Tìm về 'căn cước văn hóa' Việt qua cổ phục cung đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những bộ y phục cung đình của vua, hoàng hậu, thái tử, công chúa đã được các nghệ nhân “hồi sinh”. Sự say mê kết hợp với bàn tay tài hoa và tâm đức của các bạn trẻ tiếp nối các nghệ nhân đi trước đã tạo nên thành quả quý giá, góp phần giữ gìn di sản văn hóa Việt.
Cổ phục triều Nguyễn được trưng bày tại “Thấp thoáng vàng son”. (Ảnh: Lê Huy)
Cổ phục triều Nguyễn được trưng bày tại “Thấp thoáng vàng son”. (Ảnh: Lê Huy)

“Thấp thoáng vàng son” hồi sinh cổ phục

Triển lãm “Thấp thoáng vàng son” tại Hà Nội giới thiệu 10 bộ lễ phục cung đình triều Nguyễn lộng lẫy được phục dựng tinh xảo, đưa cổ phục Việt đến gần hơn với giới trẻ. Đây là hoạt động nằm trong dự án phục dựng và tôn vinh trang phục truyền thống do nhóm Great Vietnam, một nhóm các bạn trẻ nghiên cứu, thực hành và cung cấp các giải pháp về cổ phục Việt Nam tổ chức.

Anh Vũ Đức, người sáng lập nhóm Great Vietnam cho biết: “Trong triển lãm, tất cả 10 bộ trang phục này đều được tái hiện nguyên mẫu theo các bộ trang phục xưa. Điểm đặc biệt nhất của những bộ trang phục này không phải là việc thêu áo hay may áo mà là việc dập áo, tái hiện lại đúng việc dập áo của áo dài ngũ thân, các loại áo bào. Bên cạnh đó là câu chuyện về hoa văn. Bởi vì, trong các trang phục ngày xưa, đặc biệt là của các triều đại cuối cùng của Việt Nam như triều Lê Nguyễn thì hoa văn bao giờ cũng khẳng định bản sắc, văn hoá, thẩm mỹ, mỹ thuật của người Việt”.

Để có được “Thấp thoáng vàng son”, Great Vietnam đã phải dành ba năm để nghiên cứu, tìm tòi và phục chế lại các bộ trang phục này. Từ ảnh chụp, bảo tàng hay các phiên đấu giá quốc tế, các bộ trang phục này đã được phục chế lại. Lần đầu tiên, 10 bộ trang phục được phân loại theo sự kiện cũng như các vị trí khác nhau trong cung đình thời Nguyễn như áo dài năm thân; khăn xếp; mũ mão vua quan; hoàng bào... Triển lãm “Thấp thoáng vàng son” kéo dài đến hết ngày 31/5/2025 tại Sắn Café (Nguyễn Xiển, Khu đô thị mới Hạ Đình, Hà Nội).

Những năm trở lại đây, hàng loạt dự án về cổ phục được thực hiện bởi các bạn trẻ đến từ: Ỷ Vân Hiên, Năm Tuyền, Hoa văn Đại, Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp, Great Vietnam... Đa phần những nhà thiết kế, những nghệ nhân, những nhà nghiên cứu đều có tuổi đời còn trẻ. Đặc biệt, với sự hỗ trợ, cố vấn của các nhà sử học, nhà nghiên cứu lão làng, uy tín cùng với lòng nhiệt huyết, sự đam mê, tính cách dám nghĩ dám làm, đã giúp người trẻ nhanh chóng tạo nên sức sống mới cho những trang phục tưởng như đã cũ.

Nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc tâm niệm: “Cổ phục không phải là cái gì lạc hậu, cũ kĩ mà thực ra, rất đẹp và sang trọng. Tinh hoa của cả một dân tộc được gửi gắm tinh tế, ý nhị và hài hòa trong từng hoa văn, vạt áo. Vẻ đẹp đó đến tận hôm nay vẫn không hề bị lạc hậu, lu mờ so với nhu cầu hiện đại để các nhà thiết kế quyết tâm đưa cổ phục trở lại đời sống. Trào lưu tìm về cổ phục là tất yếu. Bởi khi thế giới càng phẳng, quá trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ cũng là lúc người ta tìm về “căn cước văn hóa”, lịch sử của dân tộc mình để khẳng định bản sắc riêng, định vị mình giữa vô vàn nền văn hóa”.

Ngược dòng lịch sử, níu giữ những tinh hoa đất Việt

Làng nghề Đông Cứu (xã Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội) - ngôi làng nằm bên hữu ngạn sông Nhuệ có truyền thống lâu đời về nghề thêu tay, chuyên chế tác phẩm phục cho triều đình. Một trong những cá nhân tiêu biểu đã phục dựng và hồi sinh những bộ trang phục cung đình truyền thống thành công chính là nghệ nhân Vũ Văn Giỏi. Ông Giỏi là hậu duệ của gia đình 6 đời làm nghề thêu, bản thân ông đã có gần 30 năm tìm tòi và phục dựng những cổ phục triều đình.

Tới nay, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã làm được hàng chục y phục, từ y phục của vua tới hoàng hậu, thái tử, công chúa... Mỗi y phục cung đình là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chi phí làm ra cũng tốn kém tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng/bộ. Các bộ y phục cung đình của ông từng được mang đi triển lãm tại Festival Huế; triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Dân tộc Hà Nội, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ…

Nhắc tới nghệ nhân “hồi sinh” y phục cung đình, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới nghệ nhân Trịnh Bách. Nghệ nhân Trịnh Bách cũng chính là người đưa nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đến cơ duyên phục dựng y phục này. Năm 2005, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đưa 8 bộ y phục cung đình do nghệ nhân Trịnh Bách phục chế sang triển lãm tại Nhật Bản.

Để có được những bộ y phục cung đình nói trên, nghệ nhân Trịnh Bách đã cất công tìm gặp những người trong hoàng tộc nhà Nguyễn lưu lạc ở nước ngoài như hậu duệ của Gia Hưng Vương (con Vua Thiệu Trị), cháu ngoại Công chúa Mỹ Lương (con Vua Dục Đức, chị Vua Thành Thái) đã 80 tuổi để nghe họ nói về những tập tục và thể thức ăn mặc trong cung cấm và được xem những chiếc áo của hoàng thất nhà Nguyễn.

Bên cạnh việc nghiên cứu nhiều sách cổ kim nói tới lề lối ăn mặc cung đình, ông còn đến khảo sát thực tế các bộ trang phục của hoàng gia triều Nguyễn ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế. Nghệ nhân Trịnh Bách cũng đã tới nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới từ Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản để đối chiếu xem vua triều Nguyễn và vua xứ người trang phục khác nhau ra sao. Và ông phát hiện ra rằng, triều phục của triều đình Việt Nam có nhiều chi tiết tinh tế, khó dệt, khó thêu hơn.

Từ những tư liệu đó, cộng với kết quả nghiên cứu các mẫu trang phục cung đình, ông đã tổng hợp một cách hệ thống các thể chế quy định việc ăn mặc trong triều Nguyễn và một phần của nhà Lê rồi bắt tay vào việc tìm thợ để “hồi sinh” những y phục cung đình. Nghệ nhân Trịnh Bách “hồi sinh” những trang phục cầu kỳ của vua chúa như: Long bào xuân hạ Hoàng đế, Phượng bào thu đông Hoàng hậu, Sa kép xuân hạ Quý phi, Sa kép xuân hạ Thái tử, Mãng bào thu đông Hoàng tử, Mệnh phụ thu đông Công chúa…

Theo các nghệ nhân và các bạn trẻ tiếp nối đam mê gìn giữ di sản, khi phục hồi y phục cung đình, quan trọng nhất là phải nghiêm túc, thận trọng, cần kiên trì và đủ đam mê, am hiểu kiến thức về lịch sử, văn hóa vì đó là góp phần gìn giữ những di sản văn hóa dân tộc.