Xưa các cụ dạy “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” như một hàm ý nội dung bao giờ cũng là cái quyết định hình thức. Triết học có cặp phạm trù này cũng chỉ nói lại những điều hiển nhiên, vậy nhưng cuộc sống không phải lúc nào người ta cũng tuân thủ theo... quy luật.
Những cô gái mặn mà nhan sắc, dẫu “ngu” đôi chút vẫn còn hơn... đàn bà xấu thì... “không có quà”! Vậy nên trong một số tình huống, lĩnh vực thì hình thức lại là cái quyết định, quyết định một cách thực sự chứ không phải “có tác động trở lại” như cách nói của triết học. Cũng vì lẽ đó mà đôi lúc ăn chắc mặc bền giờ đâm ra lạc hậu. Đẹp chói lọi mà chả bền cũng lên ngôi như ai...
Gian lận trong thi cử vẫn đang cản bước tiến trình học thật, bằng thật
Tản mạn ba điều chả đâu vào đâu nhưng rồi vẫn phải khẳng định, thời nào, lúc nào người khôn thì cũng chọn quy luật mà tuân thủ, chọn cái chất, cái nội dung để lựa chọn nó cho hành trình phát triển bền vững của mình. Có một lĩnh vực “siêu quan trọng” để khẳng định cái chất, cái nội dung, ấy là giáo dục. Nhưng buồn một nỗi nó lại chạy theo cái chói lọi bên ngoài kia mà làm mờ nhạt cái chất của mình.
Phân tích theo cặp phạm trù nội dung và hình thức của của chất lượng giáo dục và cái bằng để làm ví dụ. Chất lượng, trình độ là nội dung, được đo bằng hình thức là cái bằng. Học từ trung bình đến xuất sắc thì có các dạng bằng cấp từ trung bình đến xuất sắc. Cấp học nào thì bằng cấp đó, từ tiểu học cho lên đến tiến sỹ.
Ở ta chưa có chuyện học thật, bằng thật nên nội dung và hình thức vênh nhau như bánh đa nướng. Nhiều thạc sỹ, tiến sỹ ra trường không làm được trò trống gì cho đời, chỉ oai oách ở cái bằng. Còn nhiều người học tại chức, hệ vừa học vừa làm, họ học để lấy kiến thức thực sự với một sự cầu thị kinh khủng. Kết quả là dẫu bằng tại chức, nhưng học tử tế thì chất lượng vẫn như ai.
Chuyện quan trọng còn lại của văn hóa ứng xử và tuyển dụng là cứ chạy theo tấm bằng! Phải chính quy mới chuẩn, phải chính quy mới tuyển. Đà Nẵng là một thành phố trẻ, năng động và phát triển. Nhiều nơi ngưỡng mộ Đà Nẵng vì tốc độ phát triển kinh tế của mình. Nhưng rồi Đà Nẵng tuyên bố các cơ quan Nhà nước không tuyển sinh viên học hệ tại chức. Không phê phán Đà Nẵng, vì rằng đây cũng là quan điểm phát triển, phải chọn kỹ, chọn tinh mới có cán bộ tốt để phục vụ cho dân cho nước. Vậy nhưng ở đây vẫn có sự nhầm lẫn, vẫn vì hình thức giữa tấm bằng và chất lượng tấm bằng.
Đã đến lúc tất cả hệ thống cùng tư duy một điều cũ mèm, rằng đã tuyển dụng là tuyển người làm được việc. Chính quy hay tại chức chỉ là hình thức, nội dung vẫn là anh ta có gì trong đầu để làm việc sau bao năm mài đũng quần ở giảng đường đại học.
Trần Ngọc Hà