Văn hóa trong quảng cáo: Điều không thể xem nhẹ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực tế, không chỉ là quảng cáo, đó còn là những sản phẩm chạm đến trái tim người xem, đưa công chúng đến sự sẻ chia, tình yêu thương, tình cảm gia đình và điều tích cực, nhân văn. Điều còn lại sau cùng là văn hóa, là hình ảnh của Việt Nam ra thế giới…
Hoa hậu H'hen Niê nhận giải Đại sứ được yêu thích nhất. (Ảnh: BTC).
Hoa hậu H'hen Niê nhận giải Đại sứ được yêu thích nhất. (Ảnh: BTC).

Những thông điệp ghi dấu ấn

Tại giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam cuối năm vừa qua, Rapper Đen Vâu, ca sĩ Đức Phúc và Hoa hậu H'Hen Niê được vinh danh nhờ các chiến dịch lan tỏa thông điệp tích cực, truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Với chiến dịch “Sống một đời có lãi”, xuyên suốt trong câu chuyện là lời tâm sự của Đen về hành trình truyền cảm hứng của anh tới những người dân, các tầng lớp trong xã hội... về một cuộc sống ý nghĩa. Xuất phát là một đứa trẻ mang những mơ ước thơ ngây, một cậu thanh niên mới lớn có nhiều trăn trở, Đen đã làm việc và cống hiến hết mình để tạo ra những lan tỏa tích cực.

Khép lại với hình ảnh Đen và mọi người tiến về phía trước, cùng sự xuất hiện của Vietinbank với sứ mệnh đồng hành. Thương hiệu muốn khẳng định họ không chỉ là một nguồn năng lực tích cực, một điểm tựa tinh thần mà còn luôn sẵn sàng gắn liền với cuộc sống của mọi người, với vai trò đồng hành với mỗi cá nhân, tập thể trong hành trình vươn lên, tạo ra “lãi” trong cuộc đời.

Kết quả, chiến dịch đã tạo làn sóng thảo luận mạnh mẽ, với hơn 150 trang báo, các hội nhóm và KOLs, KOCs (người nổi tiếng, nhà sáng tạo) chia sẻ về chiến dịch. Tổng lượt xem từ các video Youtube, Facebook, Tiktok với hashtag Songmotdoicolai lên đến hơn 40 triệu lượt xem.

Nghệ sĩ Đức Phúc nhận giải Đại sứ quảng cáo ấn tượng nhất qua chiến dịch “Trao nhau khoảnh khắc, ghi dấu một đời” của nhãn hàng PNJ. PNJ đồng hành cùng Đức Phúc và nhóm nhạc 911 ra mắt MV “I do”, tiếp nối phim ngắn “Trao nhau khoảnh khắc - Ghi dấu một đời”, khích lệ đàn ông Việt trao lời cầu hôn cho nửa kia.

Ekip dự án chọn nhóm nhạc 911 phối hợp cùng ca sĩ Đức Phúc bởi “I do” là ca khúc hát về tình yêu, trong khi đó Đức Phúc đã xây dựng thành công thương hiệu cá nhân gắn với những ca khúc lãng mạn, được mệnh danh là “Hoàng tử Valentine”. Mặt khác, là một ca sĩ trẻ nhưng cộng đồng fan của Đức Phúc đa dạng về độ tuổi. Họ là những người hâm mộ yêu mến giọng hát và hình ảnh tích cực của ca sĩ.

Vì vậy, giai điệu quen thuộc của ca khúc tình yêu “I do” (Em đồng ý) vang lên với giọng ca của nhóm nhạc 911 và ca sĩ Đức Phúc đã mang lại sự bất ngờ cho khán giả. Qua phiên bản song ngữ Anh - Việt lạ mà quen, những câu chuyện tình yêu trong MV cũng được khắc họa chân thực, lãng mạn, tôn vinh giây phút cầu hôn thiêng liêng. MV đã thu về hơn 58 triệu lượt xem trên Youtube cùng hàng chục nghìn bình luận từ người nghe.

Còn H'Hen Niê cùng Vinamilk mong muốn truyền tải thông điệp sống tích cực tới người tiêu dùng Việt, đồng thời bày tỏ cam kết đồng hành cùng người tiêu dùng xây dựng lối sống lành mạnh, cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày của chính bản thân mỗi người, thay vì phấn đấu theo những khuôn mẫu toàn diện.

Giải thưởng Quảng cáo Sáng tạo Việt Nam - Vạn Xuân Awards là giải thưởng thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng với Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Công ty Cổ phần Truyền thông Vinama thực hiện nhằm tôn vinh những tác phẩm quảng cáo sáng tạo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” mục tiêu góp phần xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa và quảng bá hình ảnh Việt Nam. Các chiến dịch quảng cáo của Acecook, Vinamilk, Vietinbank, Nestlé Việt Nam... chiến thắng nhiều hạng mục tại giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam 2023.

Với cương vị là nhà tài trợ đồng hành cùng các đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam từ 2018, nhân sự kiện đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tham dự đấu trường World Cup, Acecook Việt Nam đã triển khai chiến dịch “Kiêu hùng tiếp bước” nhằm cổ vũ tinh thần cho các nữ cầu thủ và tôn vinh nỗ lực phi thường của phụ nữ Việt Nam.

Theo đó, sản phẩm “Kiêu hùng bước tiếp” tái hiện lại hình ảnh nữ nhi nước Nam từ thuở ban sơ khi Hai Bà Trưng kiêu hùng gìn giữ giang sơn, đến kỳ tích vẻ vang của những cô gái sao “vàng” lần đầu bước vào chung kết giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Tổng kết chiến dịch, Acecook cho biết, chiến dịch đã tiếp cận được 69% tổng đối tượng mục tiêu, với hơn 9 triệu lượt hiển thị trên các nền tảng trực tuyến.

Trong khi đó, chiến dịch “Tết 2023 - cùng Hảo Hảo mở một năm tuyệt hảo” ghi dấu ấn với Ban Giám khảo với TVC (quảng cáo truyền hình) là cảnh ăn Tết sung túc quây quần bên nhau với tâm lý khởi sắc để đón chào nhiều năng lượng may mắn trong năm mới.

Là thương hiệu sữa đặc gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ người Việt, song Ông Thọ với tinh thần sáng tạo không ngại làm mới để trẻ hóa hình ảnh thương hiệu từ nội dung truyền tải, hình thức thể hiện đến các hướng tiếp cận để không chỉ tiếp cận thế hệ lớn mà còn thế hệ trẻ. Các hoạt động truyền thông của chiến dịch được triển khai trên đa nền tảng mạng xã hội từ PR, Youtube, Facebook & Tiktok theo từng tệp khách hàng.

Đối với thế hệ 7x, 8x nền tảng Youtube, Facebook kết hợp cùng PR đã thành công thu hút được lượt lớn tương tác và bài viết chia sẻ về kỷ niệm tuổi thơ với Ông Thọ. Còn với gen MZ, Tiktok chính là nền tảng hữu hiệu để nhãn hàng truyền tải thông điệp một cách sống động, trẻ trung và hợp thời hơn.

Làm sao để không đi chệch “đường ray” văn hóa?

Có thể nói, chuẩn mực để đánh giá quảng cáo là tính văn hoá, trong đó bao hàm tính nhân văn, đạo đức, tri thức và trình độ nghệ thuật cao. Tính văn hoá sẽ bảo đảm cho sự phát triển bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Ví dụ như Bia Huda đã rất thành công trong việc sử dụng văn hóa miền Trung vào các sản phẩm truyền thông của mình, tạo ra sự tự hào, niềm tin - yêu về một sản phẩm mang đậm nét văn hóa, tính cách vùng miền.

Chẳng hạn như thông điệp quảng cáo “Nâng niu bàn chân Việt” hoặc quảng cáo truyền hình của giầy thể thao Biti’s thể hiện rõ sự trân trọng với người Việt, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc với các hình ảnh tiêu biểu cho lịch sử. Bên cạnh việc ca ngợi truyền thống của dân tộc, một số sản phẩm đã đưa những nét văn hoá đẹp mang tính thời đại. Theo đó, các chiến lược quảng cáo cần bám sát và cân đối được quan hệ cung - cầu thì sẽ đi đúng đường ray của văn hoá và quan điểm đúng về phát triển…

Nhiều chuyên gia cho rằng, nước ta có cơ quan cấp phép quảng cáo mà chưa có cơ quan thẩm định nội dung, chất lượng quảng cáo. Do đó, cần có sự quản lý liên ngành giữa Bộ VH-TT&DL, Bộ Thương mại.

Cũng tại sự kiện giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam năm 2023, ông Nguyễn Tiến Huy, Tổng Giám đốc Pencil Group chia sẻ, ngành Quảng cáo Việt Nam dù tuổi đời chỉ khoảng 3 thập kỷ đang dịch chuyển từ truyền thống sang quảng cáo số và mọi thứ đều chạy quá nhanh. Người làm sáng tạo cảm thấy mất đi động lực để tạo ra những câu chuyện hay và những tác động của quảng cáo trong văn hóa không còn như trước nữa.

Tuy nhiên, ngành Quảng cáo đã và sẽ là một phần trong xu thế phát triển của xã hội, khi nó chính là một phần quan trọng trong marketing. Và Gen Z chính là thế hệ thứ ba của ngành Quảng cáo Việt Nam đang tiếp tục nhiệm vụ “kết nối các giá trị”, như chia sẻ của ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam về ngành: “Quảng cáo không chỉ là bán hàng, quảng cáo là kết nối các giá trị”.

Ông Huy ví von tảng băng trôi chính là mô hình kinh điển về sự thấu hiểu văn hóa. Những phần nổi như yêu thích thể thao, âm nhạc... là những biểu hiện văn hóa. Phần chìm ẩn sâu dưới đó là những niềm tin, quan điểm, đôi khi cả định kiến. Vai trò của người làm quảng cáo không phải chỉ nhìn vào phần nổi, không phải chỉ dùng âm nhạc, thể thao, kể những câu chuyện của người nổi tiếng đại diện cho sản phẩm, mà cần tìm hiểu phần chìm, chạm xuống sâu hơn phần đáy để từ đó thay đổi thế giới.

Chia sẻ về những thực tế tại các doanh nghiệp của mình, các chuyên gia đều đồng tình, quảng cáo sáng tạo cần lấy văn hóa làm gốc và phát triển bền vững làm tầm nhìn. Với một ngành “bán niềm tin” như quảng cáo, văn hóa và sự thật luôn cần được tôn trọng. Và điều quan trọng: “Quảng cáo là bán niềm tin, giá trị văn hóa trong sản phẩm đó, khi tôi nhìn thấy một quảng cáo, thấy mình trong đó và tôi muốn mua hàng”.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Bộ VH-TT&DL khẳng định: “Ngành Quảng cáo phải là một mắt xích quan trọng, bộ phận cấu thành của công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Trong sự phát triển bền vững, cần có sự giao thoa, kết nối màu sắc, diện mạo, sức sống mới trong việc kết hợp quảng cáo với điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa; góp phần phối hợp thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”.

Cụ thể, ông Trần Việt Tân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Truyền thông Vinama đưa ra hàng loạt chiến dịch quảng cáo nhiều năm trước như “Đèn Đom Đóm” của Dutch Lady, “Về nhà ăn Tết - Gia đình trên hết” của Neptune, “Đi về nhà” của Honda... Theo ông Tân, đây là những sản phẩm quảng cáo chạm đến trái tim người xem, giúp định hướng công chúng đến sự sẻ chia, tình yêu thương, tình cảm gia đình và điều tích cực, nhân văn.

Ông Tân cũng cho rằng, nếu làm đúng hướng, các sản phẩm đậm đà bản sắc, mang hơi thở văn hóa Việt có thể vươn ra thế giới, góp phần quảng bá đất nước. Chẳng hạn khi đi máy bay, chúng ta luôn nhìn thấy những đoạn giới thiệu Việt Nam rất đẹp mắt, yên bình, hùng vĩ. Những quảng cáo truyền hình này nếu được nhân rộng sẽ là cầu nối đưa văn hóa Việt ra nước ngoài…

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo, doanh thu quảng cáo của nước ta năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số các quốc gia ASEAN. Xét về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam xếp thứ hai (12,7%), chỉ sau Malaysia (18,9%) và hơn Indonesia (8,1%), Thái Lan (3,9%) và Singapore (8,4%). Cũng theo ông Nguyễn Trường Sơn, ngoài doanh thu, quảng cáo là công cụ truyền tải thông điệp tích cực đến cộng đồng, góp phần đưa văn hóa Việt bước ra thế giới.

Đọc thêm