Văn minh khi tập yoga

(PLVN) - Hiện nay, yoga là bộ môn được nhiều người Việt Nam lựa chọn luyện tập. Bên cạnh lợi ích về nâng cao sức khỏe, cải thiện tinh thần, vẫn còn đó những màn tập yoga “khó đỡ” nhận về nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng.
Yoga nên được thực hành ở những nơi yên tĩnh, kín đáo. (Ảnh minh họa - Nguồn: Yoga năng lượng cuộc sống)

Những hình ảnh phản cảm

Cô Lương Thị Nụ (bằng giáo viên yoga 200 giờ), có kinh nghiệm hơn 5 năm đi dạy cho biết: “Thời gian gần đây, có nhiều hình ảnh phản cảm của những người tập yoga, khiến cho chúng tôi rất trăn trở, suy nghĩ”. Thực tế, bộ môn yoga vốn mang ý nghĩa đẹp về cả tinh thần và thể chất, nhưng hiện nay đang tạo nên nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng.

Mới gần đây nhất, hình ảnh và video người phụ nữ mặc đồ tập màu xanh, thực hiện động tác yoga handstand - “trồng cây chuối” bên ngoài Cung Cảnh Phúc (hay còn gọi là Gyeongbokgung) ở Seoul, Hàn Quốc. Người phụ nữ còn đặt chân lên tường rào cung điện.

Hành động này nhận nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Một fanpage chia sẻ video tập luyện của nữ du khách hút hơn 20 nghìn lượt tương tác. Hầu hết ý kiến cho rằng trang phục bó sát và các tư thế yoga không phù hợp để thực hiện tại điểm du lịch linh thiêng nổi tiếng ở nước ngoài.

Trước đó vài tháng, đoạn video do một người nước ngoài ghi lại cảnh 2 nữ du khách thực hiện các động tác yoga khi tới thăm đỉnh Fansipan (Lào Cai) hàng tiếng đồng hồ, cũng vấp phải những luồng dư luận trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng ở những điểm du lịch đông khách như đỉnh Fansipan, việc thực hiện các tư thế yoga dễ tạo ra khoảnh khắc phản cảm với người xung quanh.

Theo thống kê của Hiệp hội Yoga Việt Nam, số lượng người tập Yoga tại Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Ước tính, hiện có hơn 10 triệu người tập Yoga thường xuyên trên cả nước. Yoga đã được nhiều người dân biết đến và tham gia tập luyện nhiều năm qua.

Số lượng người tập đông đảo, dẫn đến một bộ phận những người tập yoga mất đi sự văn minh khi thực hành các tư thế. Họ quên đi ý nghĩa thật sự của yoga mà chạy theo các trào lưu “sống ảo” bất chấp. Những người tập này đã vô tình hoặc cố ý gây ảnh hưởng đến người khác, thậm chí đặt bản thân vào nguy hiểm.

Lấy ví dụ như đoạn video các bà, các mẹ trong độ tuổi 40 - 50 vẫn thản nhiên mặc đồ bó sát biểu diễn yoga flow (yoga theo nhạc) trong các đám cưới. Hay hình ảnh 17 người phụ nữ mặc quần áo tập yoga, nằm trên những chiếc thảm giữa đường để chụp ảnh với hoa bằng lăng, bất chấp các phương tiện đang lưu thông tại thị trấn Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) gây cản trở giao thông nghiêm trọng.

Một bộ phận người tập yoga sai định hướng, tạo nên hành động khoe khoang, phản cảm. (Nguồn: Saostar.vn)

Lực lượng chức năng thị trấn Kiến Xương đã có chế tài xử phạt hành chính, lập biên bản xử lý hành vi tập trung đông người trái phép, nằm ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông, quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có 16 người bị xử phạt. Dường như, nhiều người vẫn “bất chấp” quy định cấm.

Mặc dù trào lưu tập yoga outdoor (yoga ngoài trời) thoát ly khỏi phòng tập đang phổ biến nhiều năm gần đây trên thế giới. Tuy nhiên, những người tập sẽ lựa chọn những địa điểm phù hợp để thực hành yoga, chứ không bất chấp biểu diễn “mọi lúc, mọi nơi”.

Đưa yoga trở về đúng giá trị thật

Yoga vốn là một bộ môn khoa học bắt nguồn từ Ấn Độ có tuổi đời hơn 5 nghìn năm. Cái tên “Yoga” trong tiếng Sanskrit (một ngôn ngữ cổ ở Đông Ấn), có nghĩa là hợp nhất lại cả tinh thần, thể chất và linh hồn của người tập. Do vậy, yoga là một hệ thống của nhiều kỹ thuật giúp thân thể và trí não khỏe mạnh. Các tư thế yoga tạo sức ép từ nhiều phía khác nhau trên các phần của cơ thể con người giống như một loại xoa bóp nhẹ. Khi việc điều tiết hormone trở nên quân bình, nó góp phần cân bằng tinh thần của chúng ta, giúp kiểm soát tốt hơn cơn giận hờn, ghen tị, thèm muốn và sợ hãi.

Hiện nay, một bộ phận người tập yoga ở Việt Nam không giữ được tinh thần nguyên bản của Yoga. Họ có xu hướng khoe khoang các động tác bằng cách chụp hình ở nơi công cộng, quay video phản cảm. Điều này đang gây ra sự hiểu lầm của cộng đồng dành cho yoga.

Cô Trịnh Thị Hằng (bằng giáo viên yoga 500 giờ), có gần 10 năm kinh nghiệm giảng dạy cho biết, yoga cũng giống tất cả những bộ môn thể dục thể thao, đều tạo nên hình ảnh đẹp, dẻo dai cho người tập. Vì vậy, có rất nhiều người thích chụp ảnh với các tư thế yoga. Do thiếu hiểu biết, đào sâu tìm tòi kiến thức, một bộ phận người tập chọn những nơi đông người, địa điểm du lịch nổi tiếng để chụp ảnh sống ảo. Tuy nhiên, theo triết lý và tinh thần của bộ môn yoga, người tập cần nơi yên tĩnh, thư thái để tập trung vào hơi thở, động tác, rèn luyện thân thể và tinh thần, không phải môn trình diễn. Ngoài ra, việc mặc trang phục bó sát cũng khiến một số người hạn chế tập yoga ở những nơi công cộng, đông người.

Cô Trịnh Thị Hằng chia sẻ, để hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận hơi thở cuộc sống. Những người tập yoga thường tìm đến nơi vắng vẻ, yên tĩnh như khu rừng, vùng núi ít người qua lại để tập luyện các asana (tư thế) và thiền định. Chỉ có ở trong không gian tĩnh lặng, người tập yoga mới đi sâu vào bên trong, lắng nghe cơ thể, cải thiện các vấn đề sức khỏe tinh thần, thể chất. Cô nói: “Phong trào tập yoga đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trong đời sống thường nhật. Nhiều cá nhân có sở thích chụp ảnh để lưu lại những khoảnh khắc của họ khi luyện tập. Tuy nhiên, mỗi người tập nên tự trang bị thêm những kiến thức đúng, chuẩn về yoga để tránh tạo nên những hình ảnh xấu cho yoga trong mắt cộng đồng”.

Cô Nguyễn Thúy Hiền (hiện đang dạy ở trung tâm California Fitness & Yoga Center) cho biết, tập yoga đường phố mang lại rất nhiều hệ lụy cho người tập. Đầu tiên, đó là nguy hiểm tiềm ẩn như tai nạn giao thông, gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Ngoài ra, yoga không phải chỉ có một tư thế mà sẽ là chuỗi bài sẽ mang đến cho học viên dòng chảy tự nhiên, cân bằng: khởi động liên kết hơi thở với chuyển động; sử dụng đa dạng các nhóm tư thế đứng, quỳ, ngồi, nằm sấp,…; sử dụng các tư thế ở đủ ba mặt phẳng và sáu chiều chuyển động; trả thế (hồi phục lại sau các động tác), các tư thế ngả sau và đảo ngược; kết thúc bằng savasana (thư giãn) cuối buổi tập.

Theo cô Hiền, yoga cần phải khởi động thật kỹ trước khi tập, đặc biệt khi thực hành các tư thế nâng cao (thế yoga khó). Việc vội vàng vào các thế khó để chụp ảnh “sống ảo” ở nơi công cộng có thể vô tình gây ra các chấn thương khi cơ xương khớp chưa được làm nóng. Ngoài ra liên tục thực hiện duy nhất một tư thế yoga trong 15 - 20 phút để chụp ảnh cũng làm mất cân bằng cơ thể.

Cô Hiền cho biết, những người chụp ảnh yoga đường phố ở Việt Nam đang hướng đến “khoe” các tư thế khó với độ uốn dẻo, biên độ mở khớp cao. Điều này đang vô tình tạo ra hình ảnh sai lệch về yoga. Cô chia sẻ: “Yoga bắt đầu từ những tư thế cơ bản, phù hợp cho tất cả mọi người. Việc thực hành những tư thế yoga đơn giản giúp người tập cảm nhận cơ thể, cải thiện sức khỏe sau mỗi buổi thực hành yoga. Điều đáng buồn hiện nay, yoga đang bị hiểu nhầm là bộ môn “làm xiếc”, trình diễn nghệ thuật”. Cô Hiền cho rằng, vai trò của người dạy yoga rất quan trọng, bên cạnh dạy các asana (tư thế), HLV yoga cần phải chia sẻ kiến thức, triết lý yoga để học viên không tập yoga sai mục đích, gây ra nhiều hình ảnh phản cảm.

Người tập và người dạy cần có kiến thức đúng về yoga. (Ảnh minh họa - Nguồn: Core plus)

Thực tế, từ thuở sơ khai đến giờ, tinh thần của Yoga rất văn minh, hướng người tập đến việc nuôi dưỡng con người từ bên trong. Giúp mỗi người thực hành cân bằng tinh thần và thể chất, tiến đến chánh niệm, an yên trong từng giờ phút sống trên trái đất này. Vì vậy, người tập yoga từ xưa đến nay đều đi tìm hạnh phúc ngay bằng chính bản thân của mình, họ nuôi dưỡng lòng bao dung, hiền hòa và xa lánh thế sự xô bồ, ồn ào.

Đặc biệt, người tập yoga lấy tư thế rèn luyện cơ thể. Sau khi có một cơ thể khỏe mạnh, sẽ đi sâu vào tu dưỡng tâm trí và thiền định. Cho nên, yoga vốn dĩ không coi trọng động tác, thúc ép, đòi hỏi người tập phải thật dẻo, khỏe như các diễn viên xiếc. Các bậc guru, yogi và yogini (người thực hành yoga) không lấy các động tác yoga để khoe khoang, cạnh tranh thành tích.

Tại Việt Nam, khi thực hành bộ môn yoga, mỗi người tập nên trang bị lý thuyết của yoga. Ngoài ra, các huấn luyện viên, giáo viên yoga cần cung cấp đúng kiến thức và định hướng cho học viên, tránh việc để người tập hiểu sai, tập luyện sai mục đích của yoga dẫn đến những hành động thiếu văn minh, gây phản cảm trong cộng đồng.