Văn hóa dòng họ - cội nguồn không thể thiếu của văn hóa dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Ý thức cội nguồn “chim có tổ, người có tông” là điểm mạnh trong văn hóa dòng họ và cũng là điểm nhấn quan trọng trong nền văn hiến Việt Nam. Thế nên, không sai khi nói rằng văn hóa dòng họ là mạch nguồn để hình thành nên văn hóa dân tộc, khơi dậy giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam.
Cội nguồn văn hóa dân tộc, hệ giá trị cốt lõi của con người Việt Nam được trân trọng đã trở thành nguồn lực giúp đất nước vượt lên khó khăn, phát triển quốc gia. (Nguồn: Internet)
Cội nguồn văn hóa dân tộc, hệ giá trị cốt lõi của con người Việt Nam được trân trọng đã trở thành nguồn lực giúp đất nước vượt lên khó khăn, phát triển quốc gia. (Nguồn: Internet)

Luôn khắc sâu trong tâm tưởng khái niệm “cây cùng một cội”

Từ huyền thoại “bọc trăm trứng”, lịch sử dân tộc Việt Nam như một dòng chảy liên tục và được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao của các Vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Mọi người dân Việt Nam đều có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng và có chung Quốc Tổ là các Vua Hùng. Vì thế, trải mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức tổ tiên.

Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi, khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng. Việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành tập quán, tín ngưỡng và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, để người dân đất Việt thắt chặt khối đại đoàn kết; là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Bởi vậy mà ngày 6/12/2012, tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng và cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ở góc độ hẹp hơn, giỗ tổ dòng họ cũng là một nét đẹp văn hoá người Việt. Trong văn hoá dân tộc Việt Nam, giỗ tổ tiên được coi là một trong những nghi lễ trọng đại nhất với mỗi dòng họ. Nó được xem như một nét đẹp của văn hoá truyền thống, gắn kết tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình. Bởi với người Việt Nam, ngày giỗ họ không chỉ đơn thuần là nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên mà còn là các thành viên trong dòng họ được thực hành những nghi lễ mang đậm tính văn hoá dân tộc.

Trong ngày giỗ họ, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau thực hiện các nghi thức tôn kính tổ tiên như đặt bàn thờ, làm lễ cúng, đốt nhang và đưa các loại hoa trái lên bàn thờ. Các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau ngồi quanh bàn ăn để thưởng thức các món ăn được chuẩn bị kỹ càng, tinh tế và đặc biệt chỉ có trong ngày giỗ họ. Đây là dịp để các cành, chi trong một dòng họ lớn nhận họ hàng, nắm được thông tin của nhau, cùng nhau trò chuyện, hiểu rõ hơn về những câu chuyện xây dựng dòng họ của tổ tiên mình.

Từ đó có thể thấy giỗ họ còn là dịp để những tư liệu, di sản quý báu của mỗi dòng họ như phả ký, cây gia phả phát huy lợi ích và ý nghĩa nhằm giúp anh em trong dòng họ giữ được mối liên kết bền chặt, là cơ sở cho đoàn kết trong dòng họ. Nhờ vào ngày giỗ họ, mọi người trong gia đình có cơ hội tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với tổ tiên đã đi trước. Đây cũng là dịp để các thế hệ trưởng thành có thể kể lại những câu chuyện về tổ tiên, giúp truyền lại những giá trị đạo đức, tinh thần và truyền thống văn hoá của gia đình cho các thế hệ sau.

Có thể nói, truyền thống Giỗ Tổ Hùng Vương và giỗ tổ dòng họ đã, đang mang một ý nghĩa không thể thay thế trong sự phát triển văn hoá xã hội của người Việt nhờ vào tác động gắn kết cả cộng đồng dân tộc cũng như từng thành viên trong từng dòng họ. Để từ đó lưu giữ các giá trị văn hoá, cũng như giúp các thế hệ người Việt luôn khắc sâu trong tâm tưởng một khái niệm “cây cùng một cội”.

Vai trò của gia đình, dòng họ trong thời kỳ mới

Một lễ giỗ tổ dòng họ. (Nguồn: Internet).

Một lễ giỗ tổ dòng họ. (Nguồn: Internet).

Truyền thống Giỗ Tổ Hùng Vương và giỗ tổ dòng họ của người Việt đã một lần nữa được nhấn mạnh tại Hội thảo quốc gia “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khuyến học Việt Nam vừa tổ chức vào trung tuần tháng 8/2023.

Phát biểu tại Hội thảo, theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến nhiều trào lưu văn hóa trên thế giới đến thế hệ trẻ, đang làm mất dần đi giá trị văn hóa truyền thống, thì hơn lúc nào hết, chúng ta phải giữ được ý thức cội nguồn. Ý thức cội nguồn “chim có tổ, người có tông” là điểm mạnh trong văn hóa dòng họ và cũng là điểm nhấn quan trọng trong nền văn hiến Việt Nam. Việc hàng năm các dòng họ đều tổ chức ngày Giỗ Tổ của mình và cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, con cháu khắp nơi về Giỗ Tổ Hùng Vương và Nhà nước quyết định cho cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ một ngày để làm Giỗ Tổ mang ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở chúng ta đều có chung huyết thống, có chung cội nguồn.

Cũng theo bà Doan, văn hóa dòng họ đã hun đúc lên tinh thần, khí phách, bản lĩnh con người trong dòng họ và văn hóa dòng họ đã thấm sâu vào từng đường gân, thớ thịt của từng con người trong dòng họ, làm rạng danh cho cả dòng họ. Đây cũng chính là mạch nguồn để hình thành nên văn hóa dân tộc. Vai trò của dòng họ hết sức quan trọng trong khơi dậy giá trị dân tộc và giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam.

Do đó, trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến nhiều trào lưu văn hóa trên thế giới đến thế hệ trẻ, đang làm mất dần đi giá trị văn hóa truyền thống, thì hơn lúc nào hết, chúng ta phải giữ được ý thức cội nguồn. Các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập từ gia đình, dòng họ để nét đẹp văn hóa và truyền thống tốt đẹp của địa phương, của đất nước mãi mãi trường tồn và phát huy. “Gia đình, dòng họ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, điều này đã được khẳng định qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam” - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Hội thảo, những vấn đề xoay quanh chủ đề “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới” đã được đề cập tới như: giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam thông qua giáo dục truyền thống từ gia đình, dòng họ; vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, thực hiện khuyến học, khuyến tài thông qua các mô hình học tập nhằm phát huy truyền thống tổ tiên, hướng về cội nguồn, tạo sức mạnh nội sinh trong việc thực hiện tốt gia pháp, gia phong, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng, xã nói riêng, của đất nước nói chung; từng gia đình, dòng họ thực hiện tốt việc giáo dục truyền thống thông qua xây dựng xã hội học tập sẽ tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện và lan tỏa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong quá trình hội nhập. Hội thảo cũng đưa ra một số kiến nghị về phát huy văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là đề nghị sớm xác định hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới, coi trọng văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ trong mối quan hệ với văn hóa dân tộc...

Có thể nói, lĩnh vực văn hóa, con người Việt Nam là một trong những lĩnh vực, nội dung được Đảng đặc biệt quan tâm, đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa, con người luôn luôn gắn kết chặt chẽ, hòa quyện nhuần nhuyễn trong các văn kiện của Đảng, nhất là văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Vì thế, phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo quốc gia “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định, việc tổ chức Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm phát huy sức mạnh con người Việt Nam, gắn với giữ gìn hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia. Gia đình là tế bào của xã hội, duy trì nòi giống, là môi trường đầu tiên khuyến khích học tập; dòng họ cơ bản giữ được tính bền chặt, có trên, có dưới, tạo nên một xã hội ổn định, thông suốt. Thời gian tới, cần phát huy vai trò của gia đình, dòng họ để cung cấp nguồn lực cho phát triển quốc gia…