Vấn nạn sách giả, sách lậu trước thềm năm học mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước thềm năm học mới, tình trạng sách giả, sách lậu là nỗi lo của nhiều gia đình khi chuẩn bị sách giáo khoa cho con em.
Sách giả, sách lậu được in ấn ngày càng tinh vi.
Sách giả, sách lậu được in ấn ngày càng tinh vi.

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây in ấn, xuất bản, phân phối sách giáo khoa giả, sách lậu có quy mô lớn tại một số tỉnh, thành.

Giữa tháng 6/2024, Công an Đà Nẵng phá đường dây chuyên sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả, sách lậu quy mô, thu giữ hàng triệu con tem, 600 ngàn cuốn sách giả thành phẩm và bán thành phẩm, trị giá khoảng 12 tỉ đồng; tiếp tục mở rộng điều tra tại TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Tại tỉnh Tây Ninh, mới đây Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 kiểm tra đột xuất nhà sách Kiều Trâm (số 76 đường Võ Thị Sáu, khu phố 4, phường 3, TP Tây Ninh), phát hiện sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo số lượng 5.547 quyển.

Tại Đồng Nai, Đội QLTT số 1 phối hợp Công an huyện Nhơn Trạch kiểm tra đột xuất một DN tại tổ 11, khu phố Mỹ Khoan, thị trấn Hiệp Phước, phát hiện có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với hơn 33,8 ngàn ấn phẩm các loại.

Tại Bình Phước, Phòng An ninh Chính trị Nội bộ Công an tỉnh phối hợp Thanh tra Sở TT&TT, Cục QLTT, Nhà xuất bản Giáo dục tại TP HCM kiểm tra tạm giữ 18 đầu sách với hàng trăm cuốn có dấu hiệu in lậu tại một cơ sở phát hành trên địa bàn huyện Lộc Ninh.

Vấn nạn sách lậu, sách giả không chỉ ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ sở kinh doanh phát hành xuất bản phẩm, các đơn vị làm sách.

Ông Nguyễn Ngọc Quân (Giám đốc Cty TNHH Xuất bản & Giáo dục Mochibooks) cho biết: “Khi xuất bản 1 đầu sách, đơn vị xuất bản phải trả chi phí cho tác giả, nhuận bút, biên tập… rất nhiều. Các “đầu lậu” in lậu, in giả, in nối bản và phát hành trái phép sách gây ra nhiều hệ lụy đến đơn vị xuất bản, người tiêu dùng”.

Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo. (Ảnh trong bài: Thiên Phúc)

Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo. (Ảnh trong bài: Thiên Phúc)

Bà Trần Thị Thanh (ngụ TP HCM) cho biết, đầu tháng 8 có đặt mua một cuốn sách qua một tài khoản mạng xã hội có hàng ngàn lượt like và theo dõi. Trên mạng, hình ảnh cuốn sách đăng bán đẹp và bắt mắt, nhưng khi nhận sách thì hoàn toàn thất vọng vì chất lượng giấy kém, chữ in và hình nhòe nhoẹt. Bà liên lạc với người bán để phản ánh về sản phẩm thì chỉ nhận được sự im lặng.

Sau đó bà tìm hiểu, so sánh, thấy sách này có nhiều sai sót về nội dung, nhiều lỗi chính tả, thiếu hụt nội dung, sai lệch nội dung, in mờ, mất chữ, sai màu bìa, sai khổ sách, thông tin bìa cuối không chính xác, không có thông tin tra cứu, khác font chữ, khác loại giấy và không có tem… nhưng thậm chí giá cuốn sách còn cao hơn so với giá sách bản gốc đang được bán trên thị trường.

Trên thực tế, hiện nay nhiều người mua trực tuyến không dễ dàng nhận biết sách thật hay giả. Sách giả, sách lậu được in ấn tinh vi với mức độ giống sách thật có khi lên tới 95%, ngay cả một số người làm sách cũng khó có thể phát hiện sự khác nhau. Không chỉ vậy, việc truy vết các đối tượng bán sách lậu cũng gặp khó khăn do các tài khoản mạng xã hội ẩn danh hoặc thiếu thông tin.

Để giảm tình trạng này, đã có nhiều đơn vị in ấn, xuất bản sử dụng tem chống hàng giả (tem chống giả công nghệ), được tích hợp những công nghệ chống giả đặc biệt mà với những thiết bị máy móc thông thường không thể sao chép.

Theo Tiến sĩ Khoa học Đặng Công Tráng (Trưởng khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Công nghiệp TP HCM), quy định về xử lý hành vi in lậu, buôn bán sách lậu, sách giả đã có tương đối đầy đủ.

“Tuy nhiên, mức phạt vi phạm có vẻ như chưa đủ sức răn đe, hơn nữa việc xác định được số lợi hợp pháp thu được từ hoạt động này cũng khá khó khăn do các vấn đề về hóa đơn, chứng từ, vì vậy vấn nạn này vẫn tái diễn trong nhiều năm qua gây khủng hoảng niềm tin ở độc giả, người tiêu dùng; thiệt hại nguồn thu lớn cho ngành xuất bản; thất thoát nguồn thu về ngân sách nhà nước. Nói cách khác, so với lợi nhuận từ việc kinh doanh sách lậu, số tiền phạt là chưa tương xứng, nên cơ quan chức năng cần tăng nặng chế tài với dạng vi phạm này”, TS Tráng nói.

Đọc thêm