Vẫn “loay hoay” tìm đường bảo tồn ca trù

(PLO) - 6 năm sau khi ca trù được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, ngành Văn hóa vẫn đang loay hoay tìm đường cho công tác bảo tồn và giữ gìn di sản này…
Vẫn “loay hoay” tìm đường bảo tồn ca trù
Nghệ nhân “ngắc ngoải” theo nghề
Sau khi ca trù được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, các câu lạc bộ (CLB) ca trù mọc lên như nấm ở 15 địa phương có loại hình nghệ thuật này. Riêng Hà Nội có tới 14 CLB và nhóm ca trù cùng hoạt động, 50 người có khả năng truyền dạy, 220 người thực hành và hàng trăm người theo học... Thế nhưng, chất lượng không đi cùng với số lượng. Nguyên nhân do thầy giỏi và có tâm với nghề rất ít, việc đào tạo không cơ bản, thời gian dạy và học quá ngắn, đặc biệt các CLB thường mạnh ai người ấy làm.
Hầu hết các CLB và người học đang “ngắc ngoải” theo nghề. Bà Phạm Thị Huệ - Giám đốc CLB Ca trù Thăng Long buồn rầu: “Khán giả, không gian biểu diễn, kinh phí hoạt động, cả ba yếu tố này ca trù sở hữu gần như con số không tròn trĩnh. Khi có hoạt động thu tiền xem biểu diễn, người ta nghĩ đây là hoạt động kinh doanh. Kinh doanh thì phải tính đến lợi nhuận. 
Nhưng ca trù thì ngược lại, tiền thu được từ biểu diễn chỉ đủ cho các em mua xăng xe mà thôi. Kinh phí của các CLB cạn kiệt rồi, nguồn hỗ trợ cũng chưa có”. Được biết 6 năm qua, Hà Nội đã tiến hành kiểm kê, lên danh sách các nghệ nhân, các CLB, tổ chức hội thảo, hội nghị và các cuộc liên hoan ca trù nhưng công tác bảo tồn, phát huy ca trù chưa mấy hiệu quả. 
Các “báu vật nhân văn sống” của ca trù đều ở tuổi 80, 90. Có cụ phải nhờ người dìu mới lên được sân khấu. Và phải vất vả lắm, nhà tổ chức mới thuyết phục được con cháu cho các cụ đi biểu diễn. Ngay như việc để có một chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân và có những chính sách cho các CLB ca trù, sau nhiều năm “nghiên cứu”, tới nay các nghệ nhân vẫn tiếp tục phải chờ đợi. Điều này khiến phần lớn nghệ nhân khó lòng dồn tâm huyết cho ca trù. Nghệ nhân đào nương đã khó, tìm được những tay đàn, gọi là kép đàn, giỏi còn khó hơn bởi những kép đàn giỏi hiện nay chỉ còn lại rất ít. 
Về mặt kỹ thuật, đa số các nghệ nhân ca trù hiện nay vẫn truyền dạy bằng phương pháp truyền khẩu nên việc “tam sao thất bản” không phải là ít. Tại các cuộc liên hoan ca trù, có những nghệ nhân lên trình diễn ca trù cổ, nhưng thực sự đó không phải là kỹ thuật hát ca trù cổ. 
Theo TS. Nguyễn Xuân Diện, ca trù có 99 thể cách (66 làn điệu hát và 33 thể cách kết hợp hát, múa, diễn, nghi lễ). Tuy nhiên sách vở, thư tịch còn lại giúp ích cho việc nghiên cứu ca trù phần lớn chỉ dựng lại được lịch sử hình thành và phát triển, còn những sách dạy học ca trù như thế nào thì hầu như là không có.
Đề án bảo tồn vẫn là con số 0
GS. Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định, nếu ví ca trù là một tòa tháp gồm nhiều tầng thì những gì còn lại hiện nay chỉ tương đương với tầng thứ nhất. TS. Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng, sau 6 năm được UNESCO vinh danh, ca trù vẫn thiếu một đề án bảo tồn và phát huy giá trị mang tầm quốc gia, trong khi các di sản khác đã có rồi. Ví như, hát xoan đã xây dựng được chiến lược bảo tồn nghệ thuật với định hướng cụ thể đến năm 2020 và kinh phí dự tính lên tới 165 tỷ đồng thì đến nay, ca trù vẫn chưa làm được điều này. 
Trong buổi tọa đàm “Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ca trù Hà Nội” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức ngày 22/10 vừa qua, các CLB ca trù của Hà Nội đều cho rằng, ngoài việc kiểm kê và tổ chức liên hoan ca trù mở rộng thì nhiều hoạt động khác chưa được thực hiện như: giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế; chính sách đãi ngộ nghệ nhân; xây dựng không gian di sản; xây dựng các chương trình văn hóa, giáo dục và truyền thông; hỗ trợ cộng đồng truyền dạy và đào tạo…
“Với vai trò địa phương tiên phong, nắm vai trò chủ đạo trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ca trù, Hà Nội cần đứng ra làm vai trò đầu mối xây dựng, đệ trình Đề án bảo tồn và phát huy giá trị mang tầm quốc gia” – TS. Lê Thị Minh Lý mong mỏi.
Việc nhiều, thời gian ngắn, rất nhiều người lo lắng năm 2017 khi thời điểm Việt Nam một lần nữa phải gửi báo cáo lên UNESCO về việc ca trù có thể thoát ra khỏi danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp hay không thì trong báo cáo sẽ nói gì?