Vấn nạn “tội phạm tóc bạc” gia tăng ở Nhật Bản

(PLVN) - Cảnh sát Nhật Bản đang chứng kiến một sự gia tăng số lượng người cao tuổi phạm tội, dù trước đó quốc gia này ghi nhận tỷ lệ phạm tội thấp nhất trong 17 năm qua.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Âm ỉ gia tăng trong nhiều năm qua

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), “làn sóng tội phạm tóc bạc” âm ỉ nhiều năm qua ở Nhật Bản đã khiến các chuyên gia và giới chức trách lo ngại, khi dữ liệu của cảnh sát cho thấy sự gia tăng đột biến trong các vụ trộm cắp do những người cao tuổi thực hiện, đặc biệt tại các cửa hàng đang tăng đột biến, khiến nhiều chuyên gia lo ngại và nhà chức trách bối rối. Phần lớn các đối tượng là phụ nữ và thường xuyên tái phạm.

Số liệu thống kê và xu hướng tội phạm được Bộ Tư pháp công bố trong Sách trắng hàng năm ngày 24/11 chỉ ra mặc dù số vụ bắt giữ ở Nhật Bản đã giảm đều trong 17 năm qua nhưng xu hướng người già phạm pháp lại gia tăng một cách đáng kể.

Năm ngoái, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 748.559 trường hợp phạm tội, thấp nhất kể từ năm 1945. Trong số đó gần một nửa là các vụ trộm cắp và 70% người bị bắt giữ là những cụ ông, cụ bà trên 70 tuổi. Trong số 42.463 người cao tuổi bị bắt giữ, 1/3 là các cụ bà trên 65, và cứ 10 người thì có 9 người bị bắt vì tội trộm cắp.

Shinichi Ishizuka, giáo sư luật kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học thuộc Đại học Ryukoku, thành phố Kyoto, nhận định có một vài yếu tố đằng sau làn sóng “tội phạm tóc bạc”.

Nhiều trường hợp là người cao tuổi sống một mình sau khi bạn đời mất và không thường xuyên gặp mặt con cái đang ở riêng. Vì bị tách biệt và thường thấy buồn chán, những người này ăn trộm để được người khác chú ý. Shinichi Ishizuka cho hay đánh giá trên được dựa trên thống kê của Bộ Tư pháp rằng 48,8% người bị khởi tố là người tái phạm nhiều lần. “Nhiều trường hợp là do vợ hoặc chồng mất nên họ sống một mình, con cái dọn ra ở riêng, lập gia đình, sinh con và xây dựng cuộc sống nên ít gặp. Vì vậy, nói một cách đơn giản, họ từng có cuộc sống bận rộn và mãn nguyện, nhưng đột nhiên họ không còn gì để khiến mình bận rộn nữa. Họ bị cô lập, thường bị trầm cảm và đối với một số người, trộm cắp là một cách để thu hút sự chú ý”, ông Ishizuka nói.

Với một số người khác, động cơ phạm tội chỉ đơn giản có đủ tiền hoặc thức ăn sống qua ngày. Tình cảnh này có thể trở nên tồi tệ hơn trong Covid-19 và khi thù lao từ những công việc bán thời gian mà người đã về hưu nhận làm để bổ trợ cho khoản hưu trí ít ỏi dần giảm sút.

Ví dụ, cuối tháng 9, cảnh sát tại Yokohama bắt giữ cụ ông 77 tuổi vì tình nghi ăn cắp 1.500 yên Nhật trong hòm tiền công đức. Không có chỗ ở cố định và thất nghiệp. Trước khi bị bắt, ông cũng thực hiện hành vi tương tự và khai nhận bắt đầu từ mùa hè năm nay.

Thích ở tù hơn ở nhà

Đáng chú ý, một số người già cố tình phạm những tội danh nhỏ để có thể được sống phần đời còn lại… trong tù, bởi cuộc sống trong tù được cho là tốt hơn cuộc sống bên ngoài. Hiện tượng bất thường này xuất phát từ những khó khăn trong việc chăm sóc người cao tuổi ở Nhật.

Được biết, chi phí giam giữ một phạm nhân ở Nhật là trên 20.000 USD/năm. Chi phí đối với các phạm nhân cao tuổi thậm chí cao hơn, bởi bao gồm chi phí chăm sóc đặc biệt và y tế. Tuy nhiên, một số phạm nhân cao tuổi nói rằng họ cảm thấy không khí cộng đồng trong nhà tù, điều mà họ chưa bao giờ cảm nhận được ở bên ngoài. “Tôi thích sống trong tù hơn, bởi có nhiều người xung quanh và tôi không hề cảm thấy cô đơn ở đây. Khi ra tù lần thứ 2, tôi hứa sẽ không quay lại nhưng khi ra tù rồi, tôi lại thấy nhớ” - một nữ phạm nhân bày tỏ.

Trước đây, tội trộm cắp ở Nhật có thể bị kết án đến 10 năm tù và chịu mức phạt 500.000 yen (4.785USD). Ngày nay, án phạt dành cho loại tội phạm này giảm mạnh nên một số người cao tuổi quanh năm cô quạnh có thể muốn chọn cách “thà vào tù tốt hơn ở nhà”. 

Nhật Bản là quốc gia có dân số già nhất thế giới, với hơn 1/4 số công dân nước này là những người từ 65 tuổi trở lên. Năm 2050, số người già được dự báo sẽ chiếm 1/3 tổng dân số Nhật Bản.

Trong một nỗ lực để ngăn chặn làn sóng “tội phạm tóc bạc” trong tương lai, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã khởi động một dự án nghiên cứu, trong khi sở cảnh sát ở những khu vực có số lượng tội phạm lớn do người cao tuổi gây ra cũng tiến hành khảo sát những người bị bắt giữ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có chiến dịch toàn diện nào giải quyết triệt để vấn đề này.

Đề cập đến tỷ lệ tội phạm thấp, Giáo sư Shinichi giải thích trong nỗ lực để giảm tỷ lệ giam giữ, năm 2005, Nhật Bản đã thay đổi hình thức xử phạt, bao gồm cảnh cáo và tạm giam nếu như có hành vi trộm cắp từ 1 đến 3 lần. Chỉ đến khi phạm tội lần thứ 5 hoặc 6, tội danh mới được công khai và tội phạm sẽ phải đối mặt với án tù 2 năm.