẩu đi khắp các nước Âu, Mỹ, thương hiệu vùng cây có múi gồm các giống bưởi, cam nổi tiếng đang tạo tiền đề để Lục Ngạn trở thành điểm đến hấp dẫn cho xu hướng du lịch trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước." – ông cho biết.

Lãnh đạo ngành Văn Hóa, thể thao du lịch tỉnh Bắc Giang cũng cho biết Bắc Giang định hướng phát triển các không gian du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hoá, thể thao giải trí gắn với các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử của tỉnh để phục vụ phát triển du lịch và nhu cầu trong tỉnh, vùng Thủ đô Hà Nội, các khu vực xung quanh: Ưu tiên phát triển các khu du lịch theo hướng liên kết không gian du lịch vùng, các địa phương xung quanh, kết nối hình thành các tuyến, tour du lịch liên vùng Hà Nội- Bắc Ninh- Bắc Giang- Lạng Sơn, Hà Nội- Bắc Giang- Quảng Ninh- Hà Nội, Hà Nội- Quảng Ninh- Bắc Giang- Hà Nội, Thái Nguyên- Bắc Giang- Quảng Ninh,.

Bắc Giang sẽ ưu tiên tập trung xây dựng và phát triển 4 sản phẩm du lịch chủ lực gồm: Du lịch văn hóa - tâm linh: Tiếp tục xây dựng, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa hiện có gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”; và phục dựng các điểm di tích theo dấu chân Phật Hoàng qua đó, xây dựng phát triển “Du lịch Tây Yên Tử” thành thương hiệu du lịch của Bắc Giang.

Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; Du lịch vui chơi, giải trí gắn với thể thao golf; và du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tại huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động và Yên Thế.

Để đạt được mục tiêu này, ông Khoa cho biết, định hướng của Bắc Giang trong thời gian tiếp theo là tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hoá, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sinh thái; xây dựng hệ thống giao thông thủy, bộ; Gắn kết với các danh thắng, di tích, di sản văn hoá phi vật thể tạo thành hệ thống tuyến điểm du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, thương mại, chuyển dịch cơ cấu sản xuất tiểu thủ công nghiệp theo hướng chú trọng phát triển các mô hình làng nghề , sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển các mô hình liên kết du lịch nội, ngoại tỉnh. Mục đích là tạo ra các sản phẩm phù hợp, đặc trưng hướng xuất khẩu và phục vụ dịch vụ du lịch, làm cơ sở cho phát triển du lịch xuyên suốt các tuyến nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng....

Ông Trương Văn Năm – phó chủ tịch thường trực huyện Lục Ngạn cho biết: “Lục Ngạn đang xây dựng đề án là tập đoàn cây ăn quả lớn nhất miền Bắc...”

Ông Trương Văn Năm – phó chủ tịch thường trực huyện Lục Ngạn cho biết: “Lục Ngạn đang xây dựng đề án là tập đoàn cây ăn quả lớn nhất miền Bắc...”

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Văn Năm – phó chủ tịch thường trực huyện Lục Ngạn cho biết: Huyện Lục Ngạn có một sự ưu đãi tuyệt vời của thiên nhiên- là điểm hội tụ của thiên nhiên của đất trời. Đất, nước, khí hậu ở nơi này đã giúp cho ra đời những đặc sản của từng làng, xã, thôn bản mà không nơi nào có được.

Ông cũng khẳng định Lục Ngạn có nhiều tiềm năng văn hóa du lịch, như đền chùa, vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc thời gian thu hoạch quanh năm. “Lục Ngạn đang xây dựng đề án là tập đoàn cây ăn quả lớn nhất miền Bắc...” – ông cho biết.

Huyện đang xây dựng một số điểm đến: Vườn cây ăn quả quanh năm hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, làng nghề mì Chũ, bản Bắc Hoa xã Tân Sơn...

Ông Năm cũng thừa nhận một số điểm còn hạn chế ở Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang nói chung là Hạ tầng giao thông còn hẹp, hệ thống mạng Internet và cơ sở lưu trú còn yếu.

"Các tuyến đường vào điểm đến phải rộng ít nhất 5,5m lúc đó mới có cơ hội để phát triển kinh tế" - ông Năm nói.

"Theo dấu chân Phật Hoàng" sẽ là sản phẩm du lịch trọng điểm của Bắc Giang

Cũng tại Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch Bắc Giang năm 2022, Liên minh Hành trình tâm linh đã trao tặng tỉnh Bắc Giang sản phẩm du lịch mang tên: Theo dấu chân Phật Hoàng.

Du khách tham gia tour Theo dấu chân Đức Phật Hoàng

Du khách tham gia tour Theo dấu chân Đức Phật Hoàng

Theo lịch sử, nếu sườn Đông Yên Tử (Quảng Ninh) là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, thì sườn Tây Yên Tử (Bắc Giang) là con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng. Ngài lên Yên Tử tu hành từ sườn Đông và nhập niết bàn tại am Ngọa Vân. Sau này, các đệ tử của Ngài cũng theo con đường phía Tây Yên Tử này mà hành đạo Phật sự của Thiền phái Trúc Lâm, mở mang xây dựng chùa tháp, phát triển đạo Phật rộng khắp ở vùng Bắc Giang. Các di tích của Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử không nằm rải rác, đơn lẻ mà cùng nằm trên một tuyến hành trình trải dài từ chùa Vĩnh Nghiêm đến điểm cuối cùng chính là Khu du lịch Tâm linh – Sinh thái Tây Yên Tử. Tham gia tour du lịch "Theo dấu chân Phật hoàng", du khách sẽ được lên đỉnh thiêng của lòng thiền tâm và trải nghiệm vẻ đẹp của giang sơn gấm vóc nghìn năm...

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh - Đại diện liên minh Hành trình tâm linh cho biết - Nhóm Liên minh Hành trình tâm linh gồm 6 công ty du lịch có nhiều kinh nghiệm. Nhóm Liên minh đã thực tế trải nghiệm để xây dựng chương trình Theo dấu chân Phật Hoàng, trước khi triển khai thực tế. Đến thời điểm này các khách tham gia tour Theo dấu chân Phật Hoàng đều hài lòng đó là sự trải nghiệm thực sự có giá trị, chuyển hóa nội tâm khách hàng. "Tour trải nghiệm luôn rất khác biệt và khó làm. Đây thực sự là một tuor trải nghiệm rất có giá trị đối với du khách." - ông Quỳnh khẳng định.

Ông Quỳnh cũng mong sau khi nhận sản phẩm này, Bắc Giang sẽ có sự đầu tư thích đáng để phát triển sản phầm du lịch này để Theo dấu chân Phật Hoàng sẽ là sản phẩm thu hút không chỉ khách trong nước mà cả du khách quốc tế.

Lễ ký kết bàn giao chương trình Theo dấu chân Phật hoàng

Lễ ký kết bàn giao chương trình Theo dấu chân Phật hoàng

Phát biểu trong Hội nghị, ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc công ty du lịch Travelogy Việt Nam - Phó chủ tịch hội du lịch cộng đồng VN - đánh giá cao tiềm năng về điều kiện tự nhiên của Bắc Giang. Ông hy vọng trong thời gian tới, Bắc Giang không chỉ là địa chỉ của các tuor du lịch tâm linh, mà còn là nơi đến của những tuyến du lịch miệt vườn của miền Bắc. Chúng tôi có thể đưa du khách đi thăm các miệt vườn của Lục Ngạn thay vì phải vào miệt vườn ĐB Sông Cửu Long, chúng tôi có thể tổ chức các tuyến du lịch chữa lành tại đất Phật, có thể nghỉ lại tại các điểm lưu trú....

Ông Tuyên cho biết có thể hỗ trợ Bắc Giang trong việc kết nối, tạo ra các điểm đến, các sản phẩm du lịch của Bắc Giang.

Đọc thêm