“Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng…”

(PLVN) - Không phải từ khi nhà thơ Nguyễn Duy sáng tác bài thơ "Tre Việt Nam" thì cây tre mới trở thành một biểu tượng cho phẩm cách, sức sống và tính mềm dẻo, đoàn kết trong tâm thức Việt. Ngay khi cây gậy sắt của Thánh Gióng bị gãy khi đánh giặc Ân thì bụi tre ngà đã trở thành vũ khí và cây tre đã đi vào lịch sử huyền thoại từ những ngày sơ khai lập quốc...
Hình tượng Thánh Gióng cùng cây tre hóa thân thành một trong “Tứ bất tử” sống mãi trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.Nguồn ảnh: tapchicongsan.org.vn
Hình tượng Thánh Gióng cùng cây tre hóa thân thành một trong “Tứ bất tử” sống mãi trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.Nguồn ảnh: tapchicongsan.org.vn

“Tre xanh, xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh…”

Hiện tại, hình tượng cây tre được nhắc đến nhiều trong so sánh với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta bởi tính mềm mại, uyển chuyển cũng như độ sắc bền, rắn rỏi của nó. “Ngoại giao cây tre” thậm chí trở thành một chủ thuyết, một bản sắc riêng không thể lẫn vào đâu của Việt Nam trong giai đoạn mà tình hình quốc tế rất phức tạp và khó lường hiện nay.

Xuất phát từ những đặc tính sinh học của cây tre “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” và kỳ lạ là điều này tương ứng với truyền thống và văn hóa Việt. Đó là xem trọng cội nguồn, xem trọng sức dân, nhân văn, nhân ái, mềm mại nhưng cũng luôn bất khuất, quật cường không bao giờ chịu khuất phục trước gian lao, bão táp. Và có lẽ nhà thơ Nguyễn Duy đã khái quát hết những phẩm chất này trong “Tre Việt Nam”. Dù có giông tố bão bùng thì đoàn kết lại sẽ trở thành sức mạnh. Dân tộc có đi qua bao nhiêu khó khăn, từ thiên tai đến địch họa thì chiến thắng là lẽ đương nhiên nếu Nhân dân, đồng bào luôn hòa mình vào Tổ quốc, dân tộc tạo thành một khối sức mạnh vô địch để “lũy thành” cũng từ đó mà nên:

“Bão bùng thân bọc lấy thân,

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm.

Thương nhau tre chẳng ở riêng,

Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người.”

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” diễn ra ngày 22 tháng 8 năm 2016, trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động đối ngoại đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang, xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”- mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người,... thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam...

Và cây tre với phẩm chất tương đồng của nó với biểu tượng văn hóa Việt đã được nâng lên thành một tầm lý luận mới, một phong cách ngoại giao mới mà nhiều học giả nước ngoài cũng lấy làm thú vị và đánh giá cao về thực tế những thành tựu mà nó mang lại trong công tác đối ngoại. Đó là phản ánh chính sách vững chắc và đường lối đối ngoại linh hoạt của Việt Nam dựa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh và lợi ích quốc gia, dân tộc. Cạnh đó là “Ngoại giao cây tre” cho thấy Việt Nam nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các vấn đề toàn cầu…

Nhưng suy cho cùng, sự hấp dẫn của cây tre vẫn là ở tính gốc rễ và cội nguồn của nó. Như đã nói, gốc rễ có vững thì thân mới chắc và lá cành uyển chuyển. Và sự dị biệt của cây tre ngay từ khi “mới nhú” đã không chịu mọc cong, tre “bản lĩnh” từ trong trứng nước, như sự bền vững được hun đúc từ mạch nguồn thiêng liêng của đất trời dân tộc Việt: “Nòi tre đâu chịu mọc cong, Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường…”.

Ở hình ảnh và chiều cạnh này phần nào tre cũng đã thể hiện khí phách dân tộc ngay từ trong bản ngã của nó. Bản ngã này chính là sự tiếp nối và kế thừa từ truyền thống cha ông ngàn đời, chính cội rễ là sức mạnh để bao lớp cha anh “hóa thân cho dáng hình xứ sở” để “làm nên đất nước muôn đời…”. Dù thăng trầm, dù khó khăn thì vẫn phải giữ lấy cái gốc. Cội rễ còn thì còn tất cả; cội rễ còn thì thân cành sẽ sinh sôi nảy nở cho… cuộc đời nở hoa:

“Chẳng may thân gãy cành rơi,

Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng…”.

Đọc thêm