Vấn nạn đô thị đã trở lại thách thức Tp Hồ Chí Minh

(PLO) -Mấy tháng qua, dư luận phấn khởi trước nhiệt huyết của lãnh đạo TP quyết giành vị trí số một cho TP HCM. Nhưng từ thực tại đến ước mơ là cả một khoảng cách.Vấn nạn đô thị đã trở lại thách thức Tp Hồ Chí Minh...
TP HCM đang đối mặt với nhiều vấn nạn từ ô nhiễm, ngập nước đến kẹt xe…

Có lẽ hiếm nơi nào như ở Việt Nam, xứ sở tự hào về truyền thống Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh mà nước lại gây ngập sân bay sâu đến 0,3 m. Cơn mưa lớn chiều tối 26/8 đã làm ngập một số bãi đỗ của sân bay Tân Sơn Nhất khiến hoạt động bay bị gián đoạn.  

Sân bay “nghẹt thở”, vẫn thừa đất làm sân golf

Sáng 27/8, ông Phạm Vũ Cường – Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, cơn mưa lớn chiều tối 26/8 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của sân bay.

Cụ thể, nhiều vị trí bãi đậu gần lối thoát nước ra kênh A41  bị ngập nặng, có vị trí ngập đến 30 cm. Đến khoảng 20h nước mới rút, hoạt động bay mới trở lại bình thường.

Cơn mưa chiều 26/8 với lượng mưa xấp xỉ 120mm khiến nước mưa không thoát kịp, đã tràn vào nhà đặt máy phát điện trạm nguồn Đài chỉ huy. Nhân viên sân bay phải bắc ván, dùng bao cát, bạt ni lông để ngăn nước.

Theo ông Cường, dù đã nhiều lần kiến nghị chính quyền TPHCM cải tạo, khôi phục lại hiện trạng kênh A41 để đảm bảo thoát nước cho khu vực sân bay, nhưng đến nay vẫn phải chờ và mùa mưa năm nay thì sân bay vẫn tiếp tục ngập.

“Trung tâm chống ngập TP cũng tiến hành nạo vét nhưng như thế vẫn không đảm bảo thoát nước. Chúng tôi kiến nghị phải khôi phục lòng kênh như ban đầu. Để ứng phó với những cơn mưa sắp tới thì đơn vị chuẩn bị máy bơm, bao cát, bạt ni lông… để xử lý tình huống khẩn cấp”, ông Cường nói.

Trước đó, cơn mưa lớn ngày 9/10/2015 đã khiến khu vực đỗ tàu bay và Đài chỉ huy cũ của Tân Sơn Nhất bị ngập sâu khoảng 20cm. 

Ông Cường cho biết, thực trạng ngập cục bộ có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng khi toàn bộ hệ thống điều hành bay tại sân bay không hoạt động được. Tân Sơn Nhất lúc ấy sẽ bị đóng cửa sân bay vì trạm phát điện nguồn bị hư hỏng. Nếu sự cố nước ngập gây nổ biến thế thì hậu quả có thể còn lớn hơn.

Tiếp sau việc quá tải ùn ứ từ mặt đất đến trên không, việc hệ thống mạng bị hacker tấn công, nay tiếp đến việc bị ngập úng, cảng hàng không quốc tế hiện đại nhất của quốc gia đã rơi vào bước lùi nghiêm trọng về chất lượng phục vụ ở những khía cạnh an toàn.

Nghiêm trọng hơn nữa, trong lịch sử gần 100 năm hình thành và phát triển của Tân Sơn Nhất, những khuyết nhược điểm này chưa hề xảy ra.

Điều đó có nghĩa là Tân Sơn Nhất đang thụt lùi, tụt hậu với chính nó chứ chưa so với các sân bay quốc tế khác trong khu vực đang tiến lên vùn vụt.

Những khiếm khuyết này hoàn toàn không do tác động khách quan mà chính do năng lực quy hoạch, quản lý đô thị của con người. Đó là chưa nói đến nhân danh lợi ích và an ninh quốc phòng, cử tri TP HCM phản ánh người ta đang “giã thịt” sân bay để làm sân golf, nhà hàng, khách sạn.

Đường mới làm đã kẹt

Một vấn nạn khác không mới nhưng ngày càng nặng nề hơn, cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và bộ mặt văn minh của TP. Đó là tình trạng kẹt xe.

Dù TP đã đầu tư mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng cho chương trình chống kẹt xe, chống ùn tắc giao thông, nhưng kết quả tốt nhất cho tới ngày nay là… “chỉ còn một điểm kẹt xe ở toàn TP” như một số người nói vui.

Kẹt xe thậm chí xảy ra ở ngay những con đường mới mở như Phạm Văn Đồng, Bạch Đằng, Hồng Hà quanh khu vực sân bay. 

Ngày 30/8, Sở Giao thông Vận tải TP HCM thông xe toàn tuyến đường Bạch Đằng và Hồng Hà (từ đường Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn).

Tuyến đường này được dự kiến sẽ góp phần chia sẻ áp lực giao thông đang quá tải với các tuyến đường của thành phố trước đây, đặc biệt là đường Trường Sơn, khu vực ra vào sân bay Tân Sơn Nhất...

Tuy nhiên, tuyến đường nội ô lớn nhất TP HCM này bắt đầu kẹt cứng từ 17h30 chiều 31/8. Trời mưa, các phương tiện ô tô và xe máy chen lấn lẫn nhau, các chủ phương tiện cố thoát khỏi vòng vây kẹt xe nên leo lên vỉa hè, thậm chí chạy hết đường cấm khiến cho tình hình giao thông càng hỗn loạn và ùn tắc trong nhiều giờ. 

Tuyến đường Phạm Văn Đồng (trục đường hướng tâm quan trọng của TP HCM, kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Quốc lộ 1A và quốc lộ 1K, tạo hướng giao thông mới qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai), cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Đường Phạm Văn Đồng từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đến vòng xoay Lê Quang Định dồn ứ hàng ngàn xe ô tô, xe máy. Chiều ngược lại, từ cầu Bình Lợi đến vòng xoay Lê Quang Định cũng rơi vào tình cảnh chen chúc, hỗn loạn.  

Đô thị “cao cấp” ngập mùi hôi

Trên không, trên bộ bị ách tắc, mặt đất, đường phố bị ngập úng nhiễm bẩn… chưa giải quyết xong, nay lại xuất hiện yếu tố mới: mùi hôi.

Mùi hôi lại xuất hiện ở khu đô thị hiện đại nhất, sang trọng nhất, là điểm đến của giới trung lưu, thượng lưu TP. Ác hại hơn nữa mùi hôi này lại nghi vấn do chính các doanh nghiệp xử lý bảo vệ môi trường của TP tạo ra.

Chính Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã xác nhận: “Tôi được biết UBND TP.HCM, trực tiếp là Sở TN&MT, đã khảo sát, kiểm tra về việc này. Qua ý kiến ban đầu, sở nhận định hoạt động của toàn bộ khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước là nguyên nhân chính.

Bên cạnh đó còn có Công ty xử lý bùn Sài Gòn Xanh, Công ty Hoàn Cầu gần khu vực này cũng gây ra ô nhiễm về không khí”.

Điều đáng tiếc là công nghệ xử lý rác tại Đa Phước không tiên tiến, giá thành lại cao đã bị công luận phản biện, phản ứng ngay từ khi thành lập.

Bộ trưởng Hà xác nhận là thực tế hệ thống vận hành này chưa hoàn chỉnh. Bộ cũng biết ở đây việc xử lý rác vẫn chủ yếu là chôn lấp, công nghệ chỉ là giải pháp mang tính trước mắt.

Bãi rác Đa Phước đã áp dụng đúng quy trình xử lý, công nghệ phù hợp chưa? Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều hạng mục liên quan đến xử lý nước thải, nước rác cần có các bể chứa nhưng hiện nay vẫn chưa hoàn thành.

Quá trình xử lý rác liên quan đến quy trình nhận rác, việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý mùi và áp dụng công nghệ sinh học chưa hợp lý…

Người dân băn khoăn, việc mùi hôi từ Đa Phước đe dọa đời sống, người dân đã phản ánh từ nhiều tháng qua nhưng cơ quan chức năng vẫn lúng túng như gà mắc tóc từ việc tìm nguyên nhân đến biện pháp giải quyết.

Mãi đến phiên họp báo chính phủ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà vẫn còn trả lời rất chung chung: “Chúng tôi giao Sở TN&MT TP HCM kiểm tra và tiếp tục đề xuất giải pháp cụ thể.Trong tương lai phải áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại, đó là thiêu đốt, chỉ có như vậy mới phù hợp với điều kiện nước ta cũng như xử lý triệt để các vấn đề môi trường”.

Vấn đề bức xúc của dư luận là vì sao với công nghệ không tiên tiến, thiết bị và quy trình vận hành chưa hoàn chỉnh như vậy, nhưng Đa Phước lại được TP ưu tiên dồn phần lớn nguồn rác về đây xử lý để gây ra tình trạng bốc mùi hiện giờ.

Đầu tháng 2 năm nay TP đã đóng cửa dự án bãi rác Phước Hiệp để dồn rác về cho Đa Phước. Liệu có sự “chống lưng” trong dự án này?

Ba vấn nạn ngập nước, kẹt xe và ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề nghiêm trọng hơn, mà có phần nguyên nhân do trình độ, kỹ năng và cả  phẩm chất quản lý của một số cán bộ.

TP đang bị ô nhiễm từ nguồn nước, đất đai đến không khí; từ đường phố đến từng hộ gia đình, từ tầng cao đến tầng thấp. Cứu thoát người dân ra khỏi những áp lực này đã là một sự đáng ghi nhớ, chứ chưa nói đến quyết tâm giành lại ngôi vị số 1, danh hiệu Hòn ngọc Viễn đông.

Đọc thêm