Khoảng cách giới nơi làm việc
Tại Việt Nam, lao động nữ chiếm khoảng 47,7% lực lượng lao động, vậy nhưng bình đẳng giới chưa đạt được trong khi các doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách rõ rệt giữa lao động nữ và nam trong các vấn đề tuyển dụng, tiền lương, đào tạo chuyên môn, vị trí việc làm,...
Trong vấn đề hợp đồng lao động, nhiều doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng nếu lao động nữ có thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi và không ký tiếp khi hợp đồng lao động hết hạn.
Bên cạnh đó, lao động nữ chiếm số đông trong những ngành nghề không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể, năm 2019, lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 36,1%, trong khi đó, chỉ có hơn 20,2% lao động nữ là lãnh đạo của các cấp, các ngành. Nguyên nhân chính do lao động nữ chưa được quan tâm tạo điều kiện để học nghề, đào tạo nghề cũng như tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt ở khu vực nông thôn và vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ lao động nữ không qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn trong việc không được tạo điều kiện để tham gia học nghề, đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ khiến cho lao động nữ khó có cơ hội tìm kiếm việc làm.
Ngoài ra, phụ nữ vẫn chưa được thể hiện đầy đủ để khẳng định vai trò, năng lực, vị trí lãnh đạo của mình. Mặc dù những con số thể hiện tỷ lệ phụ nữ có học vị, học hàm cao đều tăng dần theo các năm, thậm chí tỷ lệ cán bộ nữ trong ngành Giáo dục chiếm đến 76% nhưng rất ít đơn vị do cán bộ nữ lãnh đạo. Vấn đề này cũng xảy ra tương tự trong ngành Y tế khi mà tỷ lệ nữ cán bộ, công chức, lao động chiếm hơn 60% nhưng sự tham gia của phụ nữ với cương vị lãnh đạo vẫn còn rất ít. Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong số các doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam, có 63% trả lời rằng công ty có phụ nữ tham gia cấp quản lý giám sát, 73% xác nhận rằng họ có phụ nữ tham gia quản lý cấp trung nhưng chỉ có 15% trả lời rằng có phụ nữ tham gia cấp quản lý, điều hành cao nhất.
Đừng khiến phụ nữ bị rối như “mớ bòng bong”
|
Phụ nữ làm công việc nhà nhiều hơn nam giới. (Hình minh họa) |
Tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” đã ăn sâu, bén rễ vào đời sống nhiều thế hệ. Hiện nay, mặc dù vị thế của phụ nữ thay đổi một cách tích cực nhưng trách nhiệm trong gia đình của họ không hề được giảm nhẹ. Phụ nữ ngày càng tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động xã hội, nhưng thực tế này không có nghĩa là công việc nhà sẽ được chia sẻ công bằng hơn giữa các thành viên trong gia đình.
Theo kết quả Điều tra lao động việc làm năm 2021, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ gấp 1,96 lần so với nam giới. Nữ làm 2,48 giờ/ngày và nam là 1,26 giờ/ngày. Theo đánh giá của ILO, phụ nữ Việt Nam dành nhiều hơn nam giới trung bình 12 - 16 tiếng/tuần để làm việc nhà.
Sở dĩ, có tình trạng phụ nữ làm công việc nhà nhiều hơn nam bởi rất nhiều bà vợ cho rằng: “Nam tính của người đàn ông của họ sẽ bị đe dọa nếu như họ phải làm những công việc trong gia đình”. Đây cũng là lý do mà nam giới không làm việc nhà hoặc chỉ “giúp” trong chừng mực nào đó. Mặc dù, họ cũng hiểu “thực trạng phân công lao động như vậy không có lợi cho sự tiến thủ và sức khỏe của phụ nữ”.
“Tôi luôn cảm thấy thiếu thời gian, ngày nào cũng là một vòng quay chóng mặt: Dậy sớm đi chợ, nấu ăn sáng, đưa con đi học, đi làm, chiều về đón con, nấu cơm, tắm gội cho con, giặt giũ rồi lại cắm đầu làm việc tới khuya. Từ khi bắt đầu học thạc sĩ để nâng cao nghiệp vụ buổi tối thì tôi như phải chạy đua, áp lực về thời gian và công việc khiến tôi muốn xỉu. Về đến nhà không thiết làm gì nữa. Đêm nào con ngủ ngoan thì còn đỡ, đêm nào nó quấy thì phải mất thêm thời gian dỗ con trong lúc anh chồng thì ngáy ầm ầm mà không dám gọi. Cô bảo, cả ngày anh ấy làm việc mệt mỏi cần được nghỉ ngơi, mới lại đàn ông phải dậy khi đang ngủ say là điều họ ghét nhất... Tôi muốn chồng tôi san sẻ việc gia đình, chồng tôi quắc mắt: “Phụ nữ là phải làm việc nhà. Đi học làm gì, cô yêu công việc, tiền đồ của cô hơn cái gia đình này à?””.
Đó là lời tâm sự của chị Kim Thoa (32 tuổi, Bắc Ninh), làm kế toán và cũng rất đúng với nhiều người phụ nữ. Quả là vất vả khi người phụ nữ vừa học, vừa làm, nhất là đang nuôi con nhỏ. Gánh nặng gia đình và xã hội trên vai họ quá lớn mà nếu làm tốt cái này ắt sẽ ảnh hưởng đến cái kia. Ngày nay phụ nữ đang thể hiện sự bình đẳng trong xã hội bằng các vị trí của mình trong công việc. Tuy nhiên, để đạt được điều đó họ gặp phải rất nhiều trở ngại, vừa phải làm tốt công việc ở cơ quan, đồng thời vừa phải làm tốt vai trò làm dâu, làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Để trang bị kiến thức cho mình, người phụ nữ không ngừng trau dồi nghiệp vụ theo học các lớp tại chức văn bằng hai... Tám tiếng làm việc tại cơ quan, việc gia đình rồi học tập khiến họ rối như “mớ bòng bong”.
Cũng tại cuộc nghiên cứu cho thấy sự đóng góp về mặt kinh tế tính bằng thời gian làm việc nhà của phụ nữ dao động từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Ngoài giá trị kinh tế, còn có cả trách nhiệm và tình thương yêu của người phụ nữ chăm sóc, dạy dỗ, tái tạo sức lao động của các thành viên trong gia đình - một giá trị thiêng liêng không thể đo được bằng bất cứ phép tính nào.
Thêm thời gian làm việc đồng nghĩa phụ nữ ít có cơ hội để nghỉ ngơi và thời gian cần thiết dành cho chính mình. Hệ quả là nhiều chị em dễ lâm vào tình trạng mệt mỏi, suy nhược hay nghiêm trọng hơn là những vấn đề bệnh lý cơ - xương - khớp như đau nhức, nhức mỏi, thoái hóa khớp, đau cột sống, loãng xương…
Song trong vòng quay của cuộc sống, người ta cũng dễ bỏ qua những dấu hiệu của trầm cảm. Các bác sĩ tâm thần học cảnh báo, nếu không tìm cách thoát khỏi hoặc điều trị đến nơi đến chốn, bản thân người mang trầm cảm sẽ bị nhấn chìm trong vực xoáy của nó... Trong các bệnh y tế, trầm cảm là một vấn đề lớn, phổ biến trong cộng đồng; theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho đến năm 2020, trầm cảm chỉ đứng thứ hai sau nhồi máu cơ tim. Ước tính có khoảng 3 - 5% dân số thế giới có rối loạn trầm cảm rõ rệt. Tần suất nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trong cuộc đời là 15 - 25%. Theo báo cáo của WHO về “Gánh nặng bệnh tật toàn cầu”, trong đó, trầm cảm là nguyên nhân gây tử vong ở phụ nữ cao gấp rưỡi so với nam giới.
Người phụ nữ, người vợ thực sự là người có đóng góp rất lớn cho tổ ấm gia đình, không chỉ về mặt kinh tế mà cả về mặt tinh thần, và cần phải có những nghiên cứu sâu hơn với qui mô lớn hơn để giúp mô tả xác thực hơn các vấn đề xung quanh công việc gia đình vốn bị coi là “vô hình” này và lượng hóa giá trị đóng góp của phụ nữ vào kinh tế gia đình, đất nước.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng tuyên truyền, truyền thông, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới trên các lĩnh vực, trong đó có bình đẳng trong hoạt động kinh tế, lao động, việc làm; xóa bỏ định kiến về vai trò của người phụ nữ trong gia đình; thực hiện bình đẳng giới trong gia đình nên được đưa thành tiêu chí quan trọng trong xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa; trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới không chỉ là của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình, các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp.